Thứ 2, 23/12/2024, 23:05[GMT+7]

Thanh niên thôn Dụ Đại làm giàu từ nghề truyền thống

Thứ 5, 21/06/2012 | 14:12:09
2,459 lượt xem
Chia sẻ về những thành công trong phát triển kinh tế của thanh niên thôn Dụ Đại, anh Hoàng Văn Bình, Bí thư Đoàn xã cho biết: Trong khi nhiều lao động tại địa phương đi làm ăn xa thì thanh niên thôn Dụ Đại vẫn bám làng để làm giàu; góp phần giúp cho làng nghề quê hương không bị mai một mà ngày càng phát triển đi lên.

Anh Nguyễn Đăng Ruyện (đứng đầu từ trái) đang giới thiệu sản phẩm bánh đa gạo

Từ bao đời nay, người dân thôn Dụ Đại, xã Đông Hải (Quỳnh Phụ) có nghề làm bánh đa gạo bằng phương pháp thủ công. Để có được một mẻ bánh, phải huy động cả nhà cùng tham gia. Công bỏ ra nhiều mà hiệu quả thu về chẳng đáng là bao. Nhiều gia đình, đặc biệt là thanh niên đã phải bỏ nghề, rời quê đi làm ăn xa.

 

Nhưng cùng với sự phát triển của nền kinh tế, việc đưa máy móc vào sản xuất thay thế thủ công đã và đang được bà con làng nghề Dụ Đại ứng dụng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Về Dụ Đại hôm nay, chúng tôi bị cuốn hút bởi không khí lao động với tác phong công nghiệp của những người làm nghề truyền thống nơi đây. Nhiều hộ giàu lên từ làm nghề tráng bánh đa nem, bánh đa gạo, xây được nhà, mua sắm phương tiện sinh hoạt trong gia đình, chi phí học hành cho các con...

 

Toàn thôn Dụ Đại có trên 100 hộ làm nghề thì có khoảng 30 mô hình do thanh niên làm chủ. Đến thăm cơ sở sản xuất và kinh doanh bánh đa gạo Đăng Ruyện mới thấu hiểu được những vất vả, khó khăn và tinh thần dám nghĩ, dám làm của chàng trai trẻ Nguyễn Đăng Ruyện. Sinh ra trong một gia đình nghèo, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự năm 2000, trở về quê, với suy nghĩ tại sao không tận dụng tiềm năng, thế mạnh của địa phương là làng nghề truyền thống để làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương. Nhưng khó khăn Ruyện gặp phải là từ bao đời nay, nghề truyền thống của làng được làm theo lối thủ công nên năng suất không cao. Trong khi đó, tại nhiều nơi máy móc đã được đưa vào sản xuất bánh đa gạo.

 

Với mong muốn thoát nghèo, làm giàu, được sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè và sự quan tâm tạo điều kiện của tổ chức Đoàn thanh niên cho vay 7 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách - xã hội, Ruyện đã đầu tư, mua máy tráng bánh đa đầu tiên về làng trước sự ngỡ ngàng đến nể phục của bà con trong thôn. Chiếc máy tráng bánh đầu tiên được anh Ruyện đưa về làng từ năm 2000. “Lúc đó cả làng xì xào bàn tán, có người còn bảo tôi là “trẻ ranh” tinh tướng, bao đời nay đã chẳng ai làm được, mới tí tuổi đầu mà đã… Rồi cũng thất bại sớm” – anh Ruyện kể. Nhưng bằng ý chí và sự quyết tâm, anh vẫn âm thầm làm với sự giúp sức của bố mẹ.

 

Những ngày đầu, anh gặp không ít khó khăn về kỹ thuật. “Có những lần bánh tráng ra bị vữa, không thể thành hình, buộc phải bỏ đi mất hàng tấn gạo. Nhìn cảnh đó tôi buồn đến nghẹn lòng” – anh Ruyện nhớ lại. Làm nhiều lần đúc rút được nhiều kinh nghiệm, cuối cùng anh cũng thành công. Bánh đa gạo được tráng bằng máy của anh không chỉ có độ kết tinh cao hơn, bánh chín dẻo, dai hơn… mà lại có giá thành rẻ, năng suất gấp 20 lần so với làm thủ công. Trung bình mỗi tháng lượng gạo cần cho sản xuất khoảng 6 tấn. Ngoài ra, anh còn nhận tráng bánh thuê cho từ 3- 4 hộ sản xuất thủ công trong thôn. Sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, không chỉ được người dân trong tỉnh ưa chuộng, sản phẩm của anh đã được nhiều thương lái đến đặt hàng mua xuất bán vào thị trường các tỉnh miền Namon>. Hiện, cơ sở của anh đã tạo việc làm ổn định cho gần 10 lao động tại địa phương, với mức thu nhập ổn định từ 2,5- 3 triệu đồng/người/tháng. Lợi nhuận năm 2011 đạt trên 100 triệu đồng. Đó còn là các mô hình sản xuất bánh đa gạo của thanh niên Phạm Thị Nhan, cán bộ Đoàn xã, hay Hoàng Phó Tướng... cho thu nhập từ 70- 90 triệu đồng/năm, đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động nông nhàn tại địa phương.

 

Chia sẻ về những thành công trong phát triển kinh tế của thanh niên thôn Dụ Đại, anh Hoàng Văn Bình, Bí thư Đoàn xã cho biết: Trong khi nhiều lao động tại địa phương đi làm ăn xa thì thanh niên thôn Dụ Đại vẫn bám làng để làm giàu; góp phần giúp cho làng nghề quê hương không bị mai một mà ngày càng phát triển đi lên. Tuy là nghề phụ nhưng nghề làm bánh đa gạo ở Dụ Đại lại cho thu nhập chính, hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông nhàn, hạn chế tình trạng thanh niên “ly hương, ly nông” đi làm ăn xa.

                         Bài, ảnh: Đức Dũng

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày