Xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình: Điều hành ngân sách linh hoạt, minh bạch, hiệu quả (Kỳ 1)
Những năm 1997 - 1999, do thiếu minh bạch trong sử dụng ngân sách trong đầu tư cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm… tại một số địa phương nên Thái Bình trở thành điểm nóng về mất ổn định chính trị. Khắc phục những hạn chế, yếu kém đó, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân, sau 20 năm, Thái Bình trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới (NTM). Kết quả đó ghi đậm dấu ấn công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là sự linh hoạt và minh bạch trong điều hành ngân sách của tỉnh Thái Bình.
Diện mạo NTM xã Nam Thắng (Tiền Hải).
Kỳ 1: Lấy dân làm gốc
Bắt tay vào xây dựng NTM, điều trăn trở nhất của cấp ủy đảng, chính quyền là làm sao để Thái Bình huy động được nguồn lực lớn để triển khai chương trình xây dựng NTM. Từ bài học mất ổn định những năm 1997 - 1999, Thái Bình xác định phải lấy dân làm gốc, coi đây là “chìa khóa” để đổi mới cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Qua đó, phát huy vai trò chủ thể của người dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong xây dựng NTM.
Nhân dân xã NTM Thụy Văn (Thái Thụy) làm đường giao thông nông thôn.
Kinh nghiệm từ xã không làm điểm
Thái Bình là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM, đây được coi là định hướng quan trọng, là mục tiêu để các cấp, các ngành tổ chức thực hiện. Năm 2009, tỉnh đã chọn 8 xã để làm điểm xây dựng NTM với cơ chế hỗ trợ 20,8 tỷ đồng/xã nhằm giúp các xã xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa và cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Trên cơ sở Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020 và thực tế đặt ra ở 8 xã điểm khi nguồn ngân sách trung ương và địa phương còn hạn hẹp, tỉnh đã ban hành Quyết định số 09/2011/QĐ-UBND quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ và quản lý đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng NTM giai đoạn 2011 - 2015, hỗ trợ bằng tiền cho xây dựng các công trình hạ tầng tập trung ở 70 xã điểm. Từ cơ chế hỗ trợ, các địa phương làm điểm đã đồng loạt vào cuộc triển khai. Nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy hết sức vất vả, thậm chí có lúc lúng túng vì vấn đề lớn, rộng và rất nhiều khó khăn, nhất là về nguồn lực. Mong muốn, kỳ vọng của nhân dân thì lớn. Muốn làm NTM nhanh nhưng khả năng nguồn lực để đáp ứng lại hạn chế. Từ tình hình đó, ngày 7/2/2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 02, giảm các tiêu chí hỗ trợ, tăng tính huy động đóng góp, tự chủ, chủ động của người dân. Xây dựng NTM dựa trên quan điểm dân là chủ thể, dân làm, dân hưởng. Tuy nhiên, bước đầu xây dựng NTM tại các xã điểm vẫn cứ loay hoay, các xã về đích không như mong muốn. Trong khi đó, một số xã không được chọn làm điểm nhưng lại có cách làm hay, huy động nguồn lực tại chỗ từ chính người dân. Một trong những địa phương điển hình trong huy động sức dân trong xây dựng NTM phải kể đến là xã Thụy Văn (Thái Thụy). Cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, đầu năm 2010, xã Thụy Văn bước vào xây dựng NTM trong điều kiện khó khăn bộn bề. Một trong những cái khó điển hình là việc quy hoạch đồng ruộng và làm đường giao thông. Bởi lẽ, đồng ruộng của Thụy Văn diện tích đã ít lại bị phân tán, đan xen với các xã khác. Đường làng, ngõ xóm dài nhưng nhỏ hẹp, đòi hỏi phải bố trí nguồn vốn lớn để mở rộng. Trong khi đó, Thụy Văn không phải là xã điểm xây dựng NTM của tỉnh nên nguồn kinh phí được cấp rất hạn hẹp. Xuất phát từ thực tế đó, lãnh đạo xã Thụy Văn xác định biện pháp duy nhất là phải phát huy nội lực, huy động sức mạnh từ nhân dân và lấy đó làm động lực để xây dựng NTM. Trên cơ sở công khai, dân chủ và nguồn tài chính thực có cùng với cách làm “từ ngoài đồng vào, từ nhà ra ngõ, cuối cùng mới tính đến chỉnh trang trụ sở” nên nhiều vấn đề tưởng khó lại được người dân chia sẻ và chung tay hoàn thành. Chỉ sau một thời gian ngắn, hệ thống đường giao thông của 7/7 thôn trong xã hoàn thành với sự đóng góp 90% sức người, sức của từ nhân dân chính là biểu hiện rõ nhất của tinh thần trên. Với cách huy động sức dân như của Thụy Văn, chất lượng công trình không những được bảo đảm mà còn giảm tối đa chi phí, các công trình do chính người dân thực hiện, kiểm tra, giám sát, nhờ đó, kinh phí đầu tư cho 1km cứng hóa kênh mương, làm đường giao thông tiết kiệm đáng kể. Điểm rất hay của Thụy Văn là đã đề ra chủ trương nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ thay vì Nhà nước và nhân dân cùng làm như trước đây. “Quả ngọt” mà người dân Thụy Văn xứng đáng nhận được là trở thành 1 trong 14 xã đầu tiên của tỉnh về đích NTM. Cũng từ cách làm sáng tạo của Thụy Văn đã giúp tỉnh nhìn nhận lại Quyết định số 02, ngay trong năm 2013, tỉnh một lần nữa sửa đổi cơ chế hỗ trợ từ tiền mặt sang đầu tư trực tiếp bằng xi măng với Quyết định số 19/2013/QĐ-UBND bổ sung một số nội dung của Quyết định số 02 về cơ chế, chính sách hỗ trợ và quản lý đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng NTM.
Làng nghề dệt khăn xã NTM Thái Phương (Hưng Hà) tạo việc làm ổn định cho hàng hàng lao động nông thôn.
Chủ động trong tham mưu
Chính việc chủ động của các sở, ngành, trong đó có ngành Tài chính khi tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh phân bổ vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn công khai, minh bạch, tiêu chí rõ ràng đã mang lại hiệu quả thiết thực, từng bước huy động được một lượng khá lớn nguồn lực của xã hội, cộng đồng dân cư tham gia xây dựng NTM. Là động lực khơi dậy các nguồn lực, khắc phục tư tưởng trông chờ cấp trên, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào thi đua xây dựng NTM ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Ông Nguyễn Thanh Long, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Các cơ chế, chính sách được ban hành kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương đã phát huy tối đa các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Các danh mục công trình được phân bổ đúng nguyên tắc, đúng đối tượng, thứ tự ưu tiên và mức hỗ trợ theo quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ, tạo thuận lợi trong quản lý, tổ chức thực hiện và thanh quyết toán vốn đầu tư. Trong quá trình triển khai, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, giám sát định kỳ, tổng hợp báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất về tình hình sử dụng nguồn vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp và nguồn vốn huy động khác để thực hiện chương trình báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh; kịp thời tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh kế hoạch vốn cho các công trình, bảo đảm đúng mục tiêu, nguyên tắc, tiêu chí theo quy định và tình hình thực tế của các địa phương, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, chất lượng công trình; qua đó tạo thuận lợi cho quản lý và thanh quyết toán đầu tư.
Cánh đồng rau an toàn xã nông thôn mới Vũ Phúc (thành phố Thái Bình) cho thu nhập 500 triệu đồng/ha/năm.
Bước đầu tuy khó khăn, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn triển khai xây dựng NTM, Thái Bình đã đạt kết quả đáng mừng và được trung ương đánh giá là một trong số ít tỉnh tốp đầu về xây dựng NTM, có cách làm sáng tạo và đúng đắn. Cái mừng nhất, đạt kết quả quan trọng nhất ở Thái Bình là chuyển biến được nhận thức của nhân dân và cán bộ từ thôn xóm cho đến cấp tỉnh. Các cơ chế, chính sách được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp điều kiện thực tiễn tại cơ sở đã “trúng lòng dân”, huy động được sức dân chung tay xây dựng NTM. Chính trong khó khăn, thử thách, lúng túng, Thái Bình từng bước tìm và gỡ được các điểm “nghẽn”.
“Cách làm của Thụy Văn đã phát huy tinh thần tự lực, tự cường, nội lực trong nhân dân, chủ động tham gia xây dựng NTM; đã phát động được phong trào quần chúng sâu rộng, vận động các tầng lớp nhân dân cùng tham gia. Đây là những kinh nghiệm quý báu, là một điển hình tiêu biểu để các địa phương khác học tập” . (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong lần về thăm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thụy Văn ngày 21/1/2014) |
(còn nữa)
Nhóm phóng viên
Tin cùng chuyên mục
- Thụy Duyên: Nỗ lực xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu 30.09.2024 | 10:18 AM
- Đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh thăm mô hình nông thôn mới kiểu mẫu tại xã An Thái 22.06.2024 | 18:06 PM
- Giám sát chuyên đề về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tại Kiến Xương 12.06.2024 | 19:14 PM
- Vũ Thư: Lắp đặt thêm 23,7 km đèn điện “thắp sáng đường quê” 04.04.2024 | 15:54 PM
- Vũ Thư: Phấn đấu 8 xã về đích NTM nâng cao năm 2024 29.03.2024 | 15:30 PM
- Phiên họp thứ 5 Ban Chỉ đạo trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 08.03.2024 | 16:17 PM
- Đánh giá, xác nhận các xã An Ninh, Đông Hoàng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao 24.01.2024 | 15:56 PM
- An Thái: Xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh 11.12.2023 | 08:13 AM
- Nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấpXây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa 14.11.2023 | 08:48 AM
- Liên Hiệp: Nỗ lực xây dựng nông thôn mới nâng cao 10.11.2023 | 09:32 AM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh