Thứ 3, 23/07/2024, 21:18[GMT+7]

Đổi mới trong việc tang - Nét đẹp trong bức tranh văn hóa ở Thái Sơn

Thứ 6, 22/06/2012 | 10:14:16
1,433 lượt xem
Thái Sơn (Thái Thụy) vốn là xã có mặt bằng dân trí, học vấn khá cao. Tuy nhiên ở đây, từ lâu vẫn tồn tại tập quán tổ chức ăn uống rườm rà trong các đám tang. Từ giữa năm 2011 trở đi, sự đổi mới của lễ tang dường như ngày một thấm vào lòng dân.

Một góc làng quê Thái Sơn (Thái Thụy). Ảnh: Ngọc Linh

Trong lúc tang gia bối rối, tang chủ phải lo biết bao công việc cho người vừa nằm xuống, nhưng vẫn phải dành không ít thời gian, công sức, tiền bạc để lo cho công việc này. Ngay từ lúc che rạp, phát tang cho đến khi người quá cố được “mồ yên mả đẹp”, cháu con, họ mạc đã phải đôn đáo ngược xuôi lo toan cho các bữa ăn diễn ra lai rai trong ngày tang lễ. Bữa tập trung đông nhất, thịnh soạn nhất thường là sau lễ tiễn đưa, người nhà thường phải đón các ngả đường để mời khách. Nói chung, không đám tang nào không tổ chức ăn uống khiêm tốn nhất cũng phải mười lăm mâm; trung bình thì vài ba chục; còn những gia đình khá giả thì nhiều hơn thế. Hàng triệu đồng, hàng chục triệu đồng chi cho những bữa ăn như thế diễn ra thường tình ở một vùng quê chưa thể gọi là giàu có này... Có một dịp lại phát sinh “giấy mời”. Bà con họ tộc, thôn làng, gần xa... ai đến viếng, khi về đều được người nhà đón và trao cho một “giấy mời”, nội dung là: “Cám ơn và trân trọng kính mời dự bữa cơm tình cảm...”. Thế là cỗ bàn ngày càng thịnh soạn hơn và tăng thêm, theo con số người dự... Đây quả là một tục lệ trái với nếp sống văn hóa mới. Thế mà suốt hàng chục năm vẫn cứ triền miên tồn tại như một việc làm “bất khả kháng”, tạo nên một hủ tục, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân...

Trước thực trạng ấy, ngay từ đầu những thập kỷ trước, lãnh đạo địa phương đã có sự quan tâm tuyên truyền giáo dục vận động nhân dân khắc phục tình trạng này. Hội đồng nhân dân xã nhiều năm cũng đã ra Nghị quyết đổi mới về việc cưới, việc tang. Tuy nhiên hiệu quả không cao. Đại hội Đảng bộ xã lần thứ 31 vừa qua, nhận thức rất rõ tầm quan trọng phải đẩy lùi hủ tục này, Nghị quyết Đảng bộ chỉ rõ: “...Những hủ tục lạc hậu trong đời sống văn hóa sẽ ngăn cản quá trình xây dựng nông thôn mới do Đảng ta lãnh đạo. Muốn trở thành “Xã nông thôn mới” thì Đảng bộ, nhân dân ta phải quyết tâm xóa bỏ trở lực ấy. Cán bộ, đảng viên và hội viên, các tổ chức chính trị xã hội, cần phải tiên phong gương mẫu, làm hạt nhân trong cuộc vận động này. Địa bàn nào, thôn nào, đoàn thể nào không thực hiện tốt nghị quyết thì phải chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân...”. Sau khi nghị quyết được ban hành các đoàn thể chính trị, xã hội tập trung tuyên truyền cho các hội viên, đoàn viên. Đài Truyền thanh xã tăng thời lượng phát sóng đưa nghị quyết vào cuộc sống. Đội ngũ cán bộ các thôn – lực lượng nòng cốt – có vai trò quyết định cuộc vận động đổi mới này, đều thể hiện quyết tâm cao và sẵn sàng vào cuộc, làm tốt nhiệm vụ đảng trao. Tuy nhiên thời gian đầu, đó đây vẫn còn có tang chủ chưa mạnh dạn, thiếu quyết đoán, chủ động trong công việc; họ sợ “mắc lỗi với người đã khuất khi bỏ qua tập quán lâu đời này...” nên cần có sự tư vấn, giúp đỡ của cán bộ thôn, xóm để tang lễ tiến hành tốt đẹp.

Với 8 thôn, 6.600 dân, không mấy tuần Thái Sơn không có người “ra đi” và qua mỗi tang lễ, địa phương lại rút kinh nghiệm, bổ sung cho nhau và dần hình thành một cách làm thống nhất với trình tự các bước đi phù hợp, do cán bộ thôn xóm phụ trách, như điều hành phúng viếng, làm lễ  truy điệu và đưa tiễn; tuyệt đối không tổ chức và mời ăn uống. Đại diện tang chủ chỉ cần bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới mọi người đã đến chia buồn, phúng viếng và tiễn đưa người thân của mình.

Từ giữa năm 2011 trở đi, sự đổi mới của lễ tang dường như ngày một thấm vào lòng dân. Từ chỗ phải tuyên truyền vận động nay bà con đã dần thể hiện rõ vai trò chủ thể của mình, thực hiện tốt chủ trương của địa phương... Từ gia đình bình thường đến những gia đình khá giả, con cháu đã thành đạt cũng không còn ai bày đặt cỗ bàn ăn uống linh đình để ”báo hiếu người mất” như quan niệm trước đây. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu 2012, Thái Sơn có trên ba chục người qua đời, trong đó không ít vị, gia đình sung túc, cháu con trưởng thành. Riêng cuối tháng 5, ba vị lão thành, đều trên 80 tuổi đời, trên 50 tuổi Đảng (đó là các cụ: Nguyễn Bá Đối (Nam Hưng Tây), Phạm Văn Trợ (Nam Hưng Đông), Nguyễn Như Khả (Thanh Phần) cũng đã “ra đi”! Tất cả các đám tang ấy đều đã được cử hành trọng thể, đông đúc và dào dạt nghĩa tình... Có điều khác lạ, đổi thay là tất cả các đám tang trên không có gia chủ nào tổ chức ăn uống linh đình, tốn kém như một vài năm trước.... Nhiều khách xa về dự tang đều bày tỏ sự đồng tình và cảm phục sự đổi mới của Thái Sơn. Có vị so sánh: “Đó là nét đẹp mới trong bức tranh toàn cảnh về đời sống văn hóa của một vùng quê đang đổi mới”...

Phạm Đăng Duật

(Thái Sơn, Thái Thụy)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày