Thứ 2, 23/12/2024, 22:59[GMT+7]

Dồn điền đổi thửa ở Thái Tân: Dân không ngại khó

Thứ 2, 25/06/2012 | 08:21:36
1,533 lượt xem
Thái Tân là xã vùng sâu vùng xa, khó khăn của Thái Thụy, nhưng từ khi được huyện chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới (NTM), người dân nơi đây rất phấn khởi, thực hiện tốt việc dồn điền đổi thửa (DĐĐT) đất nông nghiệp, nỗ lực sản xuất, xây dựng đời sống mới.

Niềm vui được mùa sau dồn điền đổi thửa của người dân xã Thái Tân (Thái Thụy).

Chủ tịch UBND xã Nguyễn Xuân Trường cho biết: Thái Tân thuộc vùng đất cát cao khu Nam của huyện với diện tích đất tự nhiên 406,26 ha. Địa hình phức tạp, xâm canh ở nhiều xã. Toàn xã có 52 xứ đồng, mặt bằng cao-trũng khác nhau, nhiều xứ đồng  cách xa khu dân cư 5km. Năm 2002, xã đã thực hiện DĐĐT nhưng bình quân vẫn còn 6,4 thửa/hộ. Ruộng đất manh mún, hệ thống các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất còn nhiều bất cập, một số công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, mới có 2,2km/18,2km kênh mương được cứng nên chưa đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Khi triển khai xây dựng NTM, địa phương xác định: khâu mở đường, then chốt là phải thực hiện bằng được việc DĐĐT đất nông nghiệp.

Ngay từ đầu năm 2011, Đảng ủy xã có Nghị quyết chuyên đề về DĐĐT đất nông nghiệp. Cùng với triển khai lập quy hoạch chi tiết giao thông thủy lợi, UBND xã tổ chức  điều tra kỹ lưỡng hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp, xây dựng phương án DĐĐT, xác định rõ diện tích quy hoạch giao thông thủy lợi nội đồng, đất 5%, đất thực hiện dồn đổi, đất quy hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, dự kiến khối lượng và kinh phí đào đắp giao thông thủy lợi. Trên cơ sở diện tích đất nông nghiệp thực hiện dồn đổi, Thái Tân chia thành 3 nhóm đất: tốt, trung bình, xấu. Những hộ có diện tích canh tác nhỏ hơn 1.500m2 thì giao 1 thửa, những hộ lớn hơn 1.500 m2 thì giao vào nhóm tốt-xấu, đồng thời vận động họ hàng, anh em, khu xóm bốc 1 số. Xã đã tổ chức hàng chục cuộc họp để lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào phương án, bình nhóm đất, đồng thời phân công 4 cán bộ có kinh nghiệm, am hiểu về đất đai xuống cùng với các thôn triển khai thực hiện.

Sau khi thu hoạch vụ lúa mùa năm 2011, Thái Tân phát động toàn dân ra quân làm thủy lợi, chỉnh trang đồng ruộng. Kết quả chỉ sau một tháng hệ thống bờ vùng, bờ thửa được hình thành, quy họach hợp lý, đủ tiêu chuẩn kích cỡ theo quy định: bờ thửa rộng từ 2,5 đến 3 m, bờ vùng rộng từ 4,5 đến 5 m. Tổng khối lượng đào đắp toàn xã thực hiện 70.000m3, hoàn thành 100% kế hoạch đề ra. Tháng 12/2011, Thái Tân tổ chức chia ruộng cho dân, kết quả sau DĐĐT bình quân mỗi hộ còn 1,63 thửa, canh tác rất thuận tiện. Nguồn vốn hỗ trợ chỉnh trang đồng ruộng của tỉnh, kết hợp ngân sách xã, HTX, địa phương đã đầu tư xây dựng 31 cống, lắp đặt 500 ống bi kịp thời phục vụ cho sản xuất. Xã cũng đã quy hoạch được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: vùng 2 lúa, 2 lúa+1 vụ đông, chuyển đổi và chăn nuôi tập trung, chuyên màu…

Theo chân đồng chí cán bộ văn phòng, chúng tôi ra cánh đồng thôn Phú Uyên, lúa xuân đã chín vàng óng, đến kỳ thu hoạch rộ. Trời gần về trưa, mồ hôi thấm hết lưng áo, nhưng nông dân vẫn thoăn thoắt cắt từng khóm lúa trĩu bông, nặng hạt. Dù vất vả, cực nhọc nhưng dường như niềm vui được mùa sau DĐĐT vẫn lộ rõ trên khuôn mặt của mỗi người. Dừng tay bên xe lúa chất cao ngất, nông dân Nguyễn Văn Án chia sẻ: “Gia đình tôi cấy 1 mẫu ruộng, trước kia 5 mảnh, công cày cấy, đi lại thăm đồng rất vất vả nhưng sau DĐĐT còn 2 mảnh tiện không gì bằng. Vụ này tôi cấy 2 giống lúa lai và lúa chất lượng, chú trọng chăm sóc phòng trừ sâu bệnh nên ruộng nào cũng tốt bời bời, chắc chắn khi cho thóc vào bồ cũng ngót nghét 2,5 tấn”. Chung niềm vui với ông Án, nông dân Nguyễn Văn Bộ đứng gần đó góp lời thêm: “Chỗ mọi người đứng trước đây là một bờ nhỏ chưa đầy 2 m, lầy thụt đi lại rất khó khăn, nhưng nhờ DĐĐT, chỉnh trang ruộng đồng mà bờ đắp thành đường lớn, máy móc có thể xuống tận ruộng, sướng không gì bằng. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là thời gian tới, Nhà nước hỗ trợ đầu tư cứng hóa mặt đường, nâng cấp hệ thống thủy lợi để nhân dân đi lại và tổ chức sản xuất thuận tiện. Nếu có được đường to, bờ lớn  thì phần đóng góp đối ứng của nhân dân, bà con luôn sẵn sàng”.

Anh Trường cũng cho biết thêm: thành công lớn nhất trong DĐĐT ở Thái Tân là đã thay đổi được tư duy, nếp nghĩ, tập quán canh tác của người dân. Để làm được điều này, xã đã phải tích cực tuyên truyền, vận động, các bước thực hiện công khai dân chủ, bảo đảm sự công bằng với từng hộ gia đình. Từng phiếu bốc số, chủ tịch UBND xã phải ký tên, đóng dấu. Sau khi nhân dân bốc thăm, nhận số phải ký rõ họ tên ở đằng sau, sau đó thực hiện niêm phong số phiếu đã bốc nên tạo niềm tin, tư tưởng phấn khởi cho bà con. Vì vậy, không chỉ tích cực lao động, mỗi hộ gia đình còn hiến 27m2/sào, đào đắp hệ thống giao thông thủy lợi. Xã vận động mỗi hộ góp 100.000đ/sào, tính bằng công lao động đào đắp, thu trong 3 vụ và ngay từ vụ mùa, các thôn hoàn thành kế hoạch đóng góp từ 95 đến 99%. Ngoài ra, sau khi nhận ruộng bà con còn bỏ kinh phí bình quân từ 2 đến 3 triệu đồng, có hộ 7 triệu đồng thuê máy về cải tạo, san phẳng ruộng, cấy lúa mùa kịp thời vụ.

Đến nay, Thái Tân đã đạt 11/19 tiêu chí xây dựng NTM. Sau DĐĐT, năm 2012 xã tập trung xây dựng một số tuyến đường giao thông, kênh mương… với nguồn vốn dự kiến 20,5 tỷ đồng. Theo anh Trường tính toán: để xây dựng thành công mô hình NTM, Thái Tân cần 150 tỷ đồng, trong đó nguồn đối ứng của nhân dân từ 35 đến 40%, nhưng sức dân cũng chỉ có hạn nên chặng đường thực hiện 8 tiêu chí còn lại sẽ rất gian nan. Trong đề án xây dựng NTM, xã đã đánh giá thực trạng tình hình nông thôn, đưa lộ trình, giải pháp, dự kiến các nguồn vốn thực hiện. Nếu Đảng bộ, chính quyền và người dân cùng chung sức, đồng lòng thực hiện, từng bước tháo gỡ khó khăn, tin rằng Thái Tân cũng sẽ xây dựng thành công mô hình NTM trong tương lai không xa.

                     Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày