Thứ 6, 22/11/2024, 17:54[GMT+7]

Xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình: Điều hành ngân sách linh hoạt, minh bạch, hiệu quả (Kỳ 4)

Thứ 5, 27/02/2020 | 09:06:42
3,322 lượt xem
Với chủ trương đưa nước sạch về làng bằng con đường xã hội hóa, huy động doanh nghiệp cùng vào cuộc xây dựng các nhà máy nước sạch, Thái Bình đã giải được bài toán “khát” nước sạch tại khu vực nông thôn. Qua đó chấm dứt tình trạng lãng phí các công trình cấp nước sạch trước đây, trở thành địa phương đi đầu cả nước trong việc phủ kín nước sạch đến 100% hộ dân.

Công nhân nhà máy nước sạch Đông Huy (Đông Hưng) vận hành trạm bơm nước.

Kỳ 4: Thỏa “cơn khát nước sạch” cho người dân

Ưu đãi đầu tư

Thái Bình là tỉnh đông dân, với gần 1,9 triệu người, trong đó khu vực nông thôn chiếm gần 80%. Tuy được tiếp cận nhiều nguồn vốn như: vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn vay Ngân hàng Thế giới... để triển khai thực hiện đưa nước sạch về nông thôn nhưng đến năm 2012, toàn tỉnh mới chỉ đầu tư xây dựng được 66 công trình cấp nước sạch, tổng vốn đầu tư hơn 613 tỷ đồng, cấp nước sạch cho 21% dân số. Mặc dù nguồn vốn đầu tư lớn nhưng chỉ sau một thời gian đi vào vận hành và sử dụng, nhiều công trình nước sạch đã bộc lộ hạn chế, một số công trình bỏ không và phải ngừng hoạt động, gây lãng phí ngân sách nhà nước. Vì vậy, mục tiêu để 100% người dân được sử dụng nước sạch luôn là băn khoăn, trăn trở của cấp ủy, chính quyền các cấp. 

Trước thực trạng đó, Thái Bình đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện dự án đầu tư các công trình cấp nước sạch nông thôn tỉnh, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; đồng thời, lựa chọn giải pháp chuyển nhượng các công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn được đầu tư từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới và vốn chương trình mục tiêu quốc gia nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng cấp nước sạch cho nhân dân. Cùng với đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 12/2012/QĐ-UBND ngày 2/8/2012, Quyết định số 19/2014/QĐ-UBND ngày 24/9/2014, Quyết định số 1718/QĐ-UBND ngày 31/7/2015 của UBND tỉnh về cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý các công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 - 2015. 

Lắp đặt đường ống nước sạch tại các xã khu vực nông thôn.

Theo đó, với dự án đầu tư xây dựng mới tỉnh sẽ hỗ trợ 3 triệu đồng/m3/ngày đêm; với dự án đầu tư nâng cấp mở rộng công suất cấp nước hỗ trợ 2 triệu đồng/m3/ngày đêm và với dự án đầu tư mở rộng phạm vi cấp nước hỗ trợ 1,5 triệu đồng/m3/ngày đêm. Ngoài hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình, các doanh nghiệp nước sạch còn được nhận nhiều sự ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng... Chính nhờ những ưu đãi trên mà tỉnh Thái Bình đã nhận được sự quan tâm đầu tư của nhiều doanh nghiệp. Ông Nguyễn Thanh Long, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Chủ trương xã hội hóa đầu tư chương trình nước sạch và các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh là đúng đắn, kịp thời, tạo động lực quan trọng cho các nhà đầu tư và đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng sử dụng nước sạch của người dân khu vực nông thôn. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh, huyện đến cấp xã với quyết tâm cao nhất thực hiện mục tiêu cung cấp ổn định, đầy đủ nước sạch, bảo đảm chất lượng cho người dân khu vực nông thôn.

Niềm vui được sử dụng nước sạch của người dân xã NTM Thái Dương (Thái Thụy).


Phủ khắp thôn xóm

Đến hết năm 2019, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành các quyết định hỗ trợ đầu tư đối với 54 công trình, dự án cấp nước sạch theo cơ chế, chính sách của tỉnh với tổng kinh phí được phê duyệt hỗ trợ gần 520 tỷ đồng, tổng kinh phí đã cấp hỗ trợ là 334,6 tỷ đồng, chiếm 64,4% tổng kinh phí được phê duyệt hỗ trợ. Ông Tạ Ngọc Giáo, Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Trong quá trình triển khai thực hiện các dự án cấp nước sạch nông thôn, ngành Tài chính đã chủ động tham mưu UBND tỉnh bố trí, dành một phần ngân sách để hỗ trợ chủ đầu tư các dự án theo tiến độ. Đến nay theo cơ chế cam kết của tỉnh, số tiền còn phải hỗ trợ đến hết năm 2020 là gần 103 tỷ đồng. Ngành Tài chính còn tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn ngân sách từ tăng thu của năm 2019 và bố trí trong dự toán năm 2020 để cơ bản hỗ trợ các chủ đầu tư theo cơ chế và cam kết của tỉnh. Căn cứ quy định tại các Quyết định số 12, Quyết định số 19 và hướng dẫn của các sở, ngành, trên cơ sở xác nhận công trình hoàn thành của các nhà đầu tư, dự kiến đến hết năm 2023 sẽ kết thúc công tác hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Theo đó, hàng năm, Sở Tài chính sẽ phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, rà soát, cân đối các nguồn vốn ngân sách, tham mưu UBND tỉnh phân bổ, hỗ trợ theo các quyết định hỗ trợ cho các công trình dự án bảo đảm theo quy định.

 Nước máy phủ kín 100% các xã, phường, thị trấn.

Ông Đoàn Xuân Quýnh, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Đoàn Trương Trọng - doanh nghiệp đang cấp nước sạch cho 4 xã của huyện Kiến Xương cho biết: Nếu không có cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi của nhà nước, của tỉnh thì doanh nghiệp khó có thể đầu tư xây dựng công trình nước sạch nông thôn. Năm 2016, doanh nghiệp hoàn thành lắp đặt xong đường ống nước phủ kín 4 xã (Lê Lợi, Nam Cao, Hồng Thái, Trà Giang) với trên 207km; công suất 5.000m3/ngày đêm; tổng mức đầu tư trên 47 tỷ đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ gần 11 tỷ đồng, vay vốn ngân hàng 8 tỷ đồng, còn lại là vốn tự có. Đối với người dân xã Thái Hà, huyện Thái Thụy thì từ khi có nước sạch, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên. Ông Đoàn Văn Sáng, thôn Nam Cường, xã Thái Hà chia sẻ: Trước đây, người dân phải dùng nước mưa, nước giếng khoan trong sinh hoạt. Không những đồ đạc trong nhà bị hỏng mà quan trọng là sức khỏe của mọi người cũng bị ảnh hưởng. Từ khi nhà máy nước Thái Dương về đầu tư, chúng tôi rất phấn khởi đăng ký đấu nối sử dụng nước sạch ngay để bảo đảm sức khỏe cho mọi người trong gia đình và bảo vệ đồ dùng. Mặc dù mỗi tháng tốn thêm chi phí sinh hoạt so với trước khoảng 100.000 - 120.000 đồng nhưng chất lượng cuộc sống gia đình được cải thiện đáng kể.

Xét nghiệm nước nội kiểm tại Công ty Cổ phần kinh doanh nước sạch và vật tư ngành nước Thanh Bình


Từ khi có những công trình nước sạch đưa vào sử dụng đã đem lại hiệu quả thiết thực, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Thái Bình. Đến cuối năm 2016, hệ thống đường ống cấp nước sạch của các dự án đã phủ kín và đủ khả năng cung cấp nước sạch đến trung tâm các xã trên địa bàn tỉnh; đến nay, các dự án đầu tư đã cơ bản hoàn thành, đủ khả năng cung cấp nước sạch cho 100% dân số vùng nông thôn của tỉnh, tỷ lệ sử dụng nước sạch nông thôn toàn tỉnh đạt 98% đã góp phần nâng cao sức khỏe, đời sống cho người dân nông thôn và góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM của tỉnh.


Ông Bùi Đức Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy

Với đặc thù địa bàn huyện ven biển, chủ yếu là nước mặn, nguồn nước ngầm ít, để nâng cao chất lượng cuộc sống theo mục tiêu xây dựng nông thôn mới thì việc khuyến khích người dân sử dụng nước sạch là yếu tố quan trọng. Với cơ chế hỗ trợ của tỉnh, Thái Thụy có 9 doanh nghiệp được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư với 12 công trình cấp nước sạch nông thôn, phủ kín đến 100% hộ dân, đã có trên 98% hộ sử dụng nước máy.  

Ông Nguyễn Đình Triệu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Phụ

Nhờ sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của các cấp, các ngành nên chương trình nước sạch nông thôn ở Quỳnh Phụ đã đạt được những kết quả quan trọng. Toàn huyện có 10 công trình cấp nước sạch, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của 100% dân số. Đến tháng 6/2019, số hộ sử dụng nước máy đạt trên 97,3%, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người dân ở nông thôn.

Bà Trần Thị Thanh, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh nước sạch và vật tư ngành nước Thanh Bình

Do có sự hỗ trợ của tỉnh cùng với sự đóng góp của nhân dân nên Công ty mới mạnh dạn đầu tư xây dựng công trình cung cấp nước sạch. Sau gần 2 năm, với tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 20 tỷ đồng, Công ty đã hoàn thành cải tạo và nâng cấp nhà máy từ công suất 2.000m3/ngày đêm lên 14.000m3/ngày đêm, phục vụ cấp nước cho 100% hộ dân 9 xã, thị trấn trong huyện.


(còn nữa)
Nhóm Phóng viên

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày