Thứ 2, 23/12/2024, 22:55[GMT+7]

Quỳnh Phụ Phát triển làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới

Thứ 3, 26/06/2012 | 15:18:12
1,892 lượt xem
Hiện các làng nghề ở Quỳnh Phụ thu hút lượng lao động lớn tại địa phương, tăng thu nhập cho người lao động, thúc đẩy kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn góp phần hạn chế tình trạng dời quê đi làm ăn xa.

Phụ nữ Quỳnh Phụ với nghề truyền thống mây tre đan xuất khẩu

Một trong những mục tiêu chương trình xây dựng NTM hướng tới là: Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch… Chính vì vậy, việc khôi phục, phát triển làng nghề ở Quỳnh Phụ hiện nay là khâu quan trọng nhằm tạo sự thay đổi về diện mạo vùng nông thôn.

Quỳnh Phụ hiện có 3 xã nghề và 32 làng nghề, thu hút trên 22.000 lao động. Mặc dù chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhưng sản xuất ở các làng nghề vẫn rất sôi động. Không những giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người lao động mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, góp phần đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM).

Nhiều làng nghề chiếm 70%- 80% tỷ trọng giá trị sản xuất của thôn, làng, tiêu biểu như: dệt chiếu xã An Dục, An Tràng; vàng mã xã An Vinh; chế biến lương thực xã An Mỹ, Đông Hải; gỗ mỹ nghệ xã An Đồng... An Mỹ là một trong 8 xã điểm xây dựng NTM của huyện Quỳnh Phụ. Cách làm ở An Mỹ cũng có nhiều điểm mới, nổi bật. Hiện toàn xã có gần 1.166/2.986 hộ tham gia sản xuất thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ thương mại, giải quyết việc làm cho trên 2.500 lao động.

Ông Phạm Công Chính- Chủ tịch UBND xã cho biết, đời sống của người dân trong xã đã được cải thiện nhờ có nhiều nghề truyền thống phát triển như: chế biến lương thực, thu nhập đạt từ 90.000- 120.000 đồng/người/ngày. Đây là mức thu nhập khá, đồng thời giúp giải quyết số lao động tại chỗ vốn khá đông của địa phương. Từ một xã cơ bản thuần nông, nay đã trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế- xã hội, cuộc sống của nhiều nông dân vốn chỉ biết đến “gốc lúa củ khoai” giờ đã trở nên khá giả, một số gia đình có điều kiện cho con ăn học, xây nhà kiên cố, mua sắm các đồ dùng sinh hoạt hiện đại. 

Tuy nhiên, hiện nay sản xuất của các hộ phần lớn còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa xây dựng được thương hiệu, mối liên kết, tương trợ để cùng nhau phát triển. Cũng như An Mỹ, diện mạo của vùng quê Nguyên Xá, xã An Hiệp những năm gần đây không ngừng đổi thay nhờ một phần vào thu nhập của làng nghề làm nón truyền thống. Đã tồn tại từ mấy mươi năm trên mảnh đất này, nghề làm nón lá cũng có lúc thịnh lúc suy, nhưng dù thịnh hay suy làng nghề Nguyên Xá không bao giờ vắng bóng người khâu nón. Tỉ mẩn, cẩn thận trong từng đường khâu là bí quyết khiến nón lá Nguyên Xá bền, đẹp, chắc và "có tiếng", bởi vẻ đẹp của chiếc nón chủ yếu nhờ vào đôi bàn tay khéo léo của người thợ tạo nên. Cái tài của người thợ làng Nguyên Xá là các múi nối sợi móc khi khâu được dấu kín, nên khi nhìn vào chiếc nón chỉ thấy đều tăm tắp những mũi khâu.

Nón bán chạy nhất vào những tháng hè, còn vào mùa mưa tuy bán chậm hơn nhưng người dân ở đây quanh năm không khi nào hết việc, cứ rời tay cày, tay cuốc là họ lại ngồi quây quần bên nhau, vừa trò chuyện vừa đan nón. Nón lá Nguyên Xá có giá từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng/chiếc, trừ chi phí nguyên vật liệu (lá, nứa, cước và một số phụ kiện) người làm nón thu lãi từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng/chiếc. Thôn Nguyên Xá có 1.460 nhân khẩu thì có tới trên 50% số người làm nón, những lúc nông nhàn hay rỗi việc số người làm nón cũng tăng lên. Tỷ trọng giá trị sản xuất từ nghề khâu nón truyền thống của thôn chiếm gần 54%.

Tuy nhiên phần lớn các làng nghề còn sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, chưa bắt kịp với nhu cầu của thị trường, chất lượng sản phẩm chưa cao, mẫu mã chậm thay đổi nên sức cạnh tranh kém.

 Đặc biệt một số làng nghề thiếu vốn sản xuất, thiết bị - công nghệ lạc hậu, sản phẩm chưa có thương hiệu nên khó cạnh tranh trên thương trường. Hầu hết các làng nghề chưa có hạ tầng kỹ thuật xử lý nguồn nước trước khi xả ra môi trường, cũng như thu gom chất thải. Vấn đề khó nhất ở các làng nghề trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ hiện nay là khắc phục ô nhiễm môi trường để hướng tới phát triển bền vững. Để làng nghề "cất cánh" cũng như đạt được các mục tiêu của chương trình xây dựng NTM, thì việc phát triển, nhân rộng các làng nghề, ngành nghề nông thôn hiện nay cần sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Các địa phương cần lựa chọn, xác định được ngành nghề có tiềm năng lợi thế để tập trung phát triển. Chú trọng công tác đào tạo, truyền nghề cho người lao động. Đặc biệt, cần khuyến khích thành lập các doanh nghiệp đầu mối, đảm nhận khâu tiêu thụ sản phẩm cho các hộ sản xuất.

                                             

Minh Nguyệt

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày