Thứ 2, 23/12/2024, 22:47[GMT+7]

Kinh nghiệm dồn điền, đổi thửa ở Thụy Dương

Thứ 5, 05/07/2012 | 14:25:56
2,525 lượt xem
Giữa lúc nông dân đang thu chiêm làm mùa bận mải, xã Thụy Dương (Thái Thụy) vẫn có cách làm riêng thực hiện thành công việc dồn điền đổi thửa (DĐĐT) đất nông nghiệp theo tiêu chí nông thôn mới (NTM). Đến ngày 5/7/2012, các thôn cơ bản hoàn thành việc chia ruộng, kịp thời làm đất gieo cấy lúa mùa. Kết quả, cách làm của Thụy Dương thực sự là kinh nghiệm quý để các địa phương khác học tập và làm theo.

Giao ruộng ngoài thực địa thực hiện DĐĐT ở Thụy Dương ( Thái Thụy)

Chúng tôi có mặt tại cánh đồng thôn Đông lúc gần 11h trưa một ngày cuối tháng 6. Trời nắng gắt, oi nồng nhưng cả Bí thư chi bộ, trưởng thôn, đại diện các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội vẫn phăng phăng lội qua hết ruộng nọ đến bờ kia đo đạc, bấm máy tính toán, ghi sổ, cắm cọc giao ruộng cho bà con. Lưng áo người nào người ấy ướt đẫm mồ hôi, khuôn mặt sạm đen vì cháy nắng nhưng đều phấn chấn, rạng ngời niềm vui, phấn khởi.
 
Đồng chí Bùi Doãn Chuẩn, Bí thư chi bộ thôn chia sẻ: “Lúc đầu, khi chủ trương DĐĐT đưa ra họp bàn, một số cán bộ, người dân tỏ ý chưa thuận vì tư tưởng sợ mất ruộng tốt nhận phải ruộng xấu. Thôn đã tổ chức 21 cuộc họp từ trong chi bộ đến các nhóm, phân tích rõ lợi ích của việc DĐĐT, bà con được góp ý kiến, bàn bạc công khai, dân chủ nên cuối cùng khi bốc số ai cũng phấn khởi.
 
Ngày 27/6, chúng tôi bắt đầu chia ngoài thực địa và trong 4 ngày giao ruộng xong cho bà con. Toàn thôn có 308 hộ thì 140 hộ 1 thửa, 168 hộ 2 thửa, bình quân  1,56 thửa/hộ”. Rời cánh đồng thôn Đông, ra thôn Đoài, tinh thần chia ruộng cũng tích cực, khẩn trương không kém. Dù “quý đất như vàng” nhưng trước cộng đồng, bà con đều vô tư, tin vào tập thể, không ai có tư tưởng bì tỵ “nhà này ruộng tốt, nhà kia ruộng xấu”. Thậm chí, có những hộ đã bốc số vào vùng đất tốt, nhưng khi đo giao ngoài thực địa thửa đó không đủ hoặc thừa diện tích  sẵn sàng nhường cho hộ khác. Chị Vũ Thị Chuyền phấn khởi chia sẻ: “Trước đây, mỗi hộ có mấy sào ruộng nhưng phân tán tới 4 đến 5 xứ đồng nên canh tác rất khó khăn.
 
Vụ mùa này, sau DĐĐT còn từ 1 đến 2 thửa/hộ, bờ to-ruộng lớn chắc chắn sản xuất sẽ rất thuận tiện: đỡ công vạc bờ cuốc góc, thăm đồng, chăm sóc, tiết kiệm thuốc trừ sâu, có thể đưa máy cày, máy gặt xuống tận ruộng. Tuy nhiên, bà con mong muốn sau khi đã góp công, góp đất chỉnh trang đồng ruộng, góp tiền đối ứng, Nhà nước sớm hỗ trợ kinh phí để địa phương cứng hoá đường ra đồng, kênh mương, nâng cấp hệ thống thủy lợi để bảo vệ đường đã đắp, nâng cao hiệu quả sản xuất, giúp nông dân có thể làm giàu trên thửa ruộng của mình”.

Anh Phạm Văn Quảng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Thụy Dương có 246 ha diện tích đất nông nghiệp, phần lớn là đất vàn cao, thích hợp cho trồng màu. Hàng năm, từ 40 đến 50% diện tích trồng cây màu, cây vụ đông và cho thu nhập bằng 50% tổng thu nhập sản xuất nông nghiệp. Thường lệ, việc DĐĐT được nhiều địa phương tổ chức vào cuối năm khi gặt xong lúa mùa, thời gian chuyển vụ dài hơn. Nhưng với đặc thù ở Thụy Dương, nếu DĐĐT vào thời điểm ấy sẽ ảnh hưởng đến sản xuất vụ thứ 3, giảm thu nhập của bà con nên xã quyết định thực hiện ngay sau khi thu hoạch vụ lúa xuân năm 2012. Từ cuối năm 2011, xã lập quy hoạch chi tiết giao thông thủy lợi nội đồng, huy động sức dân hoàn thành đào đắp 100% tuyến bờ vùng, 50% tuyến bờ thửa với tổng khối lượng 16.000m3, đặt một số cống bi phục vụ sản xuất.

Mỗi hộ dân đồng tình đóng góp 7 đến 9kg thóc/sào, mỗi suất nhận ruộng góp 10m2 đất để chỉnh trang đồng ruộng. Đầu tháng 2/2011, phương án DĐĐT được đưa ra họp bàn, thảo luận, lấy ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên tinh thần công khai, dân chủ từ xã đến thôn. Đài truyền thanh xã tăng cường thời lượng tuyên truyền về lợi ích của DĐĐT, vai trò chủ thể của người dân để bà con hiểu, đồng tình thực hiện. Trên cơ sở phương án chung của xã, 6 thôn xây dựng phương án phù hợp với điều kiện thực tiễn đồng ruộng thôn mình, phân chia thành 17 nhóm hộ dựa theo tiêu chí tiện canh-tiện cư để bình nhóm đất. Thôn và các nhóm vận động các hộ tự nhận ruộng xa, ruộng xấu, anh em trong một gia đình nhận cùng 1 thửa để tiện canh tác, những hộ còn lại thì bốc số.

Trước khi chia ruộng, xã mời 35 chủ hộ có máy cày lên họp, thống nhất chủ trương, yêu cầu các hộ tranh thủ thời gian đẩy nhanh tiến độ làm đất phục vụ nhân dân kịp thời gieo cấy lúa mùa đúng khung thời vụ. Với tinh thần khẩn trương, tích cực, trong vòng tháng 6 Thụy Dương huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc: thu hoạch lúa xuân, gieo mạ, làm đất chuẩn bị sản xuất lúa mùa, chia ruộng cho bà con mà việc nào cũng đâu vào đấy cả. Đến nay, thóc đã đổ đầy bồ, mạ gieo đã lên xanh, bà con nhận ruộng đến đâu cải tạo, san phẳng cày bừa ngay đến đó.

Dù chưa có số liệu thống kê đầy đủ nhưng anh Quảng khẳng định: sau DĐĐT mỗi hộ dân ở Thụy Dương chỉ còn canh tác từ 1 đến 2 thửa ruộng, trong đó có 30%  hộ nhận 1 thửa. Đạt kết quả như vậy, trước hết là từ ý thức gương mẫu, dám hi sinh quyền lợi cá nhân, vì lợi ích cộng đồng của hầu hết cán bộ, đảng viên và sự tự giác vào cuộc tích cực của toàn thể người dân. Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là thành công bước đầu, khâu mở đường. Sau DĐĐT, Thụy Dương sẽ chỉ đạo tổ chức sản xuất theo vùng đã quy hoạch, tiếp tục huy động sức dân hoàn thiện đào đắp 100% tuyến bờ thửa, đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi nội đồng, từng bước hoàn thiện 19 tiêu chí theo phương châm “dễ làm trước, khó làm sau” phấn đấu xây dựng thành công mô hình NTM trong tương lai không xa.

            Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày