Thứ 2, 20/05/2024, 16:44[GMT+7]

Khai mạc Diễn đàn bất động sản thường niên lần thứ nhất

Thứ 4, 15/11/2017 | 13:36:22
453 lượt xem
Ngày 15/11, tại Hà Nội, Diễn đàn bất động sản (BĐS) Việt Nam thường niên lần thứ nhất đã chính thức khai mạc. Sự kiện do Hiệp hội BĐS Việt Nam và Kênh truyền hình VITV tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Xây dựng.

Bộ Trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà và lãnh đạo Hiệp hội BĐS Việt Nam tặng hoa các đơn vị tài trợ Diễn đàn. Ảnh: VGP/Toàn Thắng

Tại diễn đàn, Bộ Xây dựng đã có báo cáo đánh giá tổng quan về thị trường BĐS. Theo Bộ Xây dựng, trong năm 2017, thị trường BĐS tiếp tục tăng trưởng ổn định, cả về giá cả và khối lượng giao dịch. Phần lớn các giao dịch thành công là các hợp đồng mua nhà trực tiếp từ chủ đầu tư. Các dự án có lượng giao dịch cao và giá tăng nhẹ đều nằm ở khu vực trung tâm và các vị trí có hạ tầng đồng bộ. Tính đến thời điểm này, tồn kho BĐS còn khoảng 26.000 tỷ đồng, giảm 16% so với tháng 12/2016. 

Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, một trong những điểm nóng của thị trường trong thời gian qua là tại Thành phố Hồ Chí Minh có hiện tượng tăng giá đất vùng ven như Quận 2, Quận 9, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ. Giá đất nền ở những khu vực này đã tăng 10-20%, có nơi tăng 30-40%, cá biệt tăng đến 70% so với 2016. Nguyên nhân là do hạ tầng giao thông tại các khu vực này đang phát triển mạnh, nhiều dự án lớn đang chuẩn bị được đầu tư... Những thông tin này bị giới đầu cơ, môi giới lợi dụng đẩy giá lên cao. Bộ Xây dựng đã chỉ đạo Sở Xây dựng TPHCM đề xuất chính quyền công khai thông tin quy hoạch các dự án, công khai tiến độ triển khai các dự án, chấn chỉnh việc chia lô bán nền trái quy định... Hiện nay, BĐS tại các khu vực này đã giảm nhiệt.

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đánh giá, năm 2018, dự báo chưa có biến động lớn của thị trường BĐS. Tuy nhiên, thời điểm này, thị trường BĐS Việt Nam phát triển chưa đồng bộ, thiếu bền vững, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, một bộ phận phát triển tự phát, bị lợi ích nhóm chi phối. Nguồn vốn cho thị trường BĐS chưa đa dạng, chủ yếu từ ngân hàng, vốn chủ sở hữu của chủ đầu tư còn thấp, kiểm soát tín dụng đầu tư BĐS còn gặp nhiều khó khăn do chủ đầu tư vay vốn qua công ty con, công ty liên kết.

Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, cơ cấu BĐS hiện nay còn chưa hợp lý, có biểu hiện dư cung ở một số phân khúc BĐS cao cấp trong khi thiếu nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ. Một số doanh nghiệp đầu tư nhiều vào phân khúc nhà ở cao cấp, BĐS nghỉ dưỡng, chưa quan tâm đến nhà ở bình dân, nhà ở xã hội.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, để giải quyết những điểm nghẽn chủ  yếu cản trở sự phát triển của thị trường BĐS, Bộ Xây dựng đang thực hiện đề án đánh giá thị trường, đồng thời, có sự chuyển hướng, đổi mới tư duy về một số vấn đề quan trọng trong quản lý thị trường BĐS. Trong đó, chú trọng công cụ về thuế, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn mới để hạn chế việc sử dụng đất đô thị với mật độ thấp, gây lãng phí, phát triển thị trường theo thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã trình bày tham luận về chính sách tín dụng cho thị trường BĐS; đại diện Bộ Tài nguyên Môi trường có tham luận về chính sách và thủ tục đất đai – Định hướng và sửa đổi; Bộ Tài chính trình bày tham luận về cải cách thế cho thị trường BĐS. Các đại biểu tham dự Diễn đàn còn được nghe các đề xuất, kiến nghị từ phía về các vấn đề đang tồn tại vướng mắc liên quan đến thị trường BĐS cần giải quyết.

Tại Diễn đàn này còn diễn ra Tọa đàm cấp cao với sự tham gia của lãnh đạo Hiệp hội BĐS Việt Nam, đại diện các Bộ, ngành có liên quan và các chuyên đề về” Nhà ở thương mại giá rẻ và Nhà ở xã hội”, “ Cải tạo chung cư cũ” hay chuyên đề về” Công trình xanh”, “Bất động sản nghỉ dưỡng”.

Theo vtv.vn