Thứ 7, 23/11/2024, 03:56[GMT+7]

Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Thứ 4, 03/01/2018 | 14:24:10
1,166 lượt xem
Thành phố Hà Nội đã có 4 huyện Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức và 255/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Sau khi "cán đích", nhiều địa phương đang tích cực triển khai kế hoạch, giải pháp để giữ vững, phát triển các tiêu chí, tiến tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu...

Nhiều tuyến đường của xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) được trồng hoa. Ảnh: Bá Hoạt


Bước chuyển ở xã “điểm”

Đến Đan Phượng, xã điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Đan Phượng, nhiều người ấn tượng với vùng nông thôn sạch, đẹp. Ở đây, tất cả đường giao thông đều được đặt tên, các ngôi nhà được đánh số. Nhiều tuyến đường được trồng hoa, trong khi với những nơi quá hẹp không đủ diện tích trồng hoa, chính quyền địa phương đã khảo sát, vận động nhân dân vẽ tranh tường, tạo cảnh quan. Trong không gian đẹp và mới ấy, tình trạng đổ rác thải bừa bãi, viết, vẽ quảng cáo trên tường cũng không còn.

Bà Nguyễn Thị Kim Cúc, Bí thư Đảng ủy xã Đan Phượng cho biết, khởi nguồn của sự đổi mới này là khi địa phương triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Trước đó, dù đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nhưng địa phương vẫn còn một số hạn chế. Để quê hương ngày càng văn minh, đời sống người dân được nâng cao, xã đã rà soát, điều chỉnh, quản lý quy hoạch, nâng cấp các tiêu chí, phấn đấu cuối năm 2018 sẽ đạt mô hình nông thôn mới kiểu mẫu.

Tại xã Song Phượng, Bí thư Đảng ủy xã Bùi Văn Đức cho biết, triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, xã đã tập trung chỉ đạo sản xuất, chuyển đổi các vùng lúa kém hiệu quả sang trồng bưởi Diễn, hoa ly, nấm hương với tổng diện tích 52,5ha. Đến nay, Song Phượng gần như không còn diện tích trồng lúa; các hộ chăn nuôi đều được tạo điều kiện phát triển chăn nuôi xa khu dân cư... Một số chỉ tiêu văn hóa xã hội trên địa bàn đạt cao như: Gần 75% số trường hợp qua đời được hỏa táng; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 88%; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,86%... Xã Song Phượng phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2018.

Theo ông Nguyễn Hữu Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng, huyện đã chọn 3 xã làm điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gồm: Đan Phượng, Song Phượng và Liên Trung. Sau một thời gian triển khai, cả 3 xã đều đạt kết quả nhất định, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả như trồng rau hữu cơ, dưa lưới; việc như xây dựng làng nghề, đặt tên đường, gắn biển số nhà... đều có triển vọng tốt. Diện mạo của 3 xã "điểm" nói riêng, huyện Đan Phượng nói chung ngày một khang trang.

Nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đặc thù

Trong nhiều hội nghị, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020" đều lưu ý các địa phương, sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới cần tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí. Đặc biệt là rà soát, bổ sung, cập nhật quy hoạch; phát triển sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, hướng đến mục tiêu tăng thu nhập bền vững cho người dân và phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp…

Ông Lê Thiết Cương, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP Hà Nội cho rằng, yếu tố then chốt góp phần làm nên thành công của Chương trình xây dựng nông thôn mới cũng như nâng cao chất lượng các tiêu chí hướng tới xây dựng thành công nông thôn mới tiên tiến, kiểu mẫu là phải đề ra các tiêu chí cụ thể, phù hợp với từng vùng, miền và điều kiện của địa phương. Với đặc thù về vị trí địa lý, phân bố dân cư, Hà Nội đã tiến hành xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới ở khu vực nông thôn và miền núi. Dựa vào thế mạnh của từng địa phương để đề ra cách làm, bước đi phù hợp. Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy đã chỉ đạo xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ) làm điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đặc thù nông thôn và xã Đông Hội (huyện Đông Anh) làm điểm xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị.

Để đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, TP Hà Nội đã chỉ đạo tập trung rà soát, duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí theo bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới (đã có) và bổ sung một số chỉ tiêu phản ánh mức độ hưởng thụ cao hơn cả về vật chất, tinh thần của người dân. Như tại huyện Đan Phượng, đã tập trung vào lợi thế làng nghề để mở rộng, phát triển các điểm công nghiệp làng nghề nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn. Đến nay, Đan Phượng vẫn tiếp tục giữ vị trí đứng đầu thành phố trong xây dựng nông thôn mới và là địa phương đầu tiên có kế hoạch duy trì, nâng chất lượng nông thôn mới với kế hoạch rất cụ thể.

Chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, bà Nguyễn Thị Kim Cúc, Bí thư Đảng ủy xã Đan Phượng cho hay, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự vào cuộc nhiệt tình của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; quá trình triển khai được bàn bạc, dân chủ tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân tham gia chung sức xây dựng chương trình.

Theo: hanoimoi.com.vn