Thứ 6, 03/01/2025, 10:27[GMT+7]

Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIV đổi mới, sáng tạo và hành động

Thứ 2, 27/11/2017 | 07:51:39
1,118 lượt xem
Sau hơn 1 tháng làm việc nghiêm túc, kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIV đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra. Sau khi kết thúc kỳ họp, phóng viên Báo Thái Bình đã phỏng vấn đồng chí Phạm Văn Tuân, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về những đổi mới kỳ họp.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại tổ.

Phóng viên: Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIV được đánh giá có nhiều đổi mới và thành công trên nhiều phương diện, đồng chí đánh giá như thế nào về điều này?

Đồng chí Phạm Văn Tuân: Đúng vậy, kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIV đã thành công trên rất nhiều phương diện như: thảo luận và thông qua các dự án luật, những vấn đề quyết sách về kinh tế - xã hội, cách thức điều hành của Quốc hội và cả trên phương diện truyền thông.

Tại kỳ họp này, tinh thần đổi mới, sáng tạo, hành động tiếp tục được thể hiện rõ: chương trình kỳ họp được bố trí hợp lý, có sự điều chỉnh linh hoạt, kịp thời; cách thức thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước được đổi mới, tăng thời gian thảo luận tại hội trường, tăng cường tính đối thoại, tranh luận đã tạo nên sự đồng thuận cao trong hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng. Việc bố trí nhiều hơn các phiên truyền hình, phát thanh trực tiếp những nội dung mà cử tri và nhân dân quan tâm, nhất là việc thảo luận về các báo cáo kết quả phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; thi hành án; phòng, chống tham nhũng; giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới… đã góp phần gắn kết hơn nữa hoạt động của Quốc hội với cử tri, nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của các tầng lớp nhân dân.

Đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chất vấn tại hội trường.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết hoạt động giám sát của Quốc hội tại kỳ họp này được thực hiện như thế nào?

Đồng chí Phạm Văn Tuân: Hoạt động giám sát của Quốc hội tại kỳ họp được thực hiện thông qua một số nội dung như:

Thứ nhất về chất vấn và trả lời chất vấn: Trong thời gian 3 ngày, Quốc hội đã tiến hành chất vấn đối với Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Các Phó Thủ tướng; một số bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan đã tham gia báo cáo, làm rõ vấn đề đại biểu quan tâm.

Thứ hai về xem xét các báo cáo công tác của các cơ quan nhà nước: Quốc hội đã dành thời gian thỏa đáng xem xét các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng; Báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước trong năm 2017; Báo cáo việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Thứ ba về giám sát chuyên đề: Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016”. Trên cơ sở kết quả giám sát, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới.

Ngoài các nội dung được Quốc hội xem xét, thảo luận riêng tại kỳ họp, số lượng lớn các báo cáo (khoảng 50 báo cáo) đã được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội để tự nghiên cứu, chắt lọc thông tin và kết hợp thảo luận với các nội dung có liên quan hoặc gửi ý kiến, kiến nghị bằng văn bản để cơ quan trình nghiên cứu, tiếp thu.

Phóng viên: Đồng chí đánh giá như thế nào về chất lượng của phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này?

Đồng chí Phạm Văn Tuân: Kỳ họp thứ tư đã có 3.320 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội; 105 phiếu chất vấn, với 194 câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, trưởng ngành. Tổng cộng đã có 191 lượt đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và 37 lượt đại biểu tham gia tranh luận. Qua hoạt động chất vấn cho thấy những vấn đề được Quốc hội lựa chọn là những vấn đề bức xúc, được cử tri, dư luận xã hội cả nước quan tâm. Các thành viên Chính phủ và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nắm chắc chức năng, nhiệm vụ, nghiêm túc trả lời đầy đủ, giải trình rõ, thẳng thắn và làm rõ trách nhiệm trong phạm vi phụ trách; đồng thời, cam kết khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và quyết tâm tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới. Ngoài tinh thần trách nhiệm của các bộ trưởng, các vị tư lệnh ngành được chất vấn thì những câu hỏi, phần tranh luận của các đại biểu cũng sôi nổi hơn, có chất lượng hơn. Có rất nhiều đại biểu tích cực tham gia tranh luận, rất đa chiều. Mỗi đại biểu hoạt động trên một lĩnh vực, trên một địa bàn cụ thể và có góc nhìn cụ thể đối với từng vấn đề. Qua chất vấn, ý kiến đa chiều của đại biểu trên từng vấn đề thì vấn đề được lật đi lật lại sâu sát hơn, giúp cho cơ quan soạn thảo cũng như Quốc hội sẽ có quyết định sát hợp với thực tế hơn.

Phóng viên: Thời gian tới, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổ chức các hoạt động cụ thể gì để đưa nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Văn Tuân: Ngay sau khi kết thúc kỳ họp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổ chức các hoạt động tiếp xúc với cử tri trong toàn tỉnh để báo cáo toàn bộ nội dung kết quả của kỳ họp thứ tư, các báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương về việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Bình đã gửi đến kỳ họp và kết quả hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh năm 2017. Đồng thời, gắn với việc tiếp tục hoàn thành các nội dung trong kế hoạch hoạt động đã đề ra từ đầu năm như các hoạt động giám sát, khảo sát, công tác xây dựng luật, các hoạt động tiếp xúc cử tri định kỳ, chuyên đề và một số hoạt động khác để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ năm. Các vị đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình trong phạm vi, quyền hạn của mình sẽ tích cực chủ động trong công tác phổ biến pháp luật, tiếp tục thông tin, tuyên truyền và giám sát việc triển khai thi hành các luật, nghị quyết mới được thông qua. Tích cực, chủ động nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để phản ánh, kiến nghị kịp thời với Quốc hội, Chính phủ.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Nguyễn Hình 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày