Thứ 3, 23/07/2024, 00:20[GMT+7]

Xây dựng nông thôn mới: Cần những giải pháp căn cơ, đồng bộ, sáng tạo (Kỳ 2)

Thứ 3, 12/06/2018 | 09:25:44
2,212 lượt xem
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Thái Bình đã đi được chặng đường 7 năm. Từ chương trình này, diện mạo nhiều vùng quê đổi thay rõ rệt, đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, sau Quyết định số 1980 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016 - 2020 đã đặt ra những thách thức mới với cả những xã đã đạt chuẩn và những xã chưa hoàn thành xây dựng NTM.

Bộ tiêu chí mới quy định 100% hộ dân và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1980/QĐ-TTg về Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016 - 2020. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 09/QĐ-UBND ngày 3/1/2018 quy định về Bộ tiêu chí xã NTM và cách đánh giá, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận địa phương đạt chuẩn NTM. 

So với bộ tiêu chí cũ, bộ tiêu chí mới có đến 49 chỉ tiêu, tăng 10 chỉ tiêu. Có 7 tiêu chí thay đổi cơ bản so với bộ tiêu chí cũ, trong đó một số tiêu chí được đánh giá là có nội dung khó thực hiện hơn, chất lượng tiêu chí cao hơn, đặc biệt là tiêu chí số 10 (thu nhập) và tiêu chí số 17 (về môi trường và an toàn thực phẩm). 

Cụ thể, tiêu chí số 10 về thu nhập quy định thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2020 đạt trên 50 triệu đồng/người (năm 2018 đạt trên 41 triệu đồng/người, năm 2019 đạt trên 45,5 triệu đồng/người). Trong khi đó, tính đến hết năm 2017, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của Thái Bình mới đạt 27,42 triệu đồng, để nâng cao thu nhập bảo đảm như tiêu chí trong thời gian ngắn là cả một vấn đề nan giải. 

Tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm trước đây chỉ quy định tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia đạt 90% trở lên, nay quy định tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch tương ứng theo lộ trình: năm 2018 là 100% và trên 80%, năm 2019 là 100% và trên 90%, năm 2020 là 100% người dân sử dụng nước sạch. Cùng với đó thêm quy định mà trước đây không có, đó là 100% hộ dân và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm. 

Tuy nhiên, theo tổng hợp của Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh, tính đến tháng 11/2017, toàn tỉnh mới có 160 xã có tỷ lệ đấu nối nước trên 65%, trong đó có 111 xã NTM, 49 xã chưa hoàn thành NTM, như vậy vẫn còn 103 xã có tỷ lệ đấu nối nước dưới 65%, trong đó có 75 xã NTM, 28 xã chưa hoàn thành NTM. 

Thực tế cho thấy, các xã có điều kiện thuận lợi hầu hết đã đạt chuẩn, những xã còn lại đều là xã khó khăn hơn nên để đạt chuẩn cũng sẽ chậm hơn. Trong khi yêu cầu đạt chuẩn NTM đã ngày càng cao hơn, rõ ràng và chi tiết hơn nên cần có sự tham gia tích cực của mỗi người dân, đặc biệt với tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm bởi đây là tiêu chí “động”, rất dễ thay đổi.

Khắc phục những tồn tại, bất cập trong thời gian qua, hướng đến tính bền vững, Quyết định số 1980 của Thủ tướng Chính phủ quy định rõ điều kiện công nhận xã đạt chuẩn NTM không có nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM tại tiêu chí số 20. 

Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, không chỉ ở những xã chưa hoàn thành NTM mà cả địa phương đã được công nhận xã NTM nhưng đến nay vẫn tồn tại nợ đọng xây dựng cơ bản. Nguyên nhân chủ yếu do xuất phát điểm thấp, nhu cầu vốn để hoàn thành các tiêu chí cao trong khi ngân sách cấp trên hỗ trợ hạn chế, huy động vốn từ cộng đồng dân cư khó khăn… Cũng chính vì thế, tiêu chí số 20 này đã trở thành “rào cản” đích đến NTM của không ít địa phương.

Qua phân tích 3 tiêu chí trên, cho thấy sẽ có nhiều địa phương “hụt” tiêu chí khi đối chiếu với bộ tiêu chí mới, kể cả các xã đã đạt chuẩn. Một phần vì yêu cầu mới cao hơn nhưng cũng không thể phủ nhận sự chủ quan, thiếu tính bền vững khi xây dựng các tiêu chí NTM ở địa phương. Một số nơi chưa phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân và huy động nguồn lực; quản lý kinh phí chưa tốt; nặng về thực hiện các tiêu chí hạ tầng, chưa quan tâm đến thực hiện các tiêu chí cần ít kinh phí, đặc biệt là phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động và môi trường.

Có thể khẳng định, việc thay đổi bộ tiêu chí với những yêu cầu cao hơn là nhằm nâng cao chất lượng, sự bền vững trong xây dựng NTM cũng như cải thiện thực chất đời sống người dân. Đây cũng là dịp để các địa phương tự “soi” lại mình, từ đó có đánh giá sâu sắc hơn về những mặt đã và chưa làm được, tìm ra nguyên nhân và có giải pháp điều chỉnh. Và để “con tàu NTM” tiếp tục duy trì vận tốc trên chặng đường mới nhiều thử thách cần có những giải pháp căn cơ, đồng bộ hơn nữa.


Ông Lê Nguyên Hoài, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Thái Bình là một trong những điểm sáng về xây dựng NTM của cả nước với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả. Tuy nhiên, đứng trước những yêu cầu mới vẫn gặp nhiều khó khăn. Tuy chưa có báo cáo đầy đủ nhưng tình trạng “hụt” tiêu chí diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương khi đối chiếu theo bộ tiêu chí mới. Việc huy động các nguồn lực cho xây dựng NTM là rất lớn, nhất là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nên sau khi đạt chuẩn, nguồn lực để duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí của các địa phương còn hạn chế. Bên cạnh đó, một số ít xã có tư tưởng “thỏa mãn” dẫn đến thiếu tích cực trong duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí sau đạt chuẩn NTM.

Ông Khổng Văn Hữu, Chủ tịch UBND xã Đông Xuân (Đông Hưng)

Năm 2014, xã Đông Xuân được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM và hiện các tiêu chí vẫn đang được giữ vững. Khi bộ tiêu chí mới được ban hành, xã đã và đang tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí theo phương châm “nâng cao tiêu chí cứng, giữ vững tiêu chí mềm”. Tuy nhiên, do nằm ven quốc lộ 10, quan tâm lớn nhất của địa phương là tiêu chí số 19 về quốc phòng và an ninh với những tiểu mục: xây dựng lực lượng dân quân vững mạnh, rộng khắp và hoàn thành các chỉ tiêu quốc phòng; xã đạt chuẩn an toàn về an ninh, trật tự xã hội và bảo đảm bình yên. Bên cạnh đó, yêu cầu về tiêu chí thu nhập quá cao, việc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân không phải chuyện một sớm một chiều.

Ông Ngô Xuân Tám, Chủ tịch UBND xã Vũ Thắng (Kiến Xương)

Vũ Thắng vừa được đoàn thẩm định xét, công nhận xã đạt chuẩn NTM tỉnh thẩm định, thống nhất đề nghị UBND tỉnh xét, công nhận đạt chuẩn NTM năm 2017. Cùng với Vũ Thắng, các xã phấn đấu về đích năm 2017 đều nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, ngành từ tỉnh đến huyện để bảo đảm kế hoạch đề ra. Đây cũng là nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vũ Thắng cũng như sự chung sức, đồng lòng của con em xa quê. Đạt chuẩn đã khó nhưng giữ chuẩn còn khó hơn, nhất là với tiêu chí văn hóa, thu nhập khi áp dụng theo bộ tiêu chí mới. Vì vậy, tuy chưa được công nhận xã NTM nhưng cấp ủy, chính quyền xã đã xây dựng kế hoạch, lộ trình với quyết tâm giữ vững và nâng cao hơn nữa chất lượng NTM của địa phương.


Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017 - 2020 theo quy định tại Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ; tỉnh Thái Bình cụ thể hóa tại Quyết định số 09/QĐ-UBND ngày 3/1/2018 của UBND tỉnh có những thay đổi cơ bản so với bộ tiêu chí cũ như sau:
1. Những tiêu chí cơ bản không thay đổi so với bộ tiêu chí cũ (12 tiêu chí):
Tiêu chí 1 về quy hoạch, tiêu chí 2 về giao thông; tiêu chí 3 về thủy lợi; tiêu chí 4 về điện; tiêu chí 5 về trường học; tiêu chí 6 về cơ sở vật chất văn hóa; tiêu chí 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; tiêu chí 9 về nhà ở dân cư; tiêu chí 12 về lao động có việc làm; tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất; tiêu chí 14 về giáo dục và đào tạo; tiêu chí 16 về văn hóa.
2. Những tiêu chí thay đổi cơ bản so với bộ tiêu chí cũ (7 tiêu chí):
2.1. Tiêu chí 8 về thông tin và truyền thông (trước đây là tiêu chí 8 về bưu điện).
Nay có bổ sung:
+ Tiểu mục 8.3. Xã có đài truyền thanh và hệ thống loa đến các thôn.
+ Tiểu mục 8.4. Xã có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành.
2.2. Tiêu chí 10 về thu nhập:
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2020 đạt ≥ 50 triệu đồng/người (cụ thể: năm 2017 ≥ 37 triệu đồng/người, năm 2018 ≥ 41 triệu đồng/người, năm 2019 ≥ 45,5 triệu đồng/người, năm 2020 ≥ 50 triệu đồng/người).
2.3. Tiêu chí 11 về hộ nghèo:
Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 đạt ≤2% (trước đây quy định trong năm xã đạt tiêu chí hộ nghèo có tỷ lệ hộ nghèo không vượt 3%).
2.4. Tiêu chí 15 về y tế:
+ Tiểu mục 15.1. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ≥ 85% (trước đây quy định tỷ lệ người dân tham gia các loại bảo hiểm y tế đạt từ 70% trở lên).
+ Tiểu mục 15.3. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tuổi) ≤ 13,9% (trước đây không quy định).
2.5. Tiêu chí 17 về môi trường và an toàn thực phẩm:
+ Tiểu mục 17.1. Tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh theo quy định ≥ 98% và nước sạch theo quy định ≥ 65% (trước đây chỉ quy định tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia đạt 90% trở lên);
+ Tiểu mục 17.8. Tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm (trước đây không quy định).
2.6. Tiêu chí 18 về hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật:
+ Trước đây chỉ quy định về hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh.
+ Nay bổ sung: Tiểu mục 18.6. Đảm bảo bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình; bảo vệ và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sống xã hội.
2.7. Tiêu chí 19 về quốc phòng và an ninh:
+ Trước đây chỉ quy định về an ninh trật tự được giữ vững.
+ Nay bổ sung tiểu mục 19.1. Xây dựng lực lượng dân quân “vững mạnh, rộng khắp” và hoàn thành các chỉ tiêu quốc phòng.


(còn nữa)

Nhóm phóng viên

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày