Than Uyên - Vươn mình cùng nông thôn mới
Trở lại huyện Than Uyên những ngày cuối tháng 6, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi chính là những đổi thay mạnh mẽ của vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Những trục đường liên thôn, liên xã được xây dựng mới với kết cấu bê tông cứng hóa xuất hiện ở nhiều nơi. Những trường học, trạm xá, nhà văn hóa mới khang trang với khuôn viên rộng rãi, sạch đẹp. Trên những sườn đồi, cùng với màu xanh của rừng là những ngôi nhà tầng được xây mới… Tất cả đã khẳng định sức vươn mạnh mẽ trong cuộc sống của người dân nơi đây.
Tìm hiểu được biết, trên cơ sở nhận thức sâu sắc mục đích, ý nghĩa to lớn của việc triển khai xây dựng nông thôn mới, Huyện ủy, UBND huyện Than Uyên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong xây dựng nông thôn mới. Song song với việc ban hành nghị quyết chuyên đề lãnh đạo nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, UBND huyện còn chủ động xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch xây dựng nông thôn mới gắn với đặc điểm, điều kiện của địa phương.
Trong đó, để việc vận động đồng bào các dân tộc trong huyện có hiệu quả, vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được chú trọng phát huy. Thực hiện sự chỉ đạo của Huyện ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Than Uyên đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể các cấp tích cực tuyên truyền các nội dung về xây dựng nông thôn mới tới các đoàn viên, hội viên; huy động các lực lượng tham gia triển khai hiệu quả phong trào thi đua “Nhân dân Than Uyên chung tay xây dựng nông thôn mới” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Đồng thời, Than Uyên cũng chú trọng xây dựng đội ngũ già làng, trưởng bản, người uy tín, lão thành cách mạng. Thực tế cho thấy, đây là đội ngũ có tinh thần gương mẫu cao, đi đầu trong mọi phong trào; đồng thời là những người có tiếng nói quan trọng, ảnh hưởng nhất định tới đời sống của người dân; nhất là những người dân tộc thiểu số vùng khó khăn. Với việc phát huy tốt vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, người uy tín, lão thành cách mạng, nhìn chung các tầng lớp nhân dân, các dân tộc trên địa bàn huyện đã tích cực tham gia thực hiện các mục tiêu, tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
Đồng chí Vương Thế Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết: “Bám sát đặc điểm, điều kiện của địa phương, những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Than Uyên đã cùng chính quyền các xã nỗ lực vào cuộc vận động, tuyên truyền nhân dân thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Vai trò của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp đã được phát huy thường xuyên. Nhờ đó, vượt lên những khó khăn của địa bàn miền núi, đến nay, phong trào xây dựng nông thôn mới tại các xã trong huyện đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận”.
Một điểm nhấn quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở huyện Than Uyên thời gian qua đó là cấp ủy, chính quyền các cấp đã tạo được sự đồng thuận trong đông đảo người dân tại các cộng đồng dân cư. Từ huyện đến các xã, thị trấn đã thực hiện tốt phương châm “tích cực lắng nghe, kịp thời giải đáp”. Thông qua các hoạt động như đối thoại dân chủ, diễn đàn trao đổi, tiếp xúc cử tri… nhiều ý kiến, kiến nghị của người dân liên quan đến quá trình xây dựng nông thôn mới đã được giải đáp trực tiếp, kịp thời. Qua đó, vừa tạo được sự gần gũi, gắn bó, thân thiết giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân; vừa giúp bà con nâng cao nhận thức hiểu rõ hơn và tích cực, tự giác trong việc tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại thôn, bản, khu dân cư.
Ông Lò Văn Thưa ở bản Nậm Ngùa, xã Phúc Than, huyện Than Uyên chia sẻ: “Nhờ được cán bộ xã, huyện trao đổi, giải thích nên người dân trong bản đã hiểu thông; xây dựng nông thôn mới chính là phát triển đời sống của người dân. Vì thế, bà con đã tích cực tham gia lao động, ủng hộ ngày công, tự nguyện hiến đất để làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa… Đến nay, nông thôn mới đã giúp cuộc sống người dân trong bản được nâng lên, việc đi lại thuận tiện, việc buôn bán hàng hóa cũng thuận lợi hơn trước nhiều lắm”.
Công tác giáo dục ở Than Uyên luôn được quan tâm đầu tư, phát triển
cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: LV
Đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới, Than Uyên còn triển khai có hiệu quả chủ trương quy hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ, tạo việc làm cho lao động nông thôn… góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân. Đây là hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế của Than Uyên. Những năm gần đây, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa và đa canh nhiều loại cây trồng, huyện đã dần hình thành các vùng thâm canh tập trung như: cây lúa, cây mía; cây quế, chè, sơn tra… Đến đầu năm 2018, toàn huyện Than Uyên có 403 ha chè, 530 ha quế, 100 ha sơn tra…
Qua đánh giá, với việc đưa vào trồng các cây có giá trị kinh tế cao, đời sống của bà con dân tộc dần được cải thiện. Chỉ tính trong năm 2017, huyện đã có gần 1.300 hộ nỗ lực thoát nghèo; nhiều hộ trong số này đã vươn lên làm giàu với mức thu nhập khá trở lên. Huyện Than Uyên cũng có cơ chế tốt nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư liên doanh, liên kết với người nông dân trong các khâu từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại. Nhờ đó, bà con dân tộc thiểu số có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định, đời sống từng bước được cải thiện.
Cũng theo đồng chí Vương Thế Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên, những cách làm linh hoạt, sáng tạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương đã tạo được sự đồng thuận, nhất trí, ủng hộ cao trong nhân dân đối với chương trình xây dựng nông thôn mới. Chỉ tính trong 2 năm 2016, 2017 và quý I năm 2018, toàn huyện đã vận động được gần 800 hộ dân tự nguyện hiến tổng diện tích trên 29 nghìn m2 đất các loại; đồng bào các dân tộc trong huyện cũng đã tham gia 48.211 ngày công san gạt, xây dựng các công trình phục vụ tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Huyện đã tập trung, lồng ghép các nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển theo hướng tích cực. Trong năm 2017 và quý I năm 2018, toàn huyện Than Uyên đã thực hiện cứng hóa được gần 30 km đường giao thông các loại; kiên cố hóa trên 5,6 km kênh mương thủy lợi; xây dựng mới hàng chục phòng học, 2 phòng chức năng… Đến nay, cơ bản hệ thống đường trục xã, liên xã trên địa bàn huyện đã được cứng hóa.
Than Uyên cũng đã có 15 trường học đạt chuẩn quốc gia (tăng 7 trường so với năm 2016); huyện hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt 25%. Tính chung trên địa bàn toàn huyện, đến hết quý I năm 2018, huyện Than Uyên đã có 4/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã đạt từ 12 - 13 tiêu chí và 4 xã đạt từ 8 - 10 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Bình quân thu nhập của người dân trong huyện năm 2017 đã đạt 22,4 triệu đồng/người/năm (tăng 3,9 triệu đồng/người/năm so với năm 2016).
Tuy vẫn còn những hạn chế nhất định như kết quả không đồng đều giữa các địa phương; hiệu quả tại một số xã chưa thực sự vững chắc..., song chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần nâng cao một bước đời sống mọi mặt của nhân dân các dân tộc trong huyện. Được biết, để việc xây dựng nông thôn mới ngày càng đi vào chiều sâu và có hiệu quả bền vững, thời gian tới, Huyện ủy, UBND huyện Than Uyên sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia chung sức xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, việc lồng ghép các chương trình, nguồn vốn các ban, ngành chức năng trong huyện cũng sẽ được đẩy mạnh nhằm đa dạng hóa các nguồn lực phục vụ xây dựng nông thôn mới.
Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp cùng các đoàn thể chính trị xã hội, tin tưởng cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc huyện Than Uyên sẽ tiếp tục thu được những kết quả mới trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; qua đó thiết thực góp phần nâng cao chất lượng mọi mặt đời sống người dân trên địa bàn toàn huyện./.
Theo: dangcongsan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Một số giải pháp thúc đẩy CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn ở huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội 28.10.2024 | 11:31 AM
- Mường Thàng trước cơ hội bứt phá: Bài 1 - Những điểm sáng thực hiện nghị quyết của Đảng 11.10.2023 | 16:52 PM
- Huyện Đan Phượng (Hà Nội): Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới 04.06.2022 | 23:54 PM
- Giải bài toán rác thải sinh hoạt nông thôn 22.12.2021 | 13:55 PM
- Hà Nội: Tích cực triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025 19.07.2021 | 09:47 AM
- Tuổi trẻ cả nước ra quân làm đường, xây cầu thắp sáng những miền quê 18.07.2021 | 20:55 PM
- Đồng lòng hiến đất để làm đường liên thôn, liên xã ở Đắk Nông 17.07.2021 | 15:47 PM
- Hà Nội sẽ ban hành bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao 17.07.2021 | 15:47 PM
- Huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An): Phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực phấn đấu về đích huyện nông thôn mới năm 2021 16.07.2021 | 15:00 PM
- Nam Định: Phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên ở xã vùng giáo 15.07.2021 | 14:49 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh