Thứ 6, 22/11/2024, 11:58[GMT+7]

Sức sống làng nghề làm bánh đa gạo

Thứ 6, 19/04/2013 | 14:26:45
4,228 lượt xem
Xã Đông Hải (Quỳnh Phụ) nổi tiếng với nghề làm bánh đa gạo làng Dụ Đại. Những năm gần đây, nghề này đã đem lại cho nhiều hộ dân thu nhập hàng trăm triệu đồng/hộ/năm.

Chị Hoàng Thị Hường, thôn Dụ Đại 2 đang xếp bánh ra phên.

Người dân các thôn Dụ Đại 1, Dụ Đại 2 làm bánh đa quanh năm, đặc biệt nhộn nhịp vào những lúc nông nhàn. Ban đầu, nghề làm bánh đa chỉ là một nghề phụ của người dân, dần dần trở thành nghề chính trong nhiều gia đình. Theo những người cao tuổi trong làng kể lại, nghề làm bánh đa gạo có từ những năm 60 của thế kỷ trước, do một số người dân sống ở Hải Phòng chạy đạn của đế quốc Mỹ di tản về Đông Hải truyền lại và trở thành nghề truyền thống ở địa phương.

Khi chưa có máy xay bột, những người thợ làm nghề bánh đa vô cùng vất vả, cực nhọc. Các bà, các chị dậy từ 2 giờ sáng xay bột bằng tay, dụng cụ xay là những chiếc cối bằng đá. Làm bánh đa công đoạn xay bột là vất vả nhất, phải xay 3 lần mới đạt. Xay sao cho bột càng tơi, bánh sẽ càng dai, ngon. Bởi vậy nên cần rất nhiều thời gian, ai xay nhiều cũng chỉ được 10 kg gạo, để sáng ra bắt đầu tráng bánh rồi phơi cho được nắng. Khi bánh vừa đủ khô thì thu lại xếp thành từng xấp, mang đi thái đều, rồi tiếp tục phơi cho đến khi khô. Tuy nhiên, chất lượng bánh lại phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Gặp trời mưa, gạo ngâm lâu không xay được sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bánh, bột ngâm không tráng được sẽ phải đổ đi, bánh làm ra không có nắng phơi sẽ dễ gãy và có mùi hôi mốc. Cũng có khi đang phơi bánh thì trời mưa, bánh ướt phải thức đêm để sấy khô. Vất vả là vậy nhưng người dân Đông Hải vẫn yêu nghề, giữ nghề. Và rồi, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, việc đưa máy móc vào sản xuất thay thế thủ công đã được bà con làng nghề ứng dụng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Không còn cảnh phải thức khuya, dậy sớm, sức người dần được thay thế bằng máy móc. Các công đoạn từ xay bột, tráng bánh, thái bánh đều được thực hiện bằng máy. Chị Trần Thị Thơm - lao động của Cơ sở chế biến bánh đa gạo Hệ Trọng Thuyên, thôn Dụ Đại 1 chia sẻ: Cách đây chừng 10 năm, dù cố gắng hết sức thì một người mỗi ngày cũng chỉ xay bột, tráng, thái bánh… khoảng 10 kg gạo, thu nhập 15.000- 20.000 đồng. Còn bây giờ, cũng bằng ấy công đoạn nhưng khối lượng gấp 5- 7 lần, thu nhập theo đó cũng cao hơn, đặc biệt không phải thức khuya dậy sớm, các công đoạn cần nhiều sức lao động cũng giảm bớt.

Chúng tôi đến gia đình bác Hoàng Phó Hệ, thôn Dụ Đại 1, một trong những hộ đầu tiên làm nghề bánh đa gạo của xã. Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt tôi là từng chồng, từng chồng những phên bánh khô, bánh ướt xếp đầy ắp. Trong nhà ai nấy đều tất bật với công việc quen thuộc hàng ngày của mình. Bác Hệ đang lột những tấm bánh mỏng manh như lụa vừa được tráng để chuẩn bị mang đi phơi cho kịp nắng, bác bộc bạch: Bánh đa gạo được tráng bằng máy có độ kết dẻo, mịn, dai và thơm ngon hơn so với tráng thủ công. Để làm được một tấn bánh đa gạo thành phẩm phải dùng hết 1,6 tấn gạo, tính chi phí từ xăng dầu, than củi, điện, công thợ, khấu hao máy móc, mỗi ki-lô-gam lãi 500 - 700 đồng. Mỗi tháng lượng gạo cần cho sản xuất của gia đình bác khoảng 6 tấn. Ngoài ra, bác còn nhận tráng bánh cho 3 hộ sản xuất thủ công trong thôn. Sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, không chỉ được người dân trong tỉnh ưa chuộng, sản phẩm của gia đình bác đã có mặt tại thị trường nhiều tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Lào Cai, Yên Bái… Hiện, cơ sở của bác tạo việc làm ổn định cho 5 lao động tại địa phương, với mức thu nhập 100.000 đồng/người/ngày. Nguồn thu nhập của gia đình bác đạt từ 150- 200 triệu đồng/năm. Nhờ có nghề truyền thống mà bác đã nuôi 4 con ăn học và đều thành đạt.

Còn đối với gia đình chị Hoàng Thị Hường, thôn Dụ Đại 2, thì nghề làm bánh đa gạo không những giúp gia đình chị thoát nghèo mà còn có của ăn của để. Chị tâm sự: Trước đây, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, do nhà đông con, 2 vợ chồng lại chỉ làm nông nghiệp. Vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống làm bánh đa gạo, chị đã bàn với chồng mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc để tiếp nối nghề truyền thống của cha. Năm 2003, với nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cùng với sự ủng hộ, giúp đỡ của 2 bên gia đình, anh chị đã mua máy tráng bánh. Từ đó, kinh tế gia đình ngày càng khấm khá. Không chỉ lo cho các cháu ăn học, anh chị còn xây dựng ngôi mới khang trang với đầy đủ các tiện nghi hiện đại. Phó chủ tịch UBND xã Đông Hải - Vũ Đình Chăng cho biết: Nhờ có nghề làm bánh đa gạo, những năm gần đây đời sống của nhiều hộ gia đình không ngừng tăng cao, bộ mặt nông thôn thay đổi từng ngày. Nhà cao tầng ngày càng nhiều, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa, hầu hết các gia đình đều sắm tiện nghi sinh hoạt đắt tiền. Không chỉ tăng thu nhập cho người dân, nghề làm bánh đa gạo đã tạo việc làm cho gần 1.000 người trong thôn xóm và hơn 100 lao động của các địa phương khác. Việc phát triển kinh tế từ nghề truyền thống đã cho kết quả đáng mừng, số hộ nghèo ngày càng giảm; cơ cấu lao động chuyển dịch dần từ nông nghiệp sang công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Chia tay làng Dụ Đại khi nắng đã lên cao, nhìn những ngôi nhà tầng san sát nhau, đường làng rộng thoáng, sạch sẽ chúng tôi vui lây trước sự đổi thay ở vùng quê nghèo đang từng ngày phồn thịnh. Càng vui hơn khi cái nghề tưởng chừng như chỉ là nghề phụ ấy đã cứu cánh cho cuộc sống của người dân nơi đây.

Bài, ảnh: Minh Nguyệt

  • Từ khóa

Pham lập - 4 năm trước

Tôi muốn liên hệ cơ sở chế biến bánh đa Gạo Hoàng Phó Hệ để phân phối sản phẩm vào Sài Gòn. Mong quý báo cho xin số điện thoại liên hệ của cơ sở

Quỳnh - 4 năm trước

Mình muốn mua buôn của các sở sản xuất đã đề cập trong bài. Báo làm ơn gửi giúp mình contact được ko?

Tải thêm

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày