Những người thầy “không giáo án”
Truyền nghề cho thế hệ trẻ ở làng nghề chạm bạc Đồng Xâm, xã Hồng Thái (Kiến Xương).
“Thầy giáo làng”
Về làng Lộng Khê, xã An Khê (Quỳnh Phụ), chúng tôi được trực tiếp tham gia một buổi dạy múa Bát Dật do nghệ nhân trong làng truyền dạy cho lớp trẻ. Không bó buộc trong những khoảng thời gian cố định, không nặng về lý thuyết, các thế hệ cùng nhau luyện tập, người đi trước hướng dẫn cho người đi sau. Bà Nguyễn Thị Nhân (53 tuổi) vừa chỉnh động tác múa cho em Nguyễn Thị Duyên (16 tuổi) vừa chia sẻ: Chúng tôi luôn uốn nắn, chỉ bảo các cháu cụ thể như vậy để các cháu dễ hiểu, dễ nhớ. Học điệu múa này mà chỉ nói miệng thì không thể làm được. Cũng giống như các cháu, trước kia chúng tôi cũng được các cụ trong làng truyền dạy, nay tôi đem chính những điều mình học được để chỉ bảo cho con cháu.
Về phường múa rối làng Ðống, xã Ðông Các (Ðông Hưng), chúng tôi gặp nghệ nhân Phạm Ðình Viêm đang hướng dẫn người học trò Nguyễn Văn Thám điều khiển con rối. Ông cho biết: Tôi dạy anh Thám từ cách tạo tác con rối cho đến cách sử dụng rối biểu diễn, cùng làm, cùng học sau nhiều tháng, quá trình này phải “cầm tay chỉ việc” chứ không chỉ nói suông được. Ðiểm chung ở những nghệ nhân dân gian, họ đều không phải là những người được đào tạo với các kỹ năng sư phạm mà là những con người bước ra từ đời sống làng quê, đem chính những vốn hiểu biết, vốn kinh nghiệm của mình kế thừa từ thế hệ đi trước truyền lại cho thế hệ sau.
Bà Nguyễn Thị Nhân hướng dẫn học trò múa Bát Dật
Tận tụy truyền nghề
Việc truyền nghề dân gian phụ thuộc rất nhiều vào đặc thù từng ngành. Có những nghề chỉ học trong khoảng thời gian ngắn vài ba tháng, nhưng cũng có những nghề phải “tầm sư học đạo” trong nhiều năm. Nghệ nhân nhân dân Phạm Văn Nhiêu, làng nghề chạm bạc Ðồng Xâm, xã Hồng Thái (Kiến Xương) cho biết: Nghề chạm bạc nếu thành nghề phải mất từ 2 - 3 năm, cũng là từng ấy thời gian thầy trò phải cùng nhau đồng hành. Nếu thầy không tâm huyết, trò không đủ kiên trì thì không thể thành công được. Anh Nguyễn Văn Thám tâm sự: Bác Viêm từ người thầy giờ đây đã trở thành đồng nghiệp của tôi. Bác không chỉ truyền cho tôi những kỹ thuật của nghề, bác còn truyền cho tôi cảm hứng để thêm yêu và gắn bó với nghệ thuật dân tộc. Mặc dù đến nay tôi đã được coi là thành nghề nhưng bác vẫn luôn theo sát, chỉ bảo tận tình giúp tôi ngày một hoàn thiện hơn, có điều gì khúc mắc, tôi hỏi, bác vẫn sẵn sàng trợ giúp. Ðối với tôi bác vẫn luôn là người thầy suốt đời.Em Nguyễn Thị Duyên kể về những “cô giáo” của mình: Ðến gần ngày hội làng là các bác trong tổ múa Bát Dật lại tổ chức lớp dạy múa. Ban ngày ai cũng bận việc đồng áng nên các bác chỉ tranh thủ được thời gian buổi tối hướng dẫn chúng em luyện tập. Ngày nào cũng vậy, các bác đều đến đón chúng em đi rồi lại đưa chúng em về. Trong những ngày ấy, thời gian nghỉ ngơi của các bác gần như không có, nhưng chẳng ai than phiền mệt mỏi, các bác vẫn tận tình chỉ bảo, uốn nắn cho chúng em.
Không ngại vất vả, chỉ lo thất truyền
Ông Tạ Xuân Ðộ, nghệ nhân làng nón xã Thụy Trình (Thái Thụy) nhớ lại: Trước kia, nghề nón còn tạo ra thu nhập, người đến học ở nhà tôi đông lắm, có người ở Thụy Phong, Thụy Sơn cũng xuống đây theo học, chúng tôi còn nuôi cơm họ cho đến khi thành nghề. Nhưng khoảng chục năm trở lại đây thì không còn được như thế nữa, người trong làng đa phần đều chuyển nghề, không còn người nơi khác đến học, giờ chúng tôi chỉ có dạy con, dạy cháu trong nhà giữ lấy nghề của cha ông để lại.
Dệt chiếu cói truyền thống ở Tân Lễ (Hưng Hà).
Về làng chiếu Hới, xã Tân Lễ (Hưng Hà) ngày nay đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh những chiếc máy làm chiếu công nghiệp chạy hết công suất, tiếng kẽo kẹt của khung dệt chiếu ngày một thưa dần. Hộ ông Ðoàn Trọng Cách ở thôn Hải Triều là một trong số ít hộ còn sản xuất chiếu thủ công. Ông cho biết: Trước đây cả làng ai cũng dệt chiếu tay, giờ thì chỉ còn vài ba nhà làm thôi. Tôi cũng từng dạy cho nhiều người, giờ có máy móc rồi, muốn dạy cũng không ai hứng thú theo học. Thế hệ chúng tôi mà ra đi chắc những kỹ thuật chao mơ, làm chiếu đậu có lẽ cũng không còn nữa.
Nghệ nhân nhân dân Phạm Văn Nhiêu cũng chia sẻ: Làng chạm bạc Ðồng Xâm vốn nổi tiếng với nghề chạm trổ, điêu khắc trên vàng, bạc, đồng nhưng ngày nay số lượng người trẻ theo nghiệp này hiếm quá. Thế hệ trẻ ở địa phương hiện nay không mặn mà với công việc này nữa vì ngày công lao động thấp, chỉ từ 120.000 - 150.000 đồng/ngày. Phần lớn các cháu chỉ học các lớp ngắn hạn để làm kim hoàn rồi tản đi các nơi làm ăn, trong làng chỉ có những người già gắn bó với công việc này. Chúng tôi không ngại truyền nghề cho các cháu, chỉ lo sau này người theo học ngày một ít đi, rồi những kỹ thuật cao của nghề không còn ai lưu giữ.
Không chờ những đóa hoa tươi thắm ngày 20/11, không đợi tiếng gọi người thầy, song họ vẫn có những lứa học trò trưởng thành từ những lời dạy mang đậm hồn quê ấy. Những người thầy “không giáo án” vẫn âm thầm lưu giữ, truyền dạy những tri thức dân gian, gửi gắm vào thế hệ hậu sinh. Mong muốn lớn nhất của họ là nhìn thấy những giá trị tốt đẹp mà cha ông đã dày công gây dựng còn tiếp tục được phát huy, nền văn hóa Việt Nam mãi mãi trường tồn, phát triển. Những người thầy truyền nghề cũng như những người thầy đứng trên bục giảng, họ là những con người đang ngày ngày làm đẹp cho xã hội, làm đẹp cho cuộc đời, họ xứng đáng được trân trọng và tôn vinh.
Thảo Tiên
Tin cùng chuyên mục
- Sắc xuân trên làng hoa, cây cảnh ở Đông Hưng 17.01.2025 | 08:56 AM
- Làng hoa cây cảnh Quỳnh Hồng tất bật vào tết 30.12.2024 | 16:03 PM
- Vườn đào Minh Tân vào mùa tuốt lá 09.12.2024 | 08:43 AM
- Phát triển sản phẩm OCOP từ tinh hoa làng nghề 20.10.2024 | 07:57 AM
- Hướng người dân làng nghề thực hiện sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng 30.06.2024 | 10:39 AM
- Hơn 40 năm cần mẫn nghề làm nước mắm truyền thống 31.05.2024 | 10:04 AM
- Làng hoa Vũ Chính hối hả vào vụ hoa tết 07.01.2024 | 13:47 PM
- Bảo tồn, phục hồi và phát triển làng nghề, nghề truyền thống gắn với du lịch 14.11.2023 | 16:21 PM
- Kiến Xương: Năng suất lúa vụ xuân năm 2023 ước đạt trên 71 tạ/ha 31.05.2023 | 17:07 PM
- Giữ nghề mây tre đan Phúc Thành 29.05.2023 | 15:35 PM
Xem tin theo ngày
-
Đoàn đại biểu tỉnh Thái Bình viếng đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến về một số báo cáo, tờ trình
- Khởi công dự án khu phức hợp đô thị, du lịch sinh thái, sân golf Khoái Châu
- UBND tỉnh nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng
- Thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025
- Đưa tỉnh Thái Bình trở thành trung tâm kết nối của vùng, khu vực và quốc tế
- 110 tập thể, cá nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét khen thưởng cấp nhà nước năm 2024
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh: Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Kế tục xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm quán triệt tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị