Thứ 7, 23/11/2024, 07:48[GMT+7]

Tín hiệu vui từ xây dựng nông thôn mới

Thứ 7, 12/01/2019 | 10:04:27
1,141 lượt xem
Trong năm qua, nhiều huyện của Hà Nội đã tập trung hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới (NTM), nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt. Ðáng chú ý, các địa phương chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất, giúp sản xuất nông nghiệp ngày càng thuận lợi, hiệu quả hơn.

Ðường giao thông nông thôn tại xã Tân Minh (huyện Thường Tín) được xây dựng khang trang. Ảnh: NGỌC LÂM.

Những ngày này, cùng với niềm vui sản xuất nông nghiệp được mùa, được giá, người dân xã Vân Tảo, huyện Thường Tín rất vui mừng khi 19 tiêu chí xây dựng NTM đã hoàn thành. Bà Nguyễn Thị Vui, người dân thôn Nỏ Bạn, xã Vân Tảo cho biết, sau sáu năm xây dựng NTM, nhiều công trình phúc lợi xã hội phục vụ người dân ở địa phương được đầu tư xây dựng khang trang. Hệ thống đường giao thông được cải tạo, đi lại thuận lợi. Bên cạnh việc quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, xã tập trung phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân thông qua việc phát huy thế mạnh của làng nghề trồng hoa, cây cảnh. Xã đã xây dựng mô hình liên kết tiêu thụ đào, hoa, cây cảnh, bảo đảm phát triển bền vững cho các hộ dân; vận động người dân cải tạo diện tích vườn tạp chuyển sang trồng hoa, cây cảnh và phát triển trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung xa khu dân cư. Nhờ đó, thu nhập của người dân được nâng cao, đạt hơn 41 triệu đồng/người/năm. Cùng với Vân Tảo, bốn xã khác của Thường Tín gồm Hiền Giang, Nguyễn Trãi, Dũng Tiến và Văn Tự cũng về đích NTM trong đợt này, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM của huyện Thường Tín lên 24 trên tổng số 29 xã.

Theo số liệu của UBND huyện Thường Tín, từ năm 2016 đến nay, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân, chương trình xây dựng NTM đạt nhiều kết quả tích cực. Tổng nguồn vốn xây dựng NTM đạt gần 1.030 tỷ đồng. Người dân tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất để làm đường trục nội đồng, mở rộng đường giao thông thôn, xóm và xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. Diện mạo nông thôn thay đổi mạnh mẽ, hệ thống hạ tầng phát triển nhanh, nhiều công trình được đầu tư xây dựng, tạo cơ sở, tiền đề quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ðến nay, có 27 xã đạt chuẩn về tiêu chí giảm số hộ nghèo, 100% xã đạt tiêu chí lao động có việc làm, 20 xã đạt tiêu chí văn hóa, có 26 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 41 triệu đồng/năm. Huyện Thường Tín phấn đấu đến hết năm 2019, tất cả các xã về đích NTM, đến năm 2020 trở thành huyện NTM.

Còn tại xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên, sau tám năm thực hiện xây dựng NTM, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể, an ninh chính trị, trật tự nông thôn ổn định. Cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ. Xã đã hoàn thành dồn điền đổi thửa, kết hợp quy hoạch ruộng đất, cải tạo, đào đắp thủy lợi, cứng hóa kênh mương nội đồng, đường giao thông nông thôn. Cả chín thôn có nhà văn hóa khang trang. Trạm y tế được nâng cấp đạt tiêu chí quốc gia về y tế theo chuẩn mới. Năm 2018, thu nhập bình quân của xã đạt 42 triệu đồng/người/năm. Số hộ nghèo và hộ cận nghèo giảm, số hộ giàu và khá tăng cao. Theo Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Ngọc Sơn, năm qua huyện có bốn xã gồm Hồng Minh, Bạch Hạ, Tân Dân và Quang Lãng hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM. Ðiểm mới trong thời gian qua là huyện tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất của người dân. Tại xã Bạch Hạ, chính quyền vận động các hộ sản xuất, các trang trại liên danh liên kết, chuyển đổi ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung, hình thành cánh đồng lớn. Xã có chính sách hỗ trợ người dân mua máy cấy, máy làm đất, máy gặt, đưa tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất tăng cao. Sản xuất của người dân thuận lợi, thu nhập ngày càng tăng.

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình số 02 Thành ủy Hà Nội, trong năm 2018 có bốn huyện đăng ký đạt chuẩn NTM, trong đó, huyện Gia Lâm đã làm hồ sơ trình thành phố thẩm tra. Toàn thành phố có 297 xã (chiếm 76,94%) đạt chuẩn NTM. Trong số 89 xã còn lại, có 72 xã đạt và cơ bản đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, còn 17 xã đạt và cơ bản đạt từ 11 đến 14 tiêu chí. Ðáng chú ý, ngay từ đầu năm các địa phương đã tập trung cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống đường làng, ngõ xóm và hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Toàn thành phố có 369 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí về giao thông, 377 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí thủy lợi, giúp cho việc sản xuất của người dân ngày càng thuận lợi hơn. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt hơn 43 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn từ 3,65% (năm 2016) giảm còn dưới 2%, một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo thấp như Quốc Oai 0,48%, Gia Lâm 1,0%, Phúc Thọ 1,3%, Ðan Phượng 1,5%.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Hoàng Thị Huyền cho biết, qua thẩm định, chấm điểm của Tổ Công tác, đến cuối năm 2018 thành phố có thêm 29 xã đạt chuẩn NTM. Trong thời gian tới, các địa phương cần hoàn thiện hồ sơ, trình thành phố xem xét, quyết định công nhận đạt chuẩn NTM. Bên cạnh đó, các xã cần hoàn thiện các công trình còn dở dang để sớm đưa vào hoạt động, phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Ðối với bốn huyện Gia Lâm, Phúc Thọ, Quốc Oai và Thạch Thất, Chi cục phối hợp thực hiện các tiêu chí huyện NTM và hoàn thiện hồ sơ trình công nhận huyện NTM.

Theo: nhandan.com.vn