Thứ 2, 20/05/2024, 10:38[GMT+7]

Khởi nghiệp bằng nông sản sạch

Thứ 5, 07/03/2019 | 09:39:15
913 lượt xem
Không giống như phần lớn những người trẻ tuổi khác rời quê hương để tìm kiếm việc làm tại Thủ đô Hà Nội, một số thanh niên ở quê nhãn Hưng Yên đã tự tìm tòi, phát triển và bước đầu gặt hái thành công với mô hình sản xuất nông sản sạch.

Ðoàn Văn Lên giới thiệu về mô hình trồng nấm sạch của mình.

Dẫn chúng tôi tham quan khu lán trại trồng nấm sạch ngay trên thửa đất của gia đình, anh Ðoàn Văn Lên (thôn Hải Yến, xã Hải Triều, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) cho biết, hiện cơ sở sản xuất của anh có bốn lán sản xuất, mỗi lán trồng khoảng 2.500 bịch nấm sò. Mỗi ngày, anh Lên thu hoạch trung bình từ 30 đến 50 kg nấm, có ngày thu hoạch tới 70 kg. Chỉ vào những cây nấm nhỏ xíu mới nhú, anh Lên tự tin khẳng định: Chỉ cần qua một đêm là có thể mọc đủ lớn và thu hoạch được. Nấm sò thành phẩm ngay sau khi thu hoạch, có thể hoàn toàn yên tâm chế biến và sử dụng tại chỗ.

Ðể chất lượng nấm đạt tiêu chuẩn, các khâu sản xuất phải được tiến hành theo quy trình khép kín và “sạch từ đầu vào cho tới đầu ra”. Theo anh Lên, mỗi bịch nấm sò được làm từ bông, mùn cưa và cám gạo nghiền; nước sử dụng để tưới nấm là nước tinh khiết, có thể uống được. Tất cả các nguyên liệu đều được chọn lọc, vệ sinh kỹ càng, gạo cũng phải bảo đảm không sử dụng thuốc trừ sâu, chất bảo quản hay bị tác động bằng hóa học. Ngoài ra, người trồng nấm phải thường xuyên trông coi để lán trại tuyệt đối không có côn trùng, đồng thời không bị ảnh hưởng bởi tác động từ các yếu tố thời tiết, nhiệt độ... “Mỗi bịch nấm có thể “sống” được khoảng 50 ngày, cho sản lượng lên tới hơn 1 kg nấm nếu được chăm sóc tốt. Tuy nhiên, chỉ cần để một con ruồi lọt vào khu nuôi trồng là phải khắc phục rất tốn kém, thậm chí làm hết lại từ đầu”, “ông chủ 9x” chia sẻ.

Ít ai biết rằng, mô hình trồng nấm sạch đang mang lại những thành công bước đầu ấy đã được anh Lên vun đắp từ hai bàn tay trắng. Cách đây 5 năm, khi còn là sinh viên năm thứ tư Trường đại học Lâm nghiệp, anh đã nuôi ước mơ làm giàu tại quê hương bằng nông sản sạch. Bởi theo anh, nông sản sạch chính là chìa khóa giải quyết những vấn đề liên quan đến những căn bệnh không lây nhiễm, nhưng lại rất hiểm nghèo mà người dân Việt Nam hiện đang phải đối mặt. Nhận thấy kiến thức trên giảng đường chỉ có thể giúp mình ở “bề nổi”, anh đã tự nghiên cứu và “cắp sách” đi khắp nơi để học nghề từ những người thành công trong lĩnh vực này. Ra trường, anh rủ bạn bè, anh em, bà con hàng xóm cùng góp vốn thực hiện giấc mơ ấy thì bị coi là “viển vông”, là “khùng”. Có người ác ý còn nói rằng: anh chắc lại không học hành tử tế, mang cả... đa cấp về làng(!?).

Trong lúc đang loay hoay với bài toán khởi nghiệp, thì Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh địa phương đã giới thiệu, làm hồ sơ để Ðoàn Văn Lên được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Vay thêm bố mẹ, anh có trong tay khoảng 150 triệu đồng. Anh kể rằng, lúc đó rất “run” vì lần đầu tiên trong đời sử dụng một khoản tiền lớn đến thế, trong khi đầu ra sản phẩm cũng chưa hề được bất cứ cá nhân hay công ty nào nhận thầu. Làm nông chưa bao giờ là nghề nhẹ nhàng. Mỗi ngày, anh Lên chỉ ngủ khoảng 4-5 giờ đồng hồ, còn đâu dành hết vào việc chăm sóc khu nuôi trồng nấm. “Trời không phụ lòng người”, sau gần hai năm miệt mài với ước mơ về cây nấm sạch “made in Hưng Yên”, mô hình của anh bắt đầu cho lãi ròng.

Đến nay, mỗi tháng, mô hình khởi nghiệp bằng nông sản sạch của anh Lên cho doanh thu khoảng 20 triệu đồng, trong đó lợi nhuận khoảng 6-7 triệu đồng, đồng thời tạo việc làm cho 4-5 lao động địa phương. Cùng với đó, cơ sở của anh còn cung ứng phôi, giống nấm sạch cho một số cơ sở sản xuất ở Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Hà Giang, Hà Tĩnh... 

Theo nhandan.com.vn