Thứ 7, 18/05/2024, 03:43[GMT+7]

Gắn kết ý Đảng với lòng dân ở Lâm Đồng

Thứ 2, 28/09/2020 | 14:50:32
599 lượt xem
Từ những chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai hàng loạt chương trình đầu tư phát triển sản xuất đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa vươn lên phát triển ngoạn mục

Trung tâm xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng ngày nay

Từ nhiều nguồn vốn khác nhau, UBND tỉnh Lâm Đồng trong mấy năm qua đã khai hoang trên 10.000 ha đất cho hàng ngàn gia đình lập vườn, cùng với giao khoán 297.400 ha rừng cho 11.810 hộ đồng bào dân tộc thiểu số quản lý, bảo vệ.

Nâng cao năng lực cán bộ cơ sở

Đến cuối năm 2019, tỉnh Lâm Đồng còn 6.325 hộ nghèo, chiếm 1,85% (trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 4.109 hộ); hộ cận nghèo còn 12.587 hộ, chiếm 3,69% (trong đó, hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 7.070 hộ). Như vậy, tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm đáng kể, vượt kế hoạch chỉ tiêu do UBND tỉnh Lâm Đồng đề ra.

Có được những kết quả này là nhờ nỗ lực từ các cấp ủy, chính quyền gắn kết với sự đồng lòng của người dân. UBND tỉnh Lâm Đồng có những chính sách ưu đãi phù hợp nhằm thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số và thực hiện tốt phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau".

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng, nhìn nhận các chính sách, chương trình hỗ trợ giảm nghèo bền vững đã tạo điều kiện cho người dân là đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; nâng cao trình độ năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng; hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập để giảm nghèo bền vững...

Theo ông Võ Văn Hoàng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, các cấp ủy ở cơ sở đã thực hiện hiệu quả những nghị quyết, chương trình của Tỉnh ủy trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên; khai thác hiệu quả lợi thế, giá trị bản sắc để phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, xây dựng bản sắc văn hóa của người dân Lâm Đồng "thủy chung - cần cù - sáng tạo"...

Xã nghèo đã thoát nghèo

Đồng Nai Thượng là một điển hình của Lâm Đồng trong việc thoát nghèo. Xã này nằm vắt vẻo trên núi cao, cách trung tâm huyện Cát Tiên gần 30 km, có 5 thôn, buôn với 403 hộ và 1.820 nhân khẩu, trong đó 99% là người đồng bào dân tộc thiểu số Châu Mạ, S’Tiêng.

Cách đây khoảng 5 năm, xã này vẫn xin cứu đói mùa giáp hạt nhưng nay đã phát triển một cách ngoạn mục. Từ thị trấn Cát Tiên (huyện Cát Tiên) men theo dòng sông Ðồng Nai, hơn 30 km đường nhựa rộng rãi xuyên qua những cánh rừng cổ thụ, lồ ô, tre nứa để đến với các buôn làng Bù Run, Bù Gia Rá, Bi Nao... Điện - đường - trường - trạm đầy đủ.

Trong căn nhà khang trang vừa xây dựng tại thôn Bù Gia Rá, già làng Điểu K’Lộc cho biết những đổi thay ở Đồng Nai Thượng hôm nay là nhờ sự quan tâm của Đảng, nhà nước trong đầu tư; người dân thì đồng lòng hiến đất.

"Nhà nước có tiền, bà con nông dân có công, đoàn kết một lòng sẽ là sức mạnh. Người dân không muốn mình nghèo khổ mãi. Có đường, có điện, con em được học hành, người dân chịu khó làm ăn, phát triển kinh tế thì sẽ có nhà cửa khang trang, có xe máy, phấn khởi lắm" - già làng Điểu K’Lộc tự hào.

Đồng bào DTTS xã Đồng Nai Thượng hăng say lao động sản xuất

Bà Điểu Thị B’Rợt, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Thượng, nói chuyện đói ăn, thiếu mặc, du canh du cư nay không còn. Bà con đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nương rẫy năm xưa giờ là những vườn điều cao sản, cà phê ghép năng suất cao, rừng cao su hoặc đồng cỏ chăn nuôi bò, đem lại thu nhập cao và ổn định cho người dân. Không chỉ thế, những hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan cũng dần dần biến mất. Khi ốm đau, bà con không như ngày xưa mời thầy về cúng nữa mà đi trạm xá, uống thuốc; phụ nữ sinh đẻ đều đến trạm xá chứ không ở nhà.

Nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Cát Tiên nên công tác quản lý, bảo vệ rừng, tài nguyên, môi trường được Đảng bộ xã Đồng Nai Thượng quan tâm, thể hiện qua việc ban hành những nghị quyết, chuyên đề lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ rừng. Từ đó, xã phối hợp với Vườn Quốc gia Cát Tiên giao khoán bảo vệ rừng cho 332 hộ, tổng diện tích 4.392 ha với 5 cộng đồng (5 thôn).

Ông Điểu K’Giắc, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Nai Thượng, chia sẻ: "Nếu năm 2010, cả xã có hơn 50% hộ nghèo thì hiện chỉ còn 16 hộ (chiếm 3,8%), thu nhập bình quân đầu người đạt 38-40 triệu đồng/năm. Đồng Nai Thượng vinh dự nhận danh hiệu Xã nông thôn mới vào đầu năm 2020".

Ông Nguyễn Khắc Bình, Bí thư Huyện ủy Cát Tiên, đánh giá: "2015-2020 là một nhiệm kỳ mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đồng Nai Thượng chung sức, đồng lòng nỗ lực, cố gắng để vượt qua khó khăn, đẩy lùi nghèo đói, xây dựng địa phương phát triển mọi mặt. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Đó chính là nhờ sự đoàn kết đồng lòng giữa ý Đảng và lòng dân".

Theo nld.com.vn