Chủ nhật, 22/12/2024, 14:02[GMT+7]

222 xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới

Thứ 2, 09/11/2020 | 21:01:52
1,668 lượt xem
Theo Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đến nay đã có 222 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Kết quả này có phần đóng góp không nhỏ của Đề án “Hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã ĐBKK khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018 - 2020” (gọi tắt là Đề án 1385).

Xây dựng nông thôn mới gắn với mô hình du lịch cộng đồng

Hỗ trợ trực tiếp tới thôn, bản, ấp

Kết quả xây dựng nông thôn mới (NTM) thời gian qua cho thấy, hiện vẫn còn sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng miền, địa phương. Trong khi một số địa phương đã cơ bản hoàn thành xây dựng NTM (TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, Nam Định, Hà Nam,…) để chuyển sang giai đoạn xây dựng NTM kiểu mẫu thì một số địa phương khác có số xã đạt chuẩn rất thấp, nhất là các địa phương miền núi, như Điện Biên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Sơn La… Đây là những địa bàn có xuất phát điểm thấp, điều kiện khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo cao. Thu nhập bình quân của người dân ở những địa bàn này rất thấp, nhiều xã chỉ đạt bình quân 7 - 8 triệu đồng/người/năm, bằng 1/4 bình quân chung cả nước. Chính vì vậy, Đề án 1385 lại chọn đơn vị hành chính là thôn, bản, ấp làm đối tượng hỗ trợ thay vì lựa chọn đơn vị hành chính cấp xã. Một điểm chung ở các địa bàn này là những tiêu chí chưa đạt hầu hết đều là những tiêu chí quan trọng phản ánh thực trạng cơ sở hạ tầng thiết yếu, chất lượng sống của người dân nông thôn thấp.

Để đầu tư cho các xã này hoàn thành các tiêu chí thì nguồn vốn ngân sách hỗ trợ vô cùng lớn, rất khó đáp ứng được. Do đó, việc ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư các công trình thiết yếu cấp thôn, bản (đường trong thôn, liên gia, nội đồng, thủy lợi nhỏ, đường dẫn nước,…) để trực tiếp phục vụ nhu cầu sản xuất và cải thiện điều kiện sống của người dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Thôn, bản, ấp được đầu tư, từng bước hoàn thiện các tiêu chí NTM sẽ tạo đột phá để cấp xã hoàn thành. Hơn nữa, các công trình thiết yếu cấp thôn, bản, ấp không đòi hỏi vốn đầu tư lớn, phù hợp với khả năng bố trí ngân sách trong giai đoạn 2016 - 2020.

Phạm vi của Đề án là hỗ trợ cho khoảng 3.513 thôn, bản, ấp của 363 xã khó khăn thuộc 36 tỉnh với các nội dung hỗ trợ trực tiếp. Đó là: Hỗ trợ mô hình phát triển sản xuất tập trung liên kết gắn với vùng nguyên liệu phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương và tổ chức nhân rộng những mô hình này trên cơ sở phát triển các sản phẩm đặc trưng, là lợi thế của địa phương theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm; phát triển mô hình làng du lịch văn hóa hóa cộng đồng.

Hỗ trợ xây dựng công trình thiết yếu nhằm nâng cao đời sống sinh hoạt của người dân ở các thôn, bản, bao gồm nước sinh hoạt, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Ngoài ra còn một số nội dung lồng ghép: Tập huấn các kỹ năng phát triển cộng đồng cho Ban phát triển thôn, người có uy tín trong cộng đồng; đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với mô hình, yêu cầu cụ thể và phù hợp với nhu cầu của thị trường; phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thôn…

Phấn đấu có mô hình mỗi làng một sản phẩm

Trong số các mục tiêu đó, mục tiêu các thôn, bản, ấp phấn đấu có mô hình mỗi làng một sản phẩm được xác định là mục tiêu nội hàm gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Trên thực tế, ở những địa bàn miền núi, có đông đồng bào DTTS sinh sống, có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú để phát triển kinh tế - xã hội. Đó là nguồn tài nguyên văn hóa truyền thống đa sắc màu, là tài nguyên thiên nhiên phù hợp để phát triển du lịch, dịch vụ, là những sản phẩm bản địa vô cùng phong phú,…

Nhưng đồng bào các DTTS chưa khai thác được “nguồn tài nguyên” này; hay đúng hơn là chưa tự lực, tự tin và sáng tạo để khai thác tài nguyên phong phú này làm giàu cho mình, cho địa phương. Hơn nữa, lâu nay các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi vẫn chủ yếu theo tư duy “dự án”, thậm chí áp đặt từ trên xuống, tức là tác động từ bên ngoài vào chứ chưa khai thác được tiềm năng, nội lực tại chỗ. Định hướng quan trọng của Chương trình OCOP là phát huy tiềm năng của chính những địa bàn khó khăn, khơi dậy sự tự tin, tự lực và sáng tạo của cộng đồng các DTTS sinh sống ở địa bàn đó để phát triển kinh tế - xã hội. Đề án 1385 sẽ chú trọng hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện cho người dân ở các thôn, bản, ấp có điều kiện để khai thác tiềm năng địa phương, phát triển sản xuất.

Cốt lõi của Chương trình OCOP là người dân/cộng đồng là chủ thể được tập hợp dưới các mô hình tổ chức kinh tế là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã. Để có một sản phẩm OCOP được công nhận, người dân/cộng đồng sẽ phải liên tục được tập huấn nâng cao kiến thức để sản phẩm của mình ngày càng gia tăng giá trị. Vì vậy, Đề án tập trung hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, tạo sinh kế nâng cao thu nhập cho người dân: Hỗ trợ xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ưu tiên hỗ trợ các hộ có điều kiện, có năng lực phát triển sản xuất: Lãi suất vay vốn, mua vật tư, hỗ trợ thăm quan, tập huấn, đào tạo nghề... để phát triển sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của địa phương, làm cơ sở nhân rộng. Thúc đẩy phát triển các mô hình làng du lịch văn hóa cộng đồng gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và lợi thế của vùng, miền. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ bảo quản sau thu hoạch và các hoạt động xúc tiến thương mại theo quy định của Chương trình OCOP. 

Theo congthuong.vn