Thứ 6, 29/03/2024, 04:33[GMT+7]

Quảng Ninh: Thực hiện tiêu chí thủy lợi nông thôn mới

Thứ 6, 13/11/2020 | 10:39:07
562 lượt xem
Nhận thức về vai trò của tiêu chí thủy lợi phục vụ sản xuất, sinh hoạt đã được nâng lên và nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân khu vực nông thôn của tỉnh. Các địa phương không chỉ huy động tốt nguồn lực đầu tư, mà còn có sự tham gia của các đoàn thể và người dân vào các khâu quản lý, khai thác, bảo vệ để công trình phát huy hiệu quả đầu tư.

Cán bộ xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà) giám sát chất lượng mương dẫn nước tưới tiêu sau thi công.

Thủy lợi là một trong những tiêu chí thuộc nhóm “Hạ tầng kinh tế - xã hội” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2020, được ban hành kèm theo Quyết định số 4335/QĐ-UBND ngày 23/12/2016 của UBND tỉnh. Nội dung của tiêu chí này là tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động phải đạt từ 90% trở lên, riêng đối với các xã khu vực II, III (có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc còn khó khăn nhưng đã tạm thời ổn định) thì tỷ lệ đạt từ 80% trở lên. Các công trình thủy lợi cũng phải đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng, chống thiên tai.

Theo đó có thể nói, tiêu chí thủy lợi sẽ góp phần phục vụ được nền nông nghiệp phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng sản xuất, là đòn bẩy trong thực hiện các tiêu chí khác về nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn. Làm tốt tiêu chí này cũng chính là đảm bảo mục tiêu của chương trình xây dựng NTM: Bền vững, đích đến cuối cùng là phải nâng cao cuộc sống cho bà con nông dân.

Đoàn Thanh niên TP Cẩm Phả ra quân hỗ trợ thôn Tân Tiến, xã Dương Huy nạo vét mương dẫn nước nội đồng, đảm bảo sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Bảo Long (Trung tâm TT-VH Cẩm Phả) 

Tại TP Cẩm Phả, diện tích đất sản xuất nông nghiệp nằm chủ yếu tại địa bàn 3 xã gồm Dương Huy, Cẩm Hải và Cộng Hòa. Để đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, phục vụ trồng trọt, chăn nuôi của người dân, những năm gần đây, thành phố đã chủ động triển khai các giải pháp về phân bổ nguồn lực để kiên cố hóa, đầu tư xây dựng các công trình hồ chứa, kênh mương thủy lợi... tại các vùng nông thôn. 

Cụ thể từ năm 2017 đến nay, thành phố đã dành tổng số kinh phí gần 46 tỷ đồng cho việc nâng cấp 3,5km kênh mương dẫn nước, cải tạo, nâng cấp 4 hồ chứa nước, gồm: Cao Vân, Tân Tiến, Lựng Do, Đầm Đá. Đồng thời đang tiếp tục nghiên cứu phương án cải tạo, nâng cấp các hồ Khe Giữa, Rừng Miếu, Ao Cói... Nhờ đó, 90% diện tích khu vực sản xuất nông nghiệp của thành phố đã được đảm bảo nguồn nước tưới tiêu được cung cấp đầy đủ, thường xuyên quanh năm.

Tại huyện vùng cao Bình Liêu, đặc thù địa hình núi đồi cũng gây ít nhiều khó khăn cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống kênh mương tưới tiêu phục vụ nông nghiệp. Thậm chí khi đã được quan tâm đầu tư, ghi nhận thực tế cho thấy nhiều tuyến kênh, mương đều có chiều dài tương đối lớn, đi qua nhiều loại địa hình... khiến cho mức đầu tư xây dựng công trình thủy lợi thường cao. Chi cho công tác sửa chữa, cải tạo sau mưa bão, thiên tai cũng không ít, có lúc có nơi vẫn chưa kịp đáp ứng đầy đủ nhu cầu cấp nước phục vụ sản xuất của nhân dân.

Giải pháp của huyện những năm qua là tận dụng các nguồn kinh phí để khắc phục, sửa chữa, đầu tư xây dựng các tuyến kênh, mương dẫn nước, hồ chứa... Từ đó nhằm nâng cao tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương và năng lực tưới chủ động diện tích sản xuất nông nghiệp. Cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cũng thường xuyên tiến hành kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hiện trạng các công trình thủy lợi, nhằm phát hiện kịp thời, tổ chức xử lý các sự cố, đảm bảo việc tưới tiêu ổn định trên địa bàn. Đồng thời tuyên truyền sâu rộng tới người dân về việc tham gia quản lý, bảo vệ các công trình; thậm chí đưa vào quy ước, hương ước chung hoặc thành lập tổ tự quản.

Đập Nà Ngờ - Xóm Đình (xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ) được hoàn thành năm 2018. 

Thống kê của Ban xây dựng NTM tỉnh về thực hiện tiêu chí thủy lợi, đến hết 2019, đã có 110/111 xã hoàn thành, đạt 91,1%; tức là tăng 76,7% so với năm 2011 và tăng 19,8% so với năm 2015. Để sớm hoàn thành toàn bộ mục tiêu đề ra và để duy trì bền vững kết quả đạt được, giải pháp của các địa phương là tiếp tục chú trọng đầu tư, sửa chữa nâng cấp công trình thủy lợi nhỏ, kiên cố hóa kênh mương. Đồng thời nghiên cứu, áp dụng các công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp. 

Theo baoquangninh.com.vn