Chủ nhật, 22/12/2024, 14:31[GMT+7]

Đắk Lắk: Diện mạo mới ở thôn văn hóa Cư Tê

Thứ 2, 16/11/2020 | 10:08:04
1,029 lượt xem
Được tách ra từ thôn Ea Lang, thôn Cư Tê, xã Cư Pui (huyện Krông Bông- Đắk Lắk) hiện có 213 hộ, với đa số là người dân tộc Mông. Khi mới vào định cư, cuộc sống của các hộ dân đều rất khó khăn, thiếu thốn. Thế nhưng, nhờ cần cù, chịu khó, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, phát triển chăn nuôi, chăm lo đời sống văn hóa ở khu dân cư, Cư Tê giờ đây đã có một diện mạo mới.

Vườn cây dó trầm 3 năm tuổi trồng xen cà phê của gia đình ông Thanh ở thôn Cư Tê.

Điều đáng mừng là hiện nay đa số các hộ dân trong thôn Cư Tê đều đã có đất ở, đất sản xuất. Diện tích đất canh tác 570 ha được phủ kín với đa dạng các loại cây trồng.

Ngoài hơn 30 ha lúa nước, 251 ha sắn, 77 ha cà phê, 40 ha điều… gần đây hàng chục hộ dân trong thôn còn mạnh dạn chuyển đổi các loại cây trồng không hiệu quả sang trồng cây ăn quả, dứa đồi, tận dụng đất dốc để trồng keo...

Hiện một số hộ trong thôn đã chuyển đổi trồng mới được 5 ha cây ăn quả, 6 ha dứa đồi, 132 ha keo lá tràm ở vùng đất dốc; 6 hộ trong thôn mỗi hộ cũng đã trồng xen từ 200 đến 400 cây dó trầm trong vườn cây ăn quả, vườn dứa, vườn cà phê.

Nhiều nhất là gia đình ông Hùng Đức Thanh với 500 cây dó trầm trồng xen vườn cà phê. Ông Thanh cho biết: “Trồng dó trầm trong vườn cà phê với khoảng cách hợp lý thì nó sẽ là cây chắn gió, cây bóng mát giúp cho cà phê phát triển tốt mà không làm ảnh hưởng đến sản lượng cà phê lại tận dụng được phân bón. Khi bón phân cho cà phê thì cây dó trầm sẽ “ăn theo”. Cây dó trầm sau này chắc chắn sẽ cho lợi nhuận kinh tế cao”.

Mô hình phát triển trồng trọt, chăn nuôi theo hướng đa cây, đa con phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng gần đây đã có nhiều gia đình áp dụng, đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm cho nhiều hộ dân thôn Cư Tê.

Như gia đình anh Giàng Văn Páo có hơn 3 ha đất canh tác. Trước đây anh chỉ độc canh cây bắp lai và nuôi trâu thả nên lợi nhuận đem lại không cao. Mấy năm gần đây, vợ chồng anh đã cải tạo 3 sào đất thấp để làm ruộng nước 2 vụ chắc ăn, gần 7 sào đất triền ven suối trồng cà phê, gần 1 ha đất dốc trồng sắn, gần 5 sào đất cao trồng keo, 5 sào trồng sắn, 3 sào đất trồng cỏ nuôi trâu nhốt chuồng tận dụng phân trâu để bón cà phê, cải tạo đất. Ngoài ra gia đình còn nuôi heo và hàng chục con gà, vịt mỗi năm thu nhập gần 50 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí.

Thay đổi dễ nhận thấy nhất của thôn Cư Tê là cơ sở hạ tầng. Điện, đường giao thông, trường học đã được đầu tư xây dựng. Từ đầu thôn đến cuối thôn và các trục đường nội vùng đã được bê tông hóa; 100% hộ được dùng điện lưới quốc gia; các lớp tiểu học và mẫu giáo trong thôn đều đã được đầu tư xây dựng kiên cố; nhà cửa của nhiều hộ dân được xây dựng chắc chắn, khang trang; cảnh quan, môi trường được người dân thường xuyên phát dọn gọn gàng, sạch sẽ; trong thôn đã có nhiều hàng quán với đa dạng hàng hóa, đồ dùng, vật dụng, nhu yếu phẩm thiết yếu  phục vụ cho người dân.

Chi bộ thôn Cư Tê cũng là điểm sáng trong việc phát triển đảng viên mới là người dân tộc Mông ở xã Cư Pui trong những năm vừa qua. Từ năm 2016 đến nay, mỗi năm chi bộ đã bồi dưỡng kết nạp thêm 1 đảng viên mới. Hiện chi bộ có 5 đảng viên là người dân tộc Mông.

Đặc biệt, với sự quan tâm của chính quyền địa phương và  nỗ lực, cố gắng xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư của thôn, vừa qua thôn Cư Tê được UBND huyện Krông Bông công nhận là thôn văn hóa năm 2020.

Theo daidoanket.vn