Thứ 2, 23/12/2024, 00:25[GMT+7]

Quảng Trị: Khai thác tiềm năng, xây dựng nông thôn mới ở huyện Cam Lộ

Thứ 3, 08/12/2020 | 08:43:17
758 lượt xem
Cam Lộ là huyện đầu tiên của tỉnh Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 520/QĐ-TTg, ngày 16/4/2020 công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Bộ mặt nông thôn của huyện Cam Lộ ngày càng đổi mới. Ảnh: baochinhphu.vn

Là huyện thuần nông, chịu nhiều đau thương mất mát trong chiến tranh, khí hậu lại khắc nghiệt nhưng người dân và chính quyền huyện Cam Lộ đã vượt lên trên tất cả cùng chung sức, đồng lòng, nỗ lực, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới.

Điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới

Theo Bí thư Huyện ủy Cam Lộ Ngô Quang Chiến, trong 10 năm xây dựng nông thôn mới (2010 - 2020), với sự nỗ lực vượt bậc và quyết tâm cao, chính quyền, nhân dân huyện Cam Lộ đã vượt qua khó khăn, vững bước đi lên, đạt được những thành tựu toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới, tạo ra nhiều giá trị mới trên miền quê an lành, đáng sống.

Ngay từ khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, huyện Cam Lộ xác định, phải khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có của địa phương, để tăng thu nhập nâng cao đời sống người dân là nhiệm vụ trọng tâm. Do đó, địa phương đã tập trung xây dựng các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi có giá trị cao gồm: 4.000 ha cao su, trên 420 ha hồ tiêu, trên 100 ha cây dược liệu, 17.000 ha rừng trồng tập trung, cùng với chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại. Các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi ở Cam Lộ đã từng bước liên kết với doanh nghiệp, hình thành chuỗi giá trị sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu, để tạo ra giá trị cao và được thị trường ưa chuộng.

Một trong những đặc sản được Cam Lộ xây dựng thành thương hiệu là “Gà Cùa”, một loại gà ngon, sạch và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. “Gà Cùa” được người dân ở các xã Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành nuôi thả ở vùng gò đồi, dưới những vườn cây công nghiệp dài ngày như: cao su, hồ tiêu, mít... Tại đây, ban ngày gà tự tìm kiếm thức ăn tự nhiên, đến tối gà tìm đến những cành cây để ngủ. Phương thức nuôi này giúp người dân vừa ít tốn công chăm sóc gà, giúp gà có khả năng kháng bệnh cao.

Theo đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lộ, từ năm 2018, địa phương đã tập trung hỗ trợ các hộ chăn nuôi xây dựng thương hiệu “Gà Cùa” như: kỹ thuật nuôi gà, đảm bảo an toàn thực phẩm, quảng bá sản phẩm, nuôi theo quy mô trang trại. Việc hỗ trợ người dân xây dựng thương hiệu “Gà Cùa” đã giúp loại gà này có giá bán cao, ổn định từ 100.000 - 110.000 đồng/kg, qua đó giúp người chăn nuôi nâng cao thu nhập, phát huy được thế mạnh riêng có của địa phương.

Cam Lộ cũng là địa phương có thế mạnh trồng cây dược liệu nhất, có giá trị kinh tế cao ở tỉnh Quảng Trị. Địa phương đã quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh trồng cây dược liệu tập trung quy mô hơn 200 ha, với các loại cây chủ lực như: cà gai leo, chè vằng, đinh lăng. Các loại cây dược liệu này giúp người dân có thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa. Cụ thể, mỗi năm, cây cà gai leo cho thu hoạch 2 - 3 lứa, năng suất khô đạt 20 - 24 tạ/ha, thu nhập 160 - 200 triệu đồng/ha, trừ chi phí sản xuất thu lãi từ 100 - 130 triệu đồng/ha. Cây chè vằng mỗi năm thu hoạch 2 - 3 lứa, năng suất đạt 90 tạ/ha, thu nhập 135 triệu đồng/ha.

Hiện nay, chè vằng, cà gai leo đều được các cơ sở chế biến trong và ngoài địa phương thu mua nên luôn trong tình trạng “cung không đủ cầu”. Tỉnh Quảng Trị đã chiết xuất thành công hoạt tính của chè vằng và sản xuất thương mại chè vằng hòa tan với thương hiệu “Tralavang”. Loại chè này tan nhanh trong nước, có màu xanh trong, mùi thơm đặc trưng, vị đắng đậm tự nhiên và nhất là có công dụng hỗ trợ chức năng gan, kháng viêm, thải độc chống lão hóa… được người tiêu dùng tin tưởng. Cà gai leo đã được sản xuất thương mại với sản phẩm “Cà gai leo – linh chi hòa tan Cagali”.

Việc chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất tập trung chuyên canh, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu, đã giúp tăng giá trị bình quân một héc-ta sản xuất nông nghiệp ở huyện Cam Lộ lên gần 70 triệu đồng năm 2020, tăng 30 triệu đồng/ha so với 10 năm trước. Qua đó, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người ở huyện Cam Lộ đã đạt gần 50 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 3%; không còn hộ nghèo thuộc diện chính sách, không có nhà ở tạm bợ.

Thành công nhờ chung sức, đồng lòng

Bê tông hóa giao thông nông thôn ở huyện Cam Lộ. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Trong xây dựng nông thôn mới, huyện Cam Lộ còn có nhiều cách làm hay, sáng tạo; đó phát huy tối đa tính sáng tạo của từng cộng đồng dân cư, từng hộ gia đình, tạo nên nét riêng biệt của từng khu dân cư, từng thôn, xóm. Điển hình là phong trào thi đua chỉnh trang nông thôn, xây dựng tuyến đường kiểu mẫu, vườn mẫu nông thôn mới được người dân tích cực tham gia, làm cho cảnh quan môi trường luôn "sáng- xanh- sạch- đẹp- văn minh- an toàn”.

Chính quyền huyện Cam Lộ thường xuyên động viên, khích lệ, ban hành cơ chế, chính sách kịp thời để các địa phương thi đua xây dựng nông thôn mới như: Tặng thưởng 200 triệu đồng cho xã về đích nông thôn mới, 100 triệu đồng cho thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tỷ lệ người dân huyện Cam Lộ hài lòng với kết quả xây dựng nông thôn mới đạt trên 94% đã cho thấy sự đoàn kết, chung sức, chung lòng, nỗ lực của nhân dân và chính quyền địa phương.

Trong 10 năm qua, tổng nguồn lực huy động xây dựng nông thôn mới ở huyện Cam Lộ đạt hơn 3.000 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hàng trăm tỷ đồng. Người dân Cam Lộ đã hiến hơn 39 ha đất để mở rộng đường trục xã, trục thôn, đường ngõ xóm; đóng góp 52.000 ngày công để chỉnh trang nông thôn, xây dựng nông thôn mới; di dời trên 3.000 ngôi mộ ra ngoài vùng đất sản xuất; xóa trên 500 nhà dột nát cho hộ nghèo.

Hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện Cam Lộ được đầu tư đồng bộ. 100% tuyến đường trục thôn, ngõ xóm, đường xã, liên xã, đường từ trung tâm xã đến huyện đã được cứng hóa, bê tông hóa, nhựa hóa. Gần 90% đường trục chính ra đồng được cứng hóa. 100% xã, thị trấn có hệ thống điện đạt chuẩn; 24/24 trường học đạt chuẩn quốc gia.100% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Hệ thống thủy lợi nội đồng được đảm bảo tưới và tiêu nước chủ động cho 100% diện tích đất trồng lúa. Đến năm 2025, huyện Cam Lộ phấn đấu cơ bản thành huyện "Nông thôn mới kiểu mẫu".

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đánh giá, sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của chính quyền và nhân dân huyện Cam Lộ đã giúp địa phương này đạt được kết quả quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Huyện Cam Lộ đã phát huy truyền thống văn hóa, cách mạng của quê hương, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, nỗ lực vươn lên đạt được nhiều kết quả toàn diện trên tất cả các mặt phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Quá trình nỗ lực, bứt phá đi lên là rất đáng tự hào, tạo thế và lực mới để huyện Cam Lộ vươn xa, vươn cao, phát triển vững chắc trong thời gian tới, phấn đấu để đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Theo baotintuc.vn