Chủ nhật, 22/12/2024, 00:56[GMT+7]

Bộ NN&PTNT: Điểm sáng trong thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới

Chủ nhật, 23/05/2021 | 16:08:43
364 lượt xem
Xây dựng nông thôn mới đã thực sự trở thành một phong trào ý nghĩa, có sức lan tỏa sâu rộng và được người dân đồng tình hưởng ứng. Nhiều cách làm sáng tạo, sát thực tiễn và đảm bảo chất lượng ngày càng được phát triển và được nhân rộng đã đánh dấu một bước chuyển về chất trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Một khu vực trồng vải thiều theo quy trình VietGAP ở Lục Ngạn, Bắc Giang (Ảnh: Đặng Hiếu)

Những kết quả tích cực

Thực tiễn cho thấy, chương trình xây dựng nông thôn mới đã thực sự trở thành phong trào có ý nghĩa nhân văn và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp dân dân tích cực hưởng ứng, tham gia, Chương trình đã đạt được những kết quả quan trọng, làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến hết năm 2020, ước có trên 63% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, cao gấp 3,6 lần so với năm 2015 (17,5%); có 165/664 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, cao hơn so với mức 15 đơn vị của năm 2015. Tổng nguồn lực huy động 5 năm 2016 - 2020 khoảng 2.115.677 tỉ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với giai đoạn 5 năm từ 2011 - 2015. Tỉ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh, từ mức 9,2% năm 2016 xuống còn 5,46% năm 2019 và khoảng 4,2% năm 2020.

Đạt được những thành tựu trên, ngoài sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình ủng hộ của các cấp lớp nhân dân, còn có sự hưởng ứng tích cực triển khai thực hiện phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, như: Tập trung giải quyết các vướng mắc về hàng rào kỹ thuật, huy động nguồn vốn đầu tư vào ngành, đàm phán, mở cửa thương mại hàng nông sản; xây dựng và ban hành các khung chương trình đào tạo, giáo trình dạy nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp nghề được thực hiện thống nhất và đồng bộ. Với hơn 100 nghề đã được xây dựng, đây là cơ sở để các địa phương tham khảo, sử dụng phù hợp với thực tiễn địa phương mình trong quá trình đào tạo nghề nông nghiệp cho người lao động nông thôn theo hướng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân sản xuất kinh doanh có hiệu quả hơn.

Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ cũng đã chủ động hỗ trợ các địa phương xây dựng nhiều mô hình nông thôn mới như: “Mô hình ngành hàng gắn với thương hiệu nông sản” tại Quảng Ninh, Hà Nội; “Mô hình tổ nhóm” tại Thành phố Hồ Chí Minh; “Mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm thủy sản” tại các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Trị, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Bến Tre; “Mô hình sản xuất hoa” tại Lào Cai; “Mô hình sản xuất lúa năng suất cao, cải tạo và trồng một số giống cây ăn quả theo hướng chất lượng và hiệu quả kinh tế cao” tại Hà Tĩnh, Quảng Nam; “Mô hình ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật sản xuất lúa hàng hóa kết hợp ngô vụ đông theo hướng cánh đồng mẫu lớn” tại Nghệ An, “Mô hình liên kết ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật, quản lý trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao hiệu quả kinh tế canh tác đặc sản” tại Hòa Bình của Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch...

Khối thi đua của các trường, viện, trung tâm của Bộ cũng tổ chức xây dựng và chuyển giao kỹ thuật các mô hình sản xuất hiệu quả, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó ưu tiên đào tạo nghề ở những xã đã hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới và đã có đề án phát triển sản xuất. Các hoạt động khuyến nông gắn đào tạo với phát triển công nghiệp nông thôn đã giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho hàng triệu lao động nông thôn, nhất là ở các vùng kinh tế khó khăn ở đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, miền núi phía Bắc. Công tác tập huấn, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được các cơ quan, đơn vị chú trọng và quan tâm, đảm bảo yêu cầu về chất lượng và nội dung đào tạo. Đồng thời các đơn vị luôn chủ động tham gia công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho người lao động nông thôn, xây dựng và ban hành được các khung chương trình đào tạo, tập huấn cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới cơ sở gắn với việc đào tạo tiểu giáo viên nhằm xây dựng đội ngũ nòng cốt trong tham mưu, thực hiện xây dựng nông thôn mới ở cơ sở, góp phần vào việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ nông thôn mới ở các cơ sở, địa phương.

Cũng với các hoạt động đầu tư, hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển nông thôn mới thông qua các liên kết của hợp tác xã - doanh nghiệp đã góp phần nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm; người nông dân được đào tạo và tiếp thu những công nghệ mới trong sản xuất; hàng hóa được người tiêu dùng ưa thích và có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế; sản xuất theo hướng bền vững, gắn liền với thiên nhiên và bảo vệ môi trường; bộ mặt nông thôn ngày càng được đổi thay; thu nhập người lao động nông thôn ngày càng được cải thiện. Nhiều doanh nghiệp đã hưởng ứng xây dựng nông thôn mới với nhiều việc làm thiết thực như hỗ trợ vật tư, kinh phí, ngày công... cho các địa phương như xóa nhà tạm, xây dựng đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, thủy lợi nội đồng... với tổng kinh phí hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng.

Đẩy mạnh tuyên truyền khích lệ xây dựng nông thôn mới

Ngoài ra, công tác phối hợp tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới giữa Bộ NN&PTNT với các cơ quan báo chí được phát huy hiệu quả và tác động tích cực đến nhận thức của cán bộ các cấp và người dân. Thông qua các chuyên trang, chuyên mục về nông thôn mới trên các phương tiện thông tin báo chí, cuộc thi báo chí viết về nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, các hoạt động hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” ở địa phương, không chỉ ở nông thôn mà cả ở khu vực thành thị, người dân đã hiểu rõ hơn về xây dựng nông thôn mới. Ở nhiều địa phương như Quảng Ninh, Nam Định,… cử tri và đại biểu Quốc hội đã kiến nghị triển khai xây dựng nông thôn mới ở cả các thị trấn. Phong trào xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu ở nhiều địa phương đã góp phần thúc đẩy nông thôn mới đi vào thực chất, nâng cao chất lượng và khẳng định vai trò chủ thể của người dân, cộng đồng. Tại nhiều tỉnh, thành phố người dân đã tích cực tham gia các hoạt động chung của cộng đồng nhằm cải thiện chất lượng sống, điều kiện sinh hoạt và từng bước chuyển hoá phong trào từ tự phát thành tự giác, từ chăm lo cho gia đình, cá nhân sang lo cho việc chung của cộng đồng, thôn xóm.... 

Có thể thấy, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã thực sự trở thành một phong trào có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng. Qua phong trào thi đua, nông thôn mới đã có sự khởi sắc rõ rệt ở cả các tỉnh vùng khó khăn với việc có nhiều đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn hay hoàn thành. Đây là kết quả của sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương (tỉnh, huyện, xã, thôn, bản), tham gia tích cực của người dân và cộng đồng nhất là ở vùng nông thôn.

Ở nhiều địa phương, hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa được coi trọng và có chuyển biến tích cực; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh. Mô hình hợp tác xã kiểu mới phát triển liên kết theo chuỗi giá trị gắn với an toàn thực phẩm, môi trường và văn hóa cộng đồng,... đã được nhiều địa phương chỉ đạo thực hiện và đã đạt nhiều thành tựu rất khích lệ, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, để xây dựng nông thôn trù phú, ấm no, văn minh, hiện đại và trật tự an toàn xã hội./.

Theo daihoi13.dangcongsan.vn