Thứ 5, 26/12/2024, 07:27[GMT+7]

Trực Ninh (Nam Định) nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

Thứ 2, 07/06/2021 | 09:29:03
1,086 lượt xem
Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Trực Ninh đã tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu lực thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở các tổ dân phố, thôn, xóm trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Qua đó đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, chính quyền, tạo được niềm tin, sự đồng thuận, tập hợp các tầng lớp nhân dân đoàn kết, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Nông thôn mới xã Trực Thuận (Trực Ninh).

Thôn 12, xã Trực Mỹ có 110 hộ với 362 khẩu. Là vùng đất thuần nông, thu nhập người dân chủ yếu bằng nông nghiệp, nhưng sau 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM) cơ cấu kinh tế của thôn được mở rộng với đa dạng các hình thức kinh doanh, dịch vụ. Hiện tại, thu nhập bình quân của người dân nơi đây đạt khoảng 70 triệu đồng/năm. Kết cấu hạ tầng ngày càng khang trang, hiện đại, trong đó hệ thống đường giao thông gồm 1,5km trục thôn được đổ bê tông rộng rãi, hai ven đường đều trồng cây xanh và dựng 80 cột đèn led chiếu sáng. Đường ra đồng dài 2km được trải bê tông thuận lợi cho cơ giới hóa sản xuất. Khuôn viên khu văn hóa - thể thao được quy hoạch, xây dựng quy củ nhưng vẫn lưu giữ nét đẹp truyền thống với hồ nước, cây đa… Năm 2021, thôn 12 được UBND xã chọn làm điểm xây dựng NTM kiểu mẫu. Đồng chí Trần Xuân Trường, Bí thư Chi bộ thôn 12 cho biết: Thành quả xây dựng NTM của thôn đạt được là đã phát huy QCDC ở cơ sở. Mọi việc trong thôn đều được bàn bạc công khai, dân chủ, có sự đồng thuận, nhất trí cao mới triển khai, trong đó vai trò lãnh đạo của chi bộ đảng mang tính quyết định. Năm 2012, khi thôn bắt tay triển khai dồn điền, đổi thửa, không chỉ người dân mà có không ít đảng viên hoài nghi về tác dụng việc làm này. Chi ủy thôn đã tổ chức 4 cuộc họp chi bộ, trực tiếp ra hiện trường, phân tích ý nghĩa công tác dồn điền, đổi thửa cho đảng viên, nhất là những đảng viên có ý kiến trái chiều. Khi tư tưởng đã “thông”, các đảng viên đã tích cực vận động hội viên, đoàn viên, nhân dân khu dân cư hưởng ứng. Một số đảng viên sẵn sàng nhận ruộng xấu, xa khu dân cư, nhường ruộng tốt cho dân. Người dân nhận ruộng xa, ruộng xấu được tạo điều kiện tăng thêm diện tích. Chỉ trong 6 tháng, khu dân cư đã thực hiện xong dồn điền, đổi thửa, trung bình mỗi hộ từ 2,5-3 thửa trước đây, nay còn 1 thửa, tạo thuận lợi cho cơ giới hóa, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất cây trồng. Đối với các khu dân cư khác trong huyện, QCDC ở cơ sở được thể hiện rõ nhất trong đóng góp, tham gia xây dựng các công trình phục vụ cộng đồng. Khu dân cư xóm 3 Tây Lạc được xã Trực Tuấn chọn xây dựng NTM kiểu mẫu. Đồng chí Vũ Quang Vinh, Bí thư Chi bộ xóm 3 Tây Lạc cho biết: Chúng tôi xác định, tất cả công việc trong thôn đều do “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát”, trong đó chú trọng công tác kiểm tra, giám sát trong xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng. Thôn đã giao ban đầu tư giám sát cộng đồng thực hiện việc kiểm tra, giám sát công tác xây dựng, đảm bảo khách quan, công khai, dân chủ. Tuyến đường trục xóm dài 1,4km có cột đèn led chiếu sáng được đầu tư 1,6 tỷ đồng nhanh chóng được hoàn thành tạo cảnh quan nông thôn khang trang. Dòng sông trước làng luôn sạch sẽ, không có rác thải; nhà văn hóa được xây dựng hiện đại, có đầy đủ các thiết chế cho việc hội họp, sinh hoạt...

Thời gian qua, Huyện ủy Trực Ninh đã tập trung chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, nhân dân đẩy mạnh triển khai Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Kết luận số 120-KL/TW ngày 7-1-2016 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở”. Các cấp ủy từ huyện đến cơ sở đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở, hàng năm đều xây dựng kế hoạch triển khai. Các ban chỉ đạo đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên gắn thực hiện QCDC ở cơ sở với nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Trong đó, đã đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo thực hiện và vận động quần chúng nhân dân thực hiện QCDC, gắn thực hiện QCDC với việc đảm bảo và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; phát huy dân chủ đi đôi với đề cao kỷ cương phép nước; tránh dân chủ hình thức. Trong quá trình triển khai thực hiện QCDC đã gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào “Dân vận khéo” trong xây dựng NTM, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân; phát huy vai trò hạt nhân, tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tham gia thực hiện và giám sát việc thực hiện. Theo đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã công khai nhiều nội dung cho nhân dân như kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng NTM, quy hoạch đất, báo cáo quyết toán ngân sách và dự toán ngân sách hàng năm; dự án, công trình đầu tư, các khoản thu phí, lệ phí, dự án vay vốn dành cho các đối tượng chính sách, các chế độ an sinh xã hội, hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình có mức sống trung bình, quy ước nếp sống văn hóa... Những nội dung về mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi cấp xã, thôn, xóm… đều được nhân dân bàn và quyết định. Nhân dân cũng tích cực tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định về xây dựng cơ sở hạ tầng, phương án quy hoạch khu dân cư, bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, thành viên ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng, các quy định, tiêu chí về xây dựng NTM... Việc thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với chương trình xây dựng NTM được quan tâm chỉ đạo với nhiều giải pháp đồng bộ và đạt được kết quả tích cực, góp phần đưa 10/21 xã, thị trấn hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2020. Công tác cải cách hành chính ở các địa phương ngày càng chuyển biến tích cực. Với cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, nhà ở, hộ tịch, công chứng, chứng thực... đã được công khai, nhanh gọn, giảm bớt phiền hà cho nhân dân. Trong quá trình tiến hành đại hội chi bộ khu dân cư, đảng bộ xã, thị trấn, việc thực hiện QCDC cũng được đặc biệt chú trọng, qua đó đã phát huy dân chủ, trí tuệ của nhân dân trong góp ý dự thảo báo cáo chính trị; phát động các phong trào thi đua chào mừng đại hội Đảng bộ các cấp; lựa chọn cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, đạo đức để giới thiệu vào cấp ủy khóa mới. Các ban thanh tra nhân dân và ban giám sát đầu tư cộng đồng được cấp ủy, chính quyền, MTTQ quan tâm hướng dẫn, chỉ đạo, kiện toàn và tạo điều kiện hoạt động hiệu quả. Đến nay, 21 ban thanh tra nhân dân với 183 thành viên, 21 ban giám sát đầu tư cộng đồng với 231 thành viên của các xã, thị trấn trong huyện đều thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC ở cơ sở, chế độ chính sách, việc đầu tư xây dựng tại xã, thị trấn, khu dân cư. Công tác hòa giải tại cơ sở luôn được quan tâm, chú trọng thực hiện. Toàn huyện có 391 tổ hòa giải ở cơ sở với 1.041 thành viên đã tiến hành hòa giải các tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự. Công tác tiếp dân, đối thoại với dân được chú trọng. Từ năm 2016-2020 các xã, thị trấn đã tiếp định kỳ 599 lượt công dân với 332 người được thực hiện theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục.

Việc thực hiện QCDC ở các tổ dân phố, thôn, xóm trên địa bàn huyện Trực Ninh đã góp phần quan trọng nâng cao ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân, năng lực làm chủ, tham gia quản lý xã hội của nhân dân. Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát” được tôn trọng và triển khai thực hiện trên tất cả các lĩnh vực đời sống đã tác động tích cực đối với việc phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững ANCT-TTATXH; xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư; xây dựng NTM; đảm bảo an sinh xã hội. Niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và quản lý điều hành của Nhà nước ngày càng tăng. Hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội các cấp có nhiều chuyển biến tích cực, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đi sâu, đi sát cơ sở, gần dân và sát dân để kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng, phản ánh của nhân dân. Trong quá trình thực hiện QCDC ở cơ sở đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình gắn với các phong trào, các cuộc vận động, góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh trên địa bàn huyện./.

Theo baonamdinh.com.vn