Thứ 5, 26/12/2024, 08:07[GMT+7]

Vai trò đảng viên trong xây dựng nông thôn mới ở Nam Định

Thứ 7, 12/06/2021 | 10:30:27
564 lượt xem
Trong bối cảnh ngân sách hạn chế, gặp nhiều khó khăn về thu hút nguồn lực, Nam Định vẫn là một trong hai tỉnh dẫn đầu cả nước trong phong trào xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao tiêu chí, hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu.

Khung cảnh yên bình tại thôn An Lạc, thôn nông thôn mới kiểu mẫu của xã Tam Thanh, huyện Vụ Bản

Hết lòng vì mục tiêu chung

Những ngày này, người dân xã Tam Thanh, huyện Vụ Bản háo hức chờ con đường liên xã Tam Thanh - Yên Lương được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Đường mới mở rộng, khang trang, rộng rãi, giúp người dân đi lại thuận tiện hơn, đáp ứng yêu cầu tiêu chí nông thôn mới (NTM) nâng cao cho xã. Thành quả đó bắt đầu từ “dân vận khéo”.

Chủ tịch UBND xã Tam Thanh Nguyễn Văn Bài cho biết: Đường Tam Thanh - Yên Lương là dự án do huyện Vụ Bản làm chủ đầu tư, chiều dài 4 km, trong đó 3,5 km đi qua Tam Thanh. Công tác giải phóng mặt bằng do xã đảm nhiệm, tuy nhiên gặp vướng mắc lớn ở đoạn hơn 1,5 km qua thôn Phú Thứ với khoảng 70 hộ có công trình nhà cửa, tường bao. Với giá trị đất gần 30 triệu đồng/m2 ở khu vực này, nguồn ngân sách không thể đáp ứng việc đền bù. Chính quyền xã quyết tâm vận động người dân hiến đất làm đường, vì mục tiêu chung.

Thôn Phú Thứ có khoảng một nửa số dân cư là đồng bào công giáo. Nhờ sự gắn bó với Linh mục chánh xứ Giuse Tạ Ngọc Nghiệp và Ban hành giáo Giáo xứ Phú Thứ, Đảng ủy, chính quyền xã Tam Thanh vận động, thuyết phục nhân dân trong nhiều tháng. Ban đầu, Linh mục mở lời mời gọi cộng đoàn trong nhiều buổi làm lễ, và nhà thờ Phú Thứ quyết định phá bỏ, xây lại cổng cùng tường bao dài hơn 100m để mở đường (tổng kinh phí hơn 400 triệu đồng). Tuy nhiên, vì giá trị đất rất lớn, nhiều hộ dân vẫn không đồng ý hiến đất.

Không nản lòng, chẳng quản nắng mưa, đồng chí Nguyễn Văn Bài vẫn kiên trì cùng Linh mục chánh xứ Phú Thứ đến từng nhà thuyết phục người dân. “Mưa dầm thấm lâu”, và từ sự gương mẫu của các hộ có cán bộ, đảng viên, hơn 70 hộ dân đã đồng lòng hiến hàng nghìn m² đất ở, trong đó có hai hộ phá dỡ trực tiếp một phần căn nhà mái bằng của mình. Từ nay, người dân có đường mới, cảnh quan khang trang hơn. Xã tiến thêm một bước trên hành trình nâng cao tiêu chí NTM còn nhiều gian nan, thử thách.

Đảng viên gương mẫu, đi đầu

Tam Thanh trước đây là một xã lớn của Vụ Bản. Từ năm 1986, khi thị trấn Gôi tách ra, nơi đây trở thành một trong những đơn vị hành chính nhỏ nhất huyện. Bây giờ, Tam Thanh chỉ có khoảng 6.600 nhân khẩu, nghề chính là nông nghiệp. Dù điểm xuất phát thấp, nhưng với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, xã vẫn về đích NTM sớm trước hai năm so Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã. Tam Thanh đang phấn đấu đến năm 2022 đạt chuẩn NTM nâng cao.

Đồng chí Phạm Ngọc Chi, Phó Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản khẳng định: Phong trào xây dựng NTM thành công nhờ sự quyết liệt vào cuộc của cả hệ thống chính trị huyện và sự đồng thuận của người dân. Ban Chỉ đạo NTM cấp huyện phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, Huyện ủy viên phụ trách, theo dõi 18 xã, thị trấn, gắn trách nhiệm cá nhân vào kết quả xây dựng phong trào. Huyện ủy ra thông báo kết luận, tổ chức kiểm điểm hằng tháng, hằng quý về tiến độ xây dựng NTM, sau này là NTM nâng cao. Những đợt cao điểm, các đồng chí Thường trực và Ban Thường vụ Huyện ủy thường xuyên họp nắm tiến độ, chỉ đạo giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc từ thực tế phát sinh.

Theo đồng chí Phạm Ngọc Chi, huyện Vụ Bản nói riêng và tỉnh Nam Định nói chung xác định xây dựng NTM một cách bài bản, thực chất, không chạy theo thành tích. Đến nay, huyện đã có ba xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2019 là Hiển Khánh, Liên Minh và Minh Tân; có thêm sáu xã đã được tỉnh thẩm định, chờ công nhận NTM nâng cao năm 2020. Trong quá trình xây dựng NTM, Vụ Bản thường xuyên kiểm tra, giám sát, yêu cầu các xã hạn chế việc nợ xây dựng cơ bản, không để xảy ra “nợ” tiêu chí.

Đồng chí Phạm Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nam Định đánh giá: Xây dựng NTM ở Nam Định là cuộc “cách mạng” đầy khó khăn, trong bối cảnh địa phương vẫn là một tỉnh nông nghiệp, nguồn lực hạn chế. Tuy nhiên, nhờ vai trò nêu gương, đi đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện của cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận của nhân dân, Nam Định đã về đích NTM trước 1,5 năm so Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19.

Mười năm xây dựng NTM, khâu đột phá của Nam Định là thực hiện tốt công tác dồn điền, đổi thửa, vận động nhân dân chung tay xây dựng NTM. Người dân đã tự nguyện góp gần 3.000 ha đất nông nghiệp (trị giá khoảng 6.000 tỷ đồng) và hiến tặng 206 ha đất thổ cư (trị giá hơn 1.000 tỷ đồng) làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng, các công trình phúc lợi…

Thời gian tới, Tỉnh ủy Nam Định tiếp tục nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ đảng viên, nỗ lực từng bước nâng cao tiêu chí NTM, hướng tới xây dựng NTM kiểu mẫu. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 có 50% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao; 25% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Theo nhandan.com.vn