Thứ 5, 26/12/2024, 20:36[GMT+7]

Hà Nội: Xây dựng nông thôn mới vùng dân tộc miền núi

Thứ 3, 15/06/2021 | 12:14:33
461 lượt xem
Xuất phát điểm thấp và đối diện nhiều khó khăn, tuy nhiên đến nay, công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi của Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Diện mạo xã An Phú (huyện Mỹ Đức) đổi thay tích cực nhờ chính sách dân tộc của TP Hà Nội. Ảnh: Tùng Nguyễn

Đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng cho 14 xã

Xác định việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm nhằm thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đã được UBND TP Hà Nội ban hành. Trong đó, ưu tiên nguồn lực cao hơn cho các xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.

Từ năm 2013, UBND TP Hà Nội đã bố trí gần 838 tỷ đồng thông qua Kế hoạch số 166/KH-UBND về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô giai đoạn 2013 - 2015. Kết thúc Kế hoạch số 166, năm 2016, TP tiếp tục ban hành và triển khai Kế hoạch số 138/KH-UBND với mục tiêu tương tự.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, do suy thoái kinh tế, nguồn lực đầu tư hạn chế, song UBND TP Hà Nội vẫn ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội thuộc Kế hoạch số 138 tại 14 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô.

Đến nay, TP đã bố trí tổng số 1.255 tỷ đồng cho 89 dự án thành phần. Các dự án hướng đến nâng cao các tiêu chí xây dựng NTM, đặc biệt là thiết chế hạ tầng kinh tế - xã hội như: Giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục... Qua đó tạo chuyển biến tích cực về diện mạo cho các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Chú trọng cải thiện đời sống người dân

Nhờ nguồn đầu tư lớn xuyên suốt giai đoạn 2013 - 2020, đến nay, toàn TP đã có 9/14 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi về đích xây dựng NTM gồm: Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân (huyện Thạch Thất); Trần Phú (huyện Chương Mỹ); Đông Xuân, Phú Mãn (huyện Quốc Oai) và Ba Trại, Minh Quang, Vân Hòa (huyện Ba Vì). Trong 5 xã còn lại chưa về đích, có 4 xã thuộc huyện Ba Vì (Tản Lĩnh, Yên Bài, Ba Vì, Khánh Thượng) và xã An Phú (huyện Mỹ Đức).

Thông qua việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn Thủ đô đã được cải thiện và nâng cao. Mặc dù vậy, theo Trưởng ban Dân tộc TP Nguyễn Tất Vinh, địa bàn vùng dân tộc miền núi rất rộng, địa hình nhiều nơi bị chia cắt nên suất đầu tư xây dựng lớn. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, nhanh xuống cấp. Nhu cầu nguồn lực lớn nhưng việc xã hội hóa đầu tư còn rất hạn chế…

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, UBND TP Hà Nội phấn đấu có 100% xã vùng đồng bào DTTS và miền núi về đích NTM. Trong đó có ít nhất 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết, TP sẽ lồng ghép, tích hợp các chính sách, chương trình, dự án nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, trong đó ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Cùng với mục tiêu xã đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao, TP sẽ mở rộng vốn tín dụng ưu đãi đối với các dự án phát triển kinh tế tại vùng đồng bào DTTS và miền núi. Thu hút và phát huy tốt các nguồn lực xã hội để phát triển sinh kế, nâng cao đời sống cho đồng bào vùng dân tộc miền núi. Đây cũng là chủ trương, mục tiêu xuyên suốt của TP trong xây dựng NTM nói chung trên địa bàn Thủ đô.

Theo baomoi.com