Thứ 5, 26/12/2024, 20:07[GMT+7]

Xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội: Nâng cao chất lượng nông thôn mới

Thứ 5, 24/06/2021 | 10:00:29
2,940 lượt xem
Huyện Thường Tín, Hà Nội đang đổi mới mạnh mẽ: Hệ thống hạ tầng phát triển nhanh, nhiều công trình được đầu tư xây dựng, diện mạo khang trang, tạo cơ sở, tiền đề quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Ủy ban nhân dân xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội.

Thường Tín đã có nhiều đổi mới trong công tác tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới (NTM); đồng thời đổi mới về nội dung, cách làm để nâng cao vai trò của cả hệ thống chính trị trong việc chỉ đạo, điều hành, tổ chức và vai trò chủ thể của người dân trong quá trình thực hiện.

Trong số những xã của huyện Thường Tín, Văn Bình là xã có vị trí địa lý thuận lợi cho giao lưu, phát triển kinh tế - xã hội: Diện tích tự nhiên 5,2km2, phía Bắc của Văn Bình giáp xã Nhị Khê và Duyên Thái, phía Đông giáp xã Liên Phương, phía Tây giáp xã Hòa Bình và thị trấn Thường Tín, phía Nam giáp xã Hà Hồi và đặc biệt là liền kề các nhà ga, bến xe (ga tàu hỏa Thường Tín, bến xe khách Thường Tín).

Xã Văn Bình hiện nay gồm ba thôn: Văn Giáp, Văn Hội, Bình Vọng. Trước Cách mạng tháng Tám, năm 1945, các thôn thuộc xã Văn Bình ngày nay là các xã: Văn Giáp, Văn Hội thuộc tổng Thượng Cung; xã Bình Vọng thuộc tổng Hà Hồi, tỉnh Hà Đông. Tháng 4/1946, hai xã Văn Giáp, Văn Hội hợp nhất thành xã Giáp Hội. Năm 1948, các xã Giáp Hội, Bình Vọng, Bạch Liên, Phương Quế hợp nhất thành xã Cộng Hòa. Năm 1949, xã Cộng Hòa đổi tên thành xã Bạch Đằng.

Xã có 04 di tích cấp Quốc gia, gồm: Chùa làng Văn Giáp được công nhận năm 1991; Chùa làng Văn Hội được công nhận năm 1993; đình làng Bình Vọng, chùa làng Bình Vọng được công nhận năm 1999.

Người dân Văn Bình chủ yếu sống bằng nghề nông, giỏi trồng lúa, rau màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản. Ngoài ra, ở Văn Bình còn sớm phát triển nghề thủ công, buôn bán nhỏ. Vào thế kỷ XVI, Bình Vọng nổi tiếng là đất tổ nghề sơn thếp, do tiến sĩ Trần Lư truyền dạy cho dân. Cơ cấu kinh tế hiện nay của xã Văn Bình: Giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng 13,7%; giá trị thương mại - dịch vụ chiếm 86,3%.

Để thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM, HĐND xã Văn Bình đã có nhiều hoạt động đổi mới, quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương. Ban chỉ đạo huyện thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn cho các xã trong quá trình triển khai thực hiện. Hiện nay, xã Văn Bình tiếp tục rà soát, đánh giá lại các tiêu chí đầu tư cải tạo, nâng cấp một số công trình hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, cảnh quan môi trường, cơ sở vật chất trường học...), cơ sở vật chất văn hóa; Xây dựng và quyết tâm thực hiện kế hoạch vệ sinh môi trường tạo cảnh quan “xanh - sạch - đẹp” tại các khu vực công sở, các tuyến đường giao thông nông thôn; Chỉ đạo các tổ chức đoàn thể phối hợp với cán bộ các xóm vận động người dân tích cực tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để nâng tỷ lệ tham gia lên trên 93% trong năm 2020.

 

Xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội: Nâng cao chất lượng nông thôn mới

Người dân huyện Thường Tín trồng rau màu.

Thường trực HĐND xã đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu chuẩn bị hội nghị liên tịch với UBND, Ủy ban MTTQ xã thống nhất thời gian, nội dung chương trình kỳ họp, phân công các cơ quan chuyên môn chuẩn bị dự thảo báo cáo, tờ trình, nghị quyết, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND theo đúng quy định, đạt chất lượng. Cùng với đó, công tác điều hành kỳ họp rất quan trọng, nhất là công tác điều hành phần thảo luận của chủ tọa kỳ họp theo hướng linh hoạt, tạo không khí cởi mở, dân chủ, thẳng thắn trên tinh thần xây dựng.

Cùng với đó, Thường trực HĐND, các Ban HĐND xã Văn Bình luôn tăng cường giữ mối liên hệ, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong hoạt động giám sát để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát chuyên sâu đối với từng nhóm vấn đề, lĩnh vực và đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị toàn diện đến đối tượng giám sát để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả, triệt để.

Thông qua giám sát đã kịp thời phát hiện, khuyến khích những thành tích, ưu điểm; đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, yêu cầu các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát nghiêm túc khắc phục tồn tại, hạn chế mà Đoàn giám sát chỉ ra. Từ đó, góp phần thực hiện nghiêm có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của HĐND các cấp và kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc ở địa phương.

Theo baophapluat.vn