Thứ 6, 27/12/2024, 10:52[GMT+7]

Câu chuyện nông thôn mới ở Phú An

Thứ 7, 03/07/2021 | 09:42:28
609 lượt xem
Người dân sống tại ấp 5 Phú An, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) đều biết ông Lê Văn Tươi, một lão nông tri điền, chăm chỉ làm ăn. Khu đất nhà ông Tươi đang sinh sống thời chiến tranh là khu đất bị bỏ hoang hóa, dân cư thưa thớt. Nay gia đình ông canh tác trồng chuyên canh gần 2 ha chôm chôm.

Ông Lê Văn Tươi (bìa trái) trao đổi với cán bộ Hội Người cao tuổi xã trên tuyến đường số 2 do ông vận động kinh phí, ngày công nâng cấp. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Tiền Giang.

Là xã nằm trong vùng căn cứ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từng bị bom đạn quân thù tàn phá nặng nề, cuộc sống người dân Phú An còn nhiều khó khăn. Xã bước vào xây dựng nông thôn mới (NTM) với xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng, nhất là mạng lưới giao thông nông thôn trên địa bàn thiếu và yếu, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trong bối cảnh đó, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể của xã dồn sức vận động cộng đồng dân cư chung sức xây dựng NTM bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như góp sức bắc cầu, cống, làm đường,… Cán bộ, đảng viên, gia đình cách mạng làm gương thu hút nông dân tích cực tham gia. Điển hình là ông Lê Văn Tươi, đã cùng gia đình đóng góp trực tiếp làm con đường Bà Mụ chạy qua nhà, dài khoảng 1.500 m. Người dân cho biết, để hoàn thành tuyến đường, riêng gia đình ông Lê Văn Tươi đầu tư 100 triệu đồng. Mới đây, nhân kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/2021), gia đình ông Lê Văn Tươi lại đóng góp hơn 60 triệu đồng cùng những khoản tiết kiệm của con, cháu hỗ trợ để khởi công tuyến đường nông thôn liên ấp 5 - ấp 6, xã Phú An, chiều dài khoảng 700 m và rộng 3,5 m.

Trong nghề nông, ông Tươi cũng là người ham học tập kinh nghiệm, kết hợp áp dụng các kiến thức khoa học trong thâm canh, cách thức xử lý cây cho trái rải vụ để luôn được mùa, trúng giá. Bình quân, mỗi năm, vườn chôm chôm gia đình ông cho sản lượng từ 30 đến 35 tấn quả. Doanh thu hằng năm đạt gần một tỷ đồng. Vợ chồng ông cũng khéo biết chăm sóc, giáo dục con cái nên cả sáu người con đều học hành đỗ đạt, trưởng thành. Người dân hỏi vì sao ông không dành thu nhập vườn quả để nâng cấp căn nhà cấp bốn đang ở cho khang trang, tiện nghi? Ông Tươi cười hiền, tâm tình: Nhà cửa thủng thẳng làm cũng được. Xóm ấp có đường, mang lại lợi ích cho cả cộng đồng là công việc bức thiết cần làm ngay. Việc làm, cách nghĩ của ông cùng gia đình được người dân trong xã đánh giá cao và coi đó là tấm gương để học tập, nhân rộng.

Được biết, cùng vai trò của cấp ủy, chính quyền xã, phong trào huy động sức mạnh cộng đồng trong xây dựng NTM ở Phú An ngày càng phát triển. Toàn xã đã huy động hơn 214 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 86 tỷ đồng, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả đến cuối năm 2018, xã nghèo Phú An đã được công nhận đạt xã NTM. Hiện Phú An đang dồn sức cho mục tiêu xây dựng xã NTM kiểu mẫu.

Thực tiễn ở Phú An cho thấy từ nhận thức và tư duy của người dân về xây dựng NTM đã góp phần huy động nguồn sức mạnh tại chỗ. Gắn liền vai trò “nhạc trưởng” của cấp ủy, chính quyền sở tại trong phát huy nội lực từng hộ dân để phát triển cuộc sống cộng đồng, thiết nghĩ đó là hướng phát triển NTM bền vững.

Theo nhandan.com.vn