Thứ 6, 22/11/2024, 10:05[GMT+7]

Đẩy mạnh mục tiêu kinh tế, văn hóa, môi trường trong xây dựng nông thôn mới

Thứ 3, 13/07/2021 | 11:39:52
695 lượt xem
Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 cần đẩy mạnh các mục tiêu về kinh tế, văn hóa, môi trường và năng lực cộng đồng cho nông thôn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Xây dựng nông thôn mới gắn liền với kinh tế, văn hóa, môi trường. Ảnh: Tùng Đinh.

Chiều 12/7, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Trần Thanh Nam và các đơn vị liên quan có buổi làm việc ban về “Đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”, dự kiến sẽ được Bộ trưởng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 58 vào ngày 13/7.

Sau khi lắng nghe trình bày báo tóm tắt dự thảo về đề xuất chủ trương đầu tư nói trên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã có một số ý kiến đóng góp. Trong đó, ông nhấn mạnh mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn phải được chú trọng trong xây dựng nông thôn mới.

Từ đó, nâng cao thu nhập cho người dân ở nông thôn, đời sống được nâng lên một tầm cao mới chứ không chỉ tập trung vào sản xuất hay phát triển quy mô như trước đây.

Để làm được điều này, người đứng đầu ngành nông nghiệp cho rằng cần phát triển hệ thống hợp tác xã ở nông thôn. Cụ thể là đưa các hợp tác xã vào hoạt động thực chất hơn, nâng cao hơn, chất lượng hơn, gắn với các chuỗi liên kết để phát triển kinh tế nông thôn.

Ngoài phát triển kinh tế nông thôn, người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng đề cập đến các yếu tố khác trong phát triển nông thôn mới đó là văn hóa, môi trường và năng lực cộng đồng.

Đặc biệt, cả Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Trần Thanh Nam đều nhấn mạnh cần bổ sung thêm tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới, ví dụ như xây dựng các chợ an toàn vệ sinh thực phẩm ở các xã.

Theo dự thảo báo cáo này, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 sẽ được thực hiện ở các cấp tỉnh, huyện, xã theo 3 mức độ là đạt chuẩn, nâng cao và kiểu mẫu.

Cụ thể, đến năm 2025 phấn đấu có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó có khoảng 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Còn ở cấp thôn, phấn đấu có ít nhất 60% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí do cấp tỉnh quy định.

Với các mục tiêu trên, dự thảo “Đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025” đưa ra 2 kịch bản cho khả năng bố trí vốn ngân sách Trung ương, kịch bản 1 là khoảng hơn 39.000 tỷ đồng và kịch bản 2 là hơn 51.000 tỷ đồng.

Ở kịch bản 1, nếu khả năng bố trí vốn ngân sách Trung ương là khoảng 39.000 tỷ đồng thì mức hỗ trợ cho các xã sẽ bằng giai đoạn 2016-2020. Trong khi đó, nếu con số này là khoảng 51.000 tỷ đồng thì sẽ hỗ trợ được cho nhiều xã ở các khu vực khó khăn. Ngoài ra, còn hỗ trợ cho các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục hoàn thành và nâng cao các tiêu chí.

Là đơn vị chủ trì chương trình, Bộ NN-PTNT dự kiến đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến và đồng ý chủ trương Chính phủ trình Quốc hội khóa XV phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình giai đoạn 2021-2025 tại kỳ họp thứ nhất.

Bên cạnh đó, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đồng ý chủ trương trình Quốc hội thông qua phương án bố trí vốn ngân sách Trung ương cho Chương trình giai đoạn 2021-2025 là 51.500 tỷ đồng để đảm bảo duy trì bền vững những kết quả đạt được của chương trình và nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.

Theo baomoi.com