Chủ nhật, 29/12/2024, 07:37[GMT+7]

Nông thôn trở thành nơi đáng sống, nơi quay về

Chủ nhật, 15/08/2021 | 12:21:09
702 lượt xem
Gần đây, câu chuyện những đoàn người từ các thành phố trở về nông thôn để tránh dịch đặt ra nhiều suy ngẫm cho xã hội dưới các góc độ khác nhau.

Một tuyến đường ở xã nông thôn mới An Ðổ (huyện Bình Lục, Hà Nam).

Cùng thời điểm, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV đã thông qua nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với nhiều mục tiêu quan trọng được đặt ra cho phát triển nông thôn. Câu chuyện trên bàn nghị sự của Quốc hội và những gì đang diễn ra trong cuộc sống đều cho thấy vai trò quan trọng của nông thôn đối với sự ổn định và phát triển của đất nước.

Chứng kiến dòng người về quê tránh dịch, không ít người liên tưởng đến những năm tháng chiến tranh, khi nông thôn là nơi sơ tán, sinh sống, sản xuất, học tập, tránh bom đạn kẻ thù của nhiều thế hệ người Việt Nam sống tại các thành phố, đô thị bị tàn phá.

Đối với phần đông người Việt Nam, nông thôn không chỉ là nơi chôn rau cắt rốn, nơi gắn bó máu thịt, nuôi dưỡng tâm hồn, mà còn là chốn bình yên, nơi để quay về, không chỉ trong những dịp lễ, Tết, khi thành công mà cả những lúc thất bại, khó khăn...

Trong cơ chế thị trường và công cuộc công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, nông thôn cũng đang chịu nhiều tác động, trải qua nhiều xáo trộn. Bên cạnh những ngôi nhà khang trang, cao tầng mọc lên kín các làng quê là những kênh rạch, ao hồ đang ngày càng bị thu hẹp, đen ngòm nước thải. Bên cạnh những ti-vi, xe máy, internet, đồ điện tử đã trở thành vật dụng phổ biến đối với hầu hết mọi nhà là nền nếp, gia phong đang ngày càng mờ nhạt; khi đường làng ngõ xóm cứng hóa bằng bê-tông, tường gạch thay cho hàng rào là tình làng nghĩa xóm dường như cũng “cứng” hơn, không còn gần gũi, sẻ chia. Hai mặt của sự phát triển cứ song song tồn tại, khiến chúng ta vừa vui mừng, vừa lo ngại.

Định hướng nào cho sự phát triển nông thôn, để phát triển mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực? Câu trả lời chính là xây dựng nông thôn mới. Bộ tiêu chí nông thôn mới đã vạch ra hướng xây dựng nông thôn trong thời kỳ mới. Hơn mười năm cả nước sôi nổi thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, với những kết quả được đánh giá là “To lớn, toàn diện và mang tính lịch sử”, đã làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn.

Tuy nhiên, cuộc sống luôn vận động và có những đòi hỏi ngày càng cao. Ngay cả đối với những địa phương đã hoàn thành đầy đủ 19 tiêu chí và được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao thì dường như vẫn là chưa đủ. Nói như Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thì, bên cạnh việc “tạo cốt” (đầu tư xây dựng hạ tầng), để người nông thôn tiếp cận tiện ích của đô thị, cần giữ gìn và phát huy cái “hồn” để hình thành không gian sống, không gian sản xuất được bồi đắp cả nghìn năm nay. Phải xem nó là một thứ tài nguyên, là nguồn lực để phát triển nông thôn.

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua với nguồn lực đầu tư lớn, sẽ phủ kín tất cả 63 tỉnh, thành phố và không để trống bất kỳ địa phương nào, được kỳ vọng sẽ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tạo môi trường sống tốt đẹp cho người dân nông thôn. Bên cạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn để bảo đảm các tiêu chí nông thôn mới thì việc nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn và xây dựng môi trường sống trong lành, lành mạnh sẽ là những vấn đề được đặc biệt quan tâm trong chương trình này.

Nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn một cách bền vững là vấn đề không đơn giản, nhưng sẽ làm được nếu đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, lấy kinh tế nông thôn làm nền tảng để tạo ra động lực phát triển nông thôn; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật gắn với các mô hình nông nghiệp mới, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh; gắn với chuỗi giá trị ngành hàng, công nghệ sau thu hoạch, bảo quản, chế biến và phát triển thị trường...

Tạo môi trường sống nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại nhưng không mất đi giá trị và bản sắc văn hóa, không mất đi những nền nếp, truyền thống tốt đẹp, để “nông thôn trở thành nơi chúng ta đáng sống, nơi đáng tìm đến và nơi chúng ta quay về” mới là vấn đề cần nhiều tâm huyết, “chất xám” để giải quyết. Lời giải và cũng là bài học muôn thuở vẫn là phải khơi dậy và phát huy quyền làm chủ, sức mạnh của nhân dân, với ba trụ cột không thể tách rời: xây dựng nông thôn mới là căn bản, cơ cấu lại nông nghiệp là nền tảng, nông dân là chủ thể.

Theo nhandan.vn