Thứ 2, 30/12/2024, 00:42[GMT+7]

Thái Nguyên: 68 xã đạt chuẩn sau 5 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới

Thứ 2, 30/08/2021 | 14:38:14
553 lượt xem
Sau 5 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh Thái Nguyên đã có 68 xã đạt chuẩn, bằng 113,3% kế hoạch.

Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên kiểm tra thực tế xây dựng đường giao thông nông thôn mới tại huyện Đại Từ.

Trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung đầu tư, huy động mọi nguồn lực phát nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tương đối toàn diện trên các mặt nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, huy động nguồn lực xã hội hóa, phát huy sáng kiến và những chính sách xây dựng nông thôn mới phù hợp với thực tiễn địa phương. Tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách trong xây dựng nông thôn mới phù hợp với tình hình thực tế như: Hỗ trợ xi măng cho các địa phương xây dựng đường giao thông, kênh mương thủy lợi, hạ tầng khu sản xuất; ban hành thiết kế mẫu, thiết kế điển hình kênh mương thủy lợi, đường giao thông; đơn giản hóa trình tự, thủ tục thanh, quyết toán kinh phí thực hiện xây dựng nông thôn mới; triển khai dồn điền đổi thửa để xây dựng cánh đồng mẫu lớn; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao vào quá trình sản xuất giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác…

Đồng thời, phát huy hiệu quả, vai trò phản biện, giám sát của mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư đối với xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá thực chất kết quả xây dựng nông thôn mới. Qua đó, giúp phát hiện những khó khăn, vướng mắc của các địa phương, đơn vị; tiếp thu những kiến nghị, đề xuất và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện đồng thời phát hiện những cách làm hay, sáng tạo, những mô hình hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới để tuyên truyền và nhân rộng.

Nhờ vậy, hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn được ưu tiên đầu tư, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nổi bật là giao thông nông thôn, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa… cơ bản đã đồng bộ, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế tập thể từng bước được củng cố và phát triển, thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm…

Từ những phát triển tích cực trong xây dựng cơ sở hạ tầng và sản xuất nông thôn, nông nghiệp Thái Nguyên đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, đời sống người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.

Kết quả: Trong 5 năm qua (giai đoạn 2016 - 2020) toàn tỉnh Thái Nguyên đã có 68 xã đạt chuẩn nông thôn mới (bằng 113,3% kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020), vượt 8 xã so với kế hoạch; 3 xã đạt nông thôn mới nâng cao và 1 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. 3 đơn vị là thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công và thị xã Phổ Yên đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; Bên cạnh đó, huyện Phú Bình cũng đã có 100% số xã đạt chuẩn.

Trên cơ sở những kết quả quan trọng đã đạt được, tỉnh Thái Nguyên xác định giai đoạn 2020 - 2025 có 95% số xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có 40% số xã đạt nông thôn mới nâng cao, 10% số xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; 6 đơn vị cấp huyện trở lên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; bình quân các xã trong tỉnh đạt 18,5 tiêu chí/xã.

Để đạt được mục tiêu trên, Thái Nguyên cũng đã đề ra nhiều giải pháp mang tính đột phá, như: Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh trong giai đoạn tới; xây dựng cơ chế sử dụng nguồn thu từ đất để triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới; tranh thủ các nguồn lực của Trung ương, huy động các nguồn lực của tỉnh và xã hội hóa để xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, Thái Nguyên cũng tính tới việc nâng mức hỗ trợ đối với những huyện có điều kiện khó khăn; tạo cơ chế cho các địa phương khai thác vật liệu thông thường (đất, đá, sỏi ở sông, suối) để xây dựng kết cấu hạ tầng, góp phần giảm chi phí đầu tư; nâng mức hỗ trợ đối với các xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu cao hơn giai đoạn 2016 - 2020…

Ngoài ra, cũng sẽ thành lập quỹ hỗ trợ phát triển làng nghề để giúp các làng nghề được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất; cụ thể hóa chính sách hỗ trợ ngành nghề nông thôn và làng nghề theo Nghị định số 52/2018/NĐ-CP; cấp kinh phí hỗ trợ cho hoạt động thường xuyên của các hội, hiệp hội; hỗ trợ mô hình chuyển đổi sản xuất chè hữu cơ cho 200 hộ nông dân tại xã Phú Xuyên (Đại Từ) và xã Phúc Xuân (thành phố Thái Nguyên); xác định cơ chế về đất đai đối với các cơ sở giết mổ tập trung và trang trại chăn nuôi…

Theo baoxaydung.com.vn