Chủ nhật, 12/01/2025, 18:46[GMT+7]

Vĩnh Phúc: Trợ lực cho các địa phương trong xây dựng nông thôn mới

Thứ 4, 29/09/2021 | 17:41:20
775 lượt xem
Nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Tỉnh ủy – HĐND – UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cùng các địa phương thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Xây dựng nông thôn mới đã thay đổi bộ mặt nông thôn.

Năm 2021 với mục tiêu, Vĩnh Phúc có 100% các xã trung du, miền núi thuộc các huyện Tam Dương, Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô đạt chuẩn nông thôn mới theo chuẩn vùng Đồng bằng sông Hồng; 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 36 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Vĩnh tường được công nhận đạt chuẩn và các huyện Tam Đảo, Tam Dương hoàn thành điều kiện, tiêu chí, hồ sơ đề nghị thẩm tra huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Để đạt được các mục tiêu trên, cùng với quyết liệt thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế, các địa phương đã tập trung cao độ để thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Trợ lực cho các địa phương thực hiện nhiệm vụ này, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành 17 Nghị quyết về việc hỗ trợ thực hiện xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Cùng với đó, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 166/KH-UBND về thực hiện chương trình Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng, chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng tầm vóc Việt Nam và tỉnh đang xây dựng, đề nghị ban hành 4 cơ chế, chính sách; đã giao nhiệm vụ cho các Sở, ngành xây dựng mới 5 cơ chế chính sách có liên quan.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh, tiến độ thực hiện các tiêu chí xây ở một số địa phương còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra.

Cụ thể, đến nay, hầu hết các địa phương đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới vùng Đồng bằng sông Hồng trong năm 2021 mới hoàn thành các thủ tục phê duyệt dự án đầu tư, làm cơ sở đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí đối với các tiêu chí giao thông, nước sạch, cơ sở vật chất văn hóa. Trong số 11 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chỉ có 2 xã đạt 4/5 tiêu chí; 4 xã đạt 3/5 tiêu chí; 4 xã đạt 2/5 tiêu chí và 1 xã đạt 1/5 tiêu chí. Đối với 36 thôn đăng ký đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu, mới có 1 thôn đạt 9/9 tiêu chí; 18 thôn đạt 8/9 tiêu chí; 6 thôn đạt 7/9 tiêu chí; 7 thôn đạt 6/9 tiêu chí; 3 thôn đạt 4/9 tiêu chí.

Riêng huyện đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Vĩnh Tường đã hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định. Các huyện Tam Đảo, Tam Dương hoàn thành 9/9 tiêu chí; huyện Sông Lô đạt 8/9 tiêu chí, còn tiêu chí sản xuất chưa bảo đảm theo quy định.

Nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, nhất là về vốn, các thành viên ban chỉ đạo đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, điện chiếu sáng đường giao thông cho các xã thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; kinh phí hỗ trợ cho các xã trung du miền núi duy trì đạt chuẩn nông thôn mới theo chuẩn vùng đồng bằng sông Hồng. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện các nội dung của chương trình, nhất là xây dựng văn hóa trong khu dân cư, chỉnh trang, xây dựng đường làng, ngõ xóm, bảo đảm môi trường, cảnh quan xanh - sạch - đẹp.

Việc xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi bộ mặt khu vực nông thôn ngày càng khởi sắc. Trong thời gian tới, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục đẩy mạnh, tập trung nguồn lực, trong đó xác định nhân dân là chủ thể xây dựng nông thôn mới. Do vậy, nhiệm vụ quan trọng của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh hiện nay là xây dựng được các cơ chế, chính sách để tạo đòn bẩy, huy động sức dân, giúp các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí, hướng đến mục tiêu dựng nông thôn mới ở Vĩnh Phúc mang màu sắc, bản sắc riêng.

Tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện, Vĩnh Phúc có chủ trương hỗ trợ kinh phí cho các xã thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021, đồng ý lùi thời gian báo cáo đề án đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nghị quyết về xây dựng nông thôn mới nâng cao tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025 cho đến khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, các địa phương cùng phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan sớm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng mới 5 cơ chế, chính sách để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua; nghiên cứu nguồn lực đầu tư cụ thể cho giai đoạn 2021-2025; lùi thời gian hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn nâng cao của 11 xã và 36 thôn từ năm 2021 sang tháng 6/2022. Các huyện chủ động bố trí kinh phí cho các xã đăng ký hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, thôn nông mới kiểu mẫu.

Theo baoxaydung.com.vn