Thứ 7, 04/01/2025, 18:03[GMT+7]

Ninh Giang (Hải Dương): Khởi sắc sau 10 năm xây dựng nông thôn mới

Thứ 7, 16/10/2021 | 16:25:21
1,164 lượt xem
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn huyện Ninh Giang (Hải Dương) đã thay đổi vượt bậc, kinh tế phát triển khá, kết cấu hạ tầng khang trang, nhất là hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở trường học...

Cầu Chanh trên Quốc lộ 37 nối huyện Ninh Giang (Hải Dương) với huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng).

Huy động sức mạnh toàn dân

Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, đồng thời là cơ hội để phát triển, trong những năm qua, huyện Ninh Giang đã đạt được những thành quả quan trọng. Sau 10 năm nỗ lực thực hiện, đến năm 2020, 100% xã (19/19 xã) đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới.

Cấp ủy, chính quyền, ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới 2 cấp huyện, xã đã quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đặc biệt là phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Tổ chức lập, quản lý, thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch nông thôn mới. Chỉ đạo, tổ chức tốt các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội nâng cao đời sống Nhân dân. Tập trung huy động tốt mọi nguồn lực xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn và các công trình phúc lợi xã hội công cộng theo tiêu chí nông thôn mới, như: dồn điền đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng; xây dựng, nâng cấp đường giao thông nông thôn; kiên cố hóa trường lớp học; xây dựng các thiết chế văn hóa.

Trong 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn huyện đã huy động trên 3.813,5 tỷ đồng để hoàn thiện các công trình theo tiêu chí nông thôn mới, trong đó kinh phí do Nhân dân đóng góp, các doanh nghiệp ủng hộ 739,6 tỷ đồng. Việc huy động người dân và cộng đồng dân cư đóng góp xây dựng nông thôn mới được thực hiện dân chủ, công khai minh bạch, không có tình trạng huy động quá sức dân. Huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng hệ thống chính trị.

Bê tông hóa đường giao thông nông thôn tại xã Tân Hương.

Diện mạo mới trên vùng đất cũ

Nỗ lực xây dựng nông thôn mới, kinh tế - xã hội của huyện Ninh Giang đã có những chuyển biến rõ rệt. Năm 2020, tổng giá trị sản xuất đạt 12.285 tỷ đồng, tăng 9.006 tỷ đồng, so với năm 2010 cao gấp 3,74 lần. Trong đó, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 2.900 tỷ đồng, tăng 1.813 tỷ đồng (cao gấp 2,67 lần); giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng đạt 6.486 tỷ đồng, tăng 5,116 tỷ đồng (cao gấp 4,73 lần); giá trị sản xuất ngành dịch vụ 2.899 tỷ đồng, tăng 2.077 tỷ đồng (cao gấp 3,53 lần); tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13,3%/năm.

Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 52,4 triệu đồng, tăng 40,9 triệu đồng (cao gấp 4,56 lần so với năm 2010). Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 214,6 tỷ đồng, tăng 122,86 tỷ đồng (cao gấp 2,39 lần so với năm 2010).

Huyện đã quy hoạch, định hướng phân vùng kiểm soát quản lý phát triển trên các lĩnh vực: công nghiệp-dịch vụ, thương mại-nông nghiệp. Việc quản lý và thực hiện quy hoạch đảm bảo theo quy định, là cơ sở quan trọng trong việc bố trí, xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, quốc phòng-an ninh và phát triển đô thị, phát triển nông thôn bền vững.

Ninh Giang xác định phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp công nghệ cao áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật gắn với nâng cao giá trị sản xuất là mục tiêu then chốt. Huyện đã tập trung chỉ đạo, xây dựng, tổ chức thực hiện Đề án Phát triển trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, gắn với tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, Đề án Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp; thực hiện tốt chính sách của Trung ương và của tỉnh, có các chủ trương của huyện để khuyến khích hỗ trợ phát triển sản xuất. Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; cơ giới hóa các khâu làm đất, thu hoạch và hiện nay đang từng bước mở rộng diện tích cấy máy bằng mạ khay. Đặc biệt là đã tập trung chỉ đạo thực hiện quy vùng sản xuất lúa tập trung, xây dựng và duy trì được 90 vùng, diện tích mỗi vùng từ 30 ha trở lên tại tất cả các xã trong huyện, tổng diện tích trên 3.200 ha, được tổ chức sản xuất theo hình thức liên kết bao tiêu sản phẩm. Các giống lúa chất lượng cao chiếm trên 80% diện tích gieo cấy. Năng suất lúa bình quân đạt 12,09 tấn/ha/năm. Tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ các khâu làm đất - gieo cấy - thu hoạch lần lượt là 100% - 3,32% - 97%.

Kiên cố hóa kênh mương ở xã Hồng Phúc.

Ninh Giang đã xây dựng được một số vùng chuyên canh cây rau màu có giá trị kinh tế cao như: mô hình trồng ổi ở xã Hiệp Lực, mô hình trồng cam, bưởi Diễn ở xã Hồng Phong và một số mô hình liên kết sản xuất, mô hình sản xuất rau màu, nhà màng, nhà lưới kết hợp tới nước, bón phân tự động ở các xã trong huyện. Chăn nuôi, thủy sản tiếp tục có bước phát triển, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế trang trại tại khu chăn nuôi, thủy sản tập trung phía Bắc, phía Nam sông Cửu An và địa bàn các xã trong huyện; đang xuất hiện một số mô hình mới như nuôi cá lồng trên sông và nuôi cá sông trong ao mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2020, giá trị sản xuất trên 01 ha đất trồng trọt, nuôi trồng thủy sản đạt 152 triệu đồng (tăng 82 triệu đồng/ha so với năm 2010).

Huyện có Cụm công nghiệp Nghĩa An và Cụm công nghiệp Hồng Phúc - Hưng Long, tỷ lệ lấp đầy là 64%. Năm 2020, UBND tỉnh đã phê duyệt thêm 8 cụm công nghiệp thuộc Đồ án quy hoạch hai bên tuyến đường trục Bắc-Nam (với diện tích đất dành cho công nghiệp dự kiến khoảng 600ha), nâng tổng số cụm công nghiệp trên địa bàn huyện lên thành 10 cụm, đang triển khai thực hiện.

Ngoài các cụm công nghiệp, huyện thu hút 63 dự án đầu tư vào địa bàn với số vốn đăng ký ban đầu gần 2.900 tỷ đồng; thành lập mới 155 doanh nghiệp và có thêm gần 1.900 hộ kinh doanh. Tổng nguồn vốn đầu tư để phân bổ cho các công trình, dự xây dựng cơ bản hơn 760 tỷ đồng…

Đến nay, toàn bộ hệ thống giao thông trên địa bàn huyện được đảm bảo theo chuẩn nông thôn mới, trong đó 658,26 km đường huyện, đường xã, đường thôn được nhựa hóa, bê tông hóa; 250,34 km đường ngõ xóm được bê tông hóa, cứng hóa bằng đá cấp phối đảm bảo không lầy lội về mùa mưa; 232,57km đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm (trước năm 2011 chỉ có 677,54 km đường giao thông được cứng hóa, đạt 45,01%).

Tuyến đường ĐH01 thuộc địa bàn xã Đồng Tâm.

Các tuyến đường thủy nội địa, các bến thủy nội địa phục vụ vận chuyển hàng hóa đảm bảo các điều kiện theo quy định. Hệ thống đê điều, các công trình thủy lợi, hệ thống điện thường xuyên được đầu tư cải tạo, nâng cấp đáp ứng yêu công tác tưới tiêu, phòng chống thiên tai phục vụ tốt sản xuất và đời sống.

Các hoạt động dịch vụ, thương mại có bước phát triển. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm chăm lo. Chất lượng giáo dục có sự phát triển toàn diện, bền vững. Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe ban đầu nhân dân có nhiều tiến bộ, cơ sở vật chất, trang thiết bị, kỹ thuật phục vụ việc khám và chữa bệnh cho nhân dân được đầu tư nâng cấp. Công tác bảo đảm vệ sinh môi trường trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống dân sinh luôn được quan tâm thực hiện, thu gom xử lý rác thải bảo đảm đúng quy định. Đến nay, toàn huyện có 100% số hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 96% sử dụng nước sạch; 100% nhà ở của người dân đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng, không còn hộ gia đình ở trong nhà tạm, nhà dột nát. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nông thôn mới giảm còn 0,8%.

Tô thắm thêm truyền thống của quê hương

Nói về những đổi thay trên quê hương Ninh Giang, đồng chí Phạm Văn Khảnh - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy khẳng định, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ rệt. Quốc phòng - an ninh được tăng cường, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được củng cố vững chắc, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có những chuyển biến tích cực. Công tác xây dựng Đảng được thực hiện đồng bộ trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức. Đảng bộ huyện đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết chỉ thị, của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị số 03, 05 của Bộ Chính trị (khóa XI, XII), Kết luận số 01 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các quy định về nêu gương của Trung ương và của Tỉnh ủy. Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy tiếp tục được đổi mới; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng đảng viên ngày một được nâng lên, vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ đảng viên được phát huy. Năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền 2 cấp huyện và cơ sở được nâng lên. Công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được quan tâm thực hiện. Nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân có sự đổi mới, chất lượng và hiệu quả hơn, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố lòng tin của dân với Đảng.

Hằng năm, Đảng bộ huyện có từ 85- 90% tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, không có tổ chức cơ sở Đảng yếu kém; trên 80% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; 80% trở lên số chính quyền cơ sở, cơ quan đạt tiên tiến, trong đó có 15% đạt tiên tiến xuất sắc; trên 95 % công chức, viên chức, lao động đạt tiên tiến, trong đó 15% đạt tiên tiến xuất sắc.

Đặc biệt, cuối năm 2019, huyện đã tập trung chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; sáp nhập các thôn, khu dân cư; các đơn vị hành chính cấp xã (Ninh Giang là huyện có số đơn vị hành chính cấp xã thực hiện việc sáp nhập cao nhất của tỉnh Hải Dương, sáp nhập 14 xã thành 06 xã. Sau sáp nhập, huyện có 19 xã và 01 thị trấn, giảm 8 xã so với trước đây).

Lễ hội truyền thống Đền Quan Lớn Tuần Tranh tại xã Đồng Tâm.

Bí thư Huyện ủy Ninh Giang Phạm Văn Khảnh khẳng định, sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn huyện Ninh Giang đã thay đổi vượt bậc, kinh tế phát triển khá, kết cấu hạ tầng khang trang, nhất là hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở trường học,... Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục phát triển toàn diện, quy chế dân chủ cơ sở được thực hiện tốt; các di tích lịch sử và truyền thống văn hóa được giữ gìn và phát triển; hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố, kiện toàn; đời sống vật chất, tinh thần Nhân dân ngày càng được nâng cao. Những kết quả trên đã góp phần tạo nên những thành tựu quan trọng của Đảng bộ và Nhân dân huyện nhà trong 75 năm xây dựng và trưởng thành, đặc biệt là sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.

Với những nỗ lực và kết quả đã đạt được, một vinh dự lớn đã đến với Đảng bộ và Nhân dân huyện Ninh Giang: Ngày 09/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận huyện Ninh Giang đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Phần thưởng cao quý này của Đảng, Nhà nước là niềm tự hào, cổ vũ, động viên, khích lệ to lớn đối với cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong huyện, góp phần tô thắm thêm truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương Ninh Giang./.

Theo dangcongsan.vn