'Luồng gió mát lành' nông thôn mới dọc triền sông Đa Nhim
Dòng Ða Nhim khởi nguồn từ cao nguyên Lâm Viên. Trước khi xuôi dòng để hợp lưu với sông Ðạ Dâng rồi xuôi về vùng Ðông Nam Bộ thành sông Ðồng Nai, dòng Ða Nhim nằm trọn trong lòng bồn địa Ðơn Dương, miệt mài bồi đắp phù sa cho đôi bờ. Dọc triền con sông ấy cũng là nơi chứng kiến những cuộc gặp gỡ giữa văn hóa các dân tộc Chu Ru, Cơ Ho, Raglai, Kinh… và vun bồi thành vùng đất Ðơn Dương trù phú hôm nay. Dòng sông ấy giữ vai trò như biên giới tự nhiên, chia Ðơn Dương thành hai địa bàn cư trú bờ bắc và bờ nam. Các xã bắc sông là Lạc Lâm, Lạc Xuân, thị trấn Thạnh Mỹ... và các xã Ka Ðô, Ka Ðơn, Quảng Lập, Tu Tra, Pró thuộc nam sông.
Những ai lâu không tìm về vùng đất bên dòng sông huyền thoại này, sẽ rất khó nhận ra vùng đất mưa nắng dãi dầu của những ngày xưa cũ. Luồng gió mát lành nông thôn mới thổi về, hơn 10 năm bắt tay kiến tạo đã giúp cho người dân vốn quen với gốc rơm, cuống rạ, sấp mặt trên những luống rau ngoài trời nơi đây cảm nhận rõ ràng hơn sự ấm no, đủ đầy. "Ðời sống người dân Ðơn Dương giờ không khác thị thành là mấy, nhà cao tầng, xe hơi đã xuất hiện nhiều ở các thôn, buôn; người già chăm lo giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; con em chăm lo học hành… Giờ về buôn làng vui lắm", đứng trên cầu Ka Ðô nhìn về miền xanh thăm thẳm dọc đôi bờ Ða Nhim, chị Tou Prong Nai Khoan, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ðơn Dương say sưa kể.
Cũng giống bao người con dân tộc Chu Ru sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, già làng Tou Prong Zdung, nguyên Chủ tịch UBND xã Ka Ðô, chưa bao giờ quên những ký ức gắn với dòng sông huyền thoại. Già nói, xưa, bà con nơi đây chỉ biết trồng bắp, trồng lúa một vụ sống qua ngày, cái đói mùa giáp hạt đeo bám triền miên. "Mới hơn chục năm thôi, giờ ra đồng, ra đường bà con đều cảm thấy sung sướng. Cây lúa, cây bắp đã dần được thay thế bằng cây rau, cây hoa công nghệ cao. Nhiều người ở các buôn làng còn ngồi ở nhà tưới vườn, châm chất dinh dưỡng cho cây qua điện thoại, hiện đại lắm", già Zdung chia sẻ.
Ðang điều khiển hệ thống tưới trong trang trại trồng rau công nghệ cao của gia đình, anh nông dân thế hệ mới Quách Ðại, chủ Pax Farm, xã Ka Ðô bày tỏ: "Thế hệ mình được hưởng thành quả của huyện nông thôn mới. Xưa, không có việc thì về cuốc đất. Nhưng nay thì khác, cuốc đất phải có tri thức, có sự đầu tư. Giới trẻ bây giờ khác nhiều, mạnh dạn làm cái mới, để xây dựng thế hệ nông dân kiểu mới, làm giàu trên chính mảnh đất cha ông mình".
Sản xuất hoa cao cấp tại trang trại Dalat Hasfarm, Ðơn Dương (Lâm Ðồng).
Ka Ðô đã được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu. Trên cung đường về trung tâm xã nam sông này, Bí thư Ðảng ủy xã Huỳnh Văn Quang kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện trên hành trình xây dựng nông thôn mới. Ka Ðô có chín thôn, trong đó có năm thôn đồng bào dân tộc thiểu số, dân số gần 13 nghìn người. Trước đây, đời sống bà con còn nhiều khó khăn. Sau hơn 10 năm chung tay xây dựng nông thôn mới, sức sống mới đã tràn về trên những ngõ làng, xã giờ không còn hộ nghèo.
Theo đồng bào dân tộc thiểu số bản địa cắt nghĩa, Ða Nhim là nước mắt. Nước mắt của sơn nữ trong mối tình huyền thoại xứ cao nguyên Lang Biang, được truyền tụng từ bao đời nay quanh bếp lửa của người Chu Ru, Cơ Ho bản địa. Giờ đây, dòng lệ huyền sử ấy vẫn chảy cạn lòng qua hai mùa mưa nắng, phủ tràn đôi bờ bắc - nam huyện nông thôn mới Ðơn Dương. Ðứng trên triền núi cao, quốc lộ 27 uốn lượn, chạy dọc theo dòng Ða Nhim xanh mát. Những ngôi nhà lớn được bao bọc với những vườn rau, khung cảnh như tranh. Có lẽ, tất cả phù sa nơi con sông ấy đã dành trọn bồn địa Ðơn Dương.
Ðến xã Lạc Lâm, cạnh quốc lộ 27 và dòng Ða Nhim, chúng tôi cảm nhận sự rộn ràng của nhịp sống mới. San sát nhà cao tầng, nhà hàng, cửa hiệu; bên lưu vực dòng sông ấy là những vườn rau công nghệ cao, những nông phu thư thái thăm vườn; những lữ khách say sưa chụp ảnh giữa vườn cà chua mùa trĩu quả… Trong nhà kính, nhà nông Bùi Ngọc Cung đang bấm nút tưới vườn. Ông Cung được xem là thế hệ nhà nông hiện đại, từng nhiều lần được địa phương chọn, tạo điều kiện cho "du học" tìm hiểu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở các nước có nền nông nghiệp phát triển. "Xưa, làm nông nghiệp dãi dầu lắm, đủ ăn là tốt lắm. Giờ thì khác, nông nghiệp công nghệ cao, chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi diện mạo nơi đây… Mức sống ở đây đã không khác gì thành phố", ông Cung bộc bạch.
Ông Trương Quang Kiên, Chủ tịch UBND xã Lạc Lâm, một người con sinh ra trên mảnh đất này, bảo rằng, nhờ dòng nước mát lành sông Ða Nhim tưới tắm ruộng vườn, cùng ý chí, khát vọng của người dân và sự quan tâm của các cấp, các ngành, nay Lạc Lâm đã là "nửa thành thị, nửa nông thôn"; xã không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người gần 75 triệu đồng và đã đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Qua hơn 10 năm gây dựng huyện nông thôn mới thấm đẫm vị mặn mồ hôi, giờ là lúc nhân dân Ðơn Dương được hưởng những "quả ngọt". Tiếng vó ngựa gõ ròn trên đường bê-tông nội đồng đã thay bằng tiếng ô-tô; tổng diện tích sản xuất rau, hoa công nghệ cao đạt hơn 11 nghìn ha, chiếm 94% diện tích đất canh tác toàn huyện; tổng đàn bò sữa hơn 16 nghìn con; ba vùng nông nghiệp được công nhận ứng dụng công nghệ cao; năm đặc sản được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh; y tế, giáo dục, môi trường đều đạt chuẩn; an ninh - chính trị luôn được giữ vững… Vùng đất lành đã thu hút hơn 350 doanh nghiệp đăng ký đầu tư, kinh doanh. Bí thư Huyện ủy Ðơn Dương Trương Văn Tùng cho biết, Ðơn Dương từng liệt vào danh sách huyện nghèo của tỉnh. Giờ bộ mặt nông thôn và đô thị đổi thay rõ nét, thu nhập bình quân đầu người đạt 75 triệu đồng; hộ nghèo giảm còn 0,4%. "Trước đây, 30% dân số là hộ nghèo. Cây bắp, cây lúa gắn với đời nông phu bấp bênh năm tháng. Giờ hộ khá giả rất nhiều. Năm 2021, danh sách đăng ký hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi nối dài lên hơn 12 nghìn gia đình", Bí thư Huyện ủy Ðơn Dương cho biết.
Ðơn Dương được công nhận đạt huyện nông thôn mới đầu tiên ở Tây Nguyên vào năm 2015. Theo ông Trương Văn Tùng, thành quả đó chính là "ý Ðảng hợp lòng dân", phát huy sức mạnh đoàn kết trong toàn huyện. Hôm nay, từ thị trấn D’ran đi dọc triền sông Ða Nhim đều thấy Ðơn Dương đã khác, những ngôi nhà cao tầng, những biệt thự chạy dọc các cung đường trải nhựa; những vườn rau, hoa công nghệ cao nối tiếp, xen cài... Có lẽ, nguồn "phù sa" ấy chính là trí tuệ, khát vọng của những thế hệ đã vun bồi trên mảnh đất này, nối tiếp nhau "gieo" xuống đôi bờ Ða Nhim sức sống mới.
Ở Ðơn Dương, rau và hoa là đặc sản, rau đã nuôi sống cư dân từ hàng chục năm trước. Giờ và còn mãi về sau, có lẽ đặc sản rau, hoa công nghệ cao và bò sữa Ðơn Dương sẽ mang về sự sung túc cho hơn 107 nghìn cư dân phía phù sa Ða Nhim đắp bồi.
Ðơn Dương được Trung ương chọn xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh, giai đoạn 2019 - 2025. Huyện đề ra mục tiêu, đến năm 2025 có 95% diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh; giá trị sản xuất mỗi héc-ta đạt 240 triệu đồng; tất cả tám xã đạt nông thôn mới nâng cao, hai thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh và thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 100 triệu đồng… "Sắp tới, chúng tôi sẽ lựa chọn, hỗ trợ các nhà nông tiêu biểu đi học tập ở nước ngoài về nông nghiệp thông minh để đáp ứng điều kiện hiện nay tại địa phương", Bí thư Huyện ủy Trương Văn Tùng cho biết.
Dòng Ða Nhim xuôi dọc địa phận Ðơn Dương đã tận hiến cho mảnh đất này những tinh túy, cùng người dân trải cuộc mưu sinh. Con nước huyền thoại ấy đã hòa với đất của núi thiêng T’rôm Ụ để làm nên nghề gốm K’răng Gọ nức tiếng một thời. Ði dọc triền sông ấy để được hòa nhịp vũ điệu tamya quyến rũ của người Chu Ru; những câu yal yau, lah long thao thiết của người Cơ Ho hòa cùng dân ca ba miền đất nước.
Dòng Ða Nhim vẫn miệt mài chảy qua hai mùa mưa nắng và dọc triền sông huyền thoại ấy là bức tranh nông thôn mới đủ đầy.
Theo nhandan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Một số giải pháp thúc đẩy CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn ở huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội 28.10.2024 | 11:31 AM
- Mường Thàng trước cơ hội bứt phá: Bài 1 - Những điểm sáng thực hiện nghị quyết của Đảng 11.10.2023 | 16:52 PM
- Huyện Đan Phượng (Hà Nội): Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới 04.06.2022 | 23:54 PM
- Giải bài toán rác thải sinh hoạt nông thôn 22.12.2021 | 13:55 PM
- Hà Nội: Tích cực triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025 19.07.2021 | 09:47 AM
- Tuổi trẻ cả nước ra quân làm đường, xây cầu thắp sáng những miền quê 18.07.2021 | 20:55 PM
- Đồng lòng hiến đất để làm đường liên thôn, liên xã ở Đắk Nông 17.07.2021 | 15:47 PM
- Hà Nội sẽ ban hành bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao 17.07.2021 | 15:47 PM
- Huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An): Phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực phấn đấu về đích huyện nông thôn mới năm 2021 16.07.2021 | 15:00 PM
- Nam Định: Phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên ở xã vùng giáo 15.07.2021 | 14:49 PM
Xem tin theo ngày
- Đánh giá kết quả triển khai công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
- Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội: Trao quà tết tại huyện Vũ Thư
- Đồng chí Bộ trưởng Bộ Công Thương cùng các doanh nghiệp trao quà tết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh
- Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương: Thăm, chúc tết tỉnh Thái Bình
- Gặp mặt lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; thứ trưởng và tương đương trở lên đang công tác tại các bộ, ngành, địa phương; các tướng lĩnh và một số doanh nhân là người Thái Bình
- Trao quà tết cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn
- Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội trao quà tết tại Thái Bình
- Công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng công nhận thị trấn Tiền Hải mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Gặp mặt cán bộ, hội viên Câu lạc bộ Lê Quý Đôn