Thứ 4, 08/01/2025, 04:35[GMT+7]

Hà Nội: Nâng cao hiệu quả xây dựng nông thôn mới

Thứ 7, 13/11/2021 | 17:50:08
944 lượt xem
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, UBND thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp nhằm tạo điều kiện giúp người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình, mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM).

Sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tại thị xã Sơn Tây (Hà Nội).Ảnh: ANH SƠN

Qua đánh giá, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trên địa bàn thành phố Hà Nội đang diễn ra khá nhanh, với nhiều giống cây phong phú. Trong đó có nhiều cây trồng cho giá trị kinh tế cao và có lợi thế cạnh tranh trên thị trường giúp các hộ dân nâng cao hiệu quả sản xuất.

Sinh kế mới cho người nông dân

Thu nhập một ngày của bà Lâm Thị Đường, thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên dao động từ 120 đến 150 nghìn đồng/ngày. Đây là số tiền không nhỏ mà những người tuổi đã cao như bà Đường có thể kiếm được nhờ vào công việc bóc vỏ hạt sen thuê cho Công ty HVN AGRI chuyên trồng sen giống Nhật Bản đóng trên địa bàn. Số tiền này cao hơn so với thu nhập từ trồng lúa lại không cần bỏ vốn cho nên những người cao tuổi, phụ nữ trong thôn và các địa bàn lân cận rất phấn khởi.

Ngoài bóc vỏ hạt sen thuê, phụ nữ ở thôn Nam Quất còn tham gia vào quá trình trồng, chăm sóc và thu hoạch sen. Theo Bí thư xã Nam Triều Phùng Thế Dũng, do lao động trẻ khỏe đều đi làm ăn xa, nhiều làng, xã chỉ còn lại người già, trẻ nhỏ và phụ nữ cho nên việc gieo cấy, canh tác nói chung hầu như không phát triển. Nhận được sự đồng thuận từ phía người dân, UBND huyện, thành phố, xã đã mạnh dạn cho Công ty HVN AGRI thuê lại số diện tích đất lúa kém hiệu quả để trồng sen Nhật Bản kết hợp nuôi cá. Sau hai năm triển khai, cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với trồng lúa.

Hiện tại Công ty HVN AGRI đã phát triển diện tích trồng sen khoảng 8 ha, thu hơn 30 tấn hạt sen/vụ/năm. Chỉ tính riêng thu nhập từ mô hình trồng sen chưa trừ các khoản chi phí đạt từ 1,5 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, nguồn lợi từ nuôi cá kết hợp cũng cho doanh thu không nhỏ.

Chuyển đổi mô hình đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây mới cho thu nhập cao theo hướng bền vững cũng là lựa chọn của Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (Hợp tác xã Thanh Hà), huyện Thường Tín. Theo Giám đốc Bùi Thị Thanh Hà, hợp tác xã đang sở hữu 2,1 ha rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, cho thu nhập năm sau luôn cao hơn năm trước khoảng từ 20% đến 30%. Cụ thể, năm 2020 doanh thu hợp tác xã sau khi trừ chi phí các loại đạt 4,5 tỷ đồng, ước tính năm 2021 đạt khoảng từ 6 đến 7 tỷ đồng. Đây là doanh thu không nhỏ đối với một hợp tác xã nông nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19 hoành hành trong nhiều tháng qua.

Trong thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách, hoạt động sản xuất rau sạch của Hợp tác xã Thanh Hà vẫn hoạt động bình thường trong điều kiện bảo đảm an toàn chống dịch. Bà Đỗ Thị Hà, thôn Văn Hội, xã Văn Bình chia sẻ, thời gian thực hiện giãn cách xã hội do dịch, nhiều công việc của địa phương phải dừng hoạt động, nhưng hợp tác xã thì không bị ảnh hưởng, thu nhập giữ ổn định từ 5 đến 7 triệu đồng, cho nên tôi rất phấn khởi. Rõ ràng, sinh kế mới đã mang đến cuộc sống đủ đầy hơn cho người dân địa phương.

Hướng đến sự phát triển bền vững

Nhớ lại những ngày đầu Công ty HVN AGRI đặt vấn đề thuê đất với UBND xã Nam Triều và thương thảo với bà con nông dân. Ai cũng nghĩ, cho công ty thuê đất trồng sen sẽ không thể trồng lúa, lại sợ thời gian thuê lâu, việc lấy lại ruộng gặp nhiều khó khăn. Nhưng khi đã trải qua hai vụ sen, thì những lo lắng ban đầu đã không còn nữa. Giờ đây mỗi hộ dân cho công ty thuê đất ngoài được trả tiền thuê đất 300 nghìn đồng/sào/vụ, họ còn trở thành công nhân thời vụ của công ty.

Phó Giám đốc Công ty HVN AGRI Trần Văn Khang cho biết, việc trồng sen giống Nhật Bản đã mở ra cơ hội kinh doanh tốt cho công ty với nhiều mặt hàng chủ lực: hạt sen, củ sen, tâm sen và lá sen. Hiện tại, công ty đang đề nghị chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện để mở rộng quy mô, xây dựng thêm các khu sơ chế, chế biến và đóng gói sản phẩm. Đồng thời, mở hướng phát triển du lịch cộng đồng, cho thuê địa điểm là các đầm sen để du khách check in, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động và góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Còn tại Hợp tác xã Thanh Hà, việc thuê đất mở rộng diện tích nhà xưởng, dây chuyền bảo quản, đóng gói sản phẩm cũng đang được đẩy mạnh. Hiện tại hợp tác xã chú trọng đầu tư công nghệ cao vào quá trình sản xuất như: thu hoạch tự động, bảo quản. Tuy nhiên, cũng giống như Công ty HVN AGRI, việc thuê đất của người dân cũng đang gặp không ít khó khăn, do thời gian thuê đất ngắn (từ 2 đến 3 năm) trong khi việc đầu tư và thu hồi vốn chậm nhất từ 4 đến 5 năm, cho nên hợp tác xã không thể đẩy mạnh đầu tư khoa học công nghệ.

Trưởng phòng kinh tế huyện Thường Tín Từ Đức Mạnh cho biết, huyện đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, giảm chi phí, tăng thu nhập cho người dân. Tính đến thời điểm hiện tại đã chuyển 425 ha đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các loại cây cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Ghi nhận từ thực tiễn, tại những diện tích chuyển đổi cho giá trị kinh tế gấp từ 3 đến 5 lần sản xuất thông thường. Đây cũng là nguồn lực nội sinh để huyện Thường Tín trở thành huyện sở hữu số lượng sản phẩm OCOP top đầu thành phố.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, đổi mới mô hình sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là khâu quan trọng góp phần xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. Chính vì thế, để nâng cao hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thành phố sẽ đẩy mạnh quy hoạch vùng sản xuất; huy động các nguồn lực từ các chương trình, dự án hỗ trợ về nguồn vốn, giống, vật tư nông nghiệp, kỹ thuật. Đồng thời, tăng cường mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, bảo vệ thực vật, tổ chức hội nghị đầu bờ, hội thảo để nhân rộng những cách làm hay, mô hình sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao.

Bên cạnh đó là xây dựng các vùng chuyển đổi cây trồng gắn kết với các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản; đẩy mạnh đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm nông sản gắn với Chương trình OCOP kết hợp tăng cường xúc tiến thương mại quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hy vọng với những cách làm hiệu quả nêu trên, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của thành phố ngày càng phát triển theo chiều sâu, bền vững hơn.

Theo nhandan.vn