Thứ 6, 27/12/2024, 10:25[GMT+7]

Xây dựng nông thôn mới ở khu vực miền núi

Thứ 3, 30/11/2021 | 09:09:05
732 lượt xem
Khu vực miền núi phía tây chiếm khoảng hai phần ba diện tích tự nhiên của các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Đặc thù điều kiện địa lý cùng xuất phát điểm thấp đã tạo ra những rào cản, khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Ngoài nghị lực, khát vọng vươn lên của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương, rất cần “cú huých” mạnh từ cơ chế, chính sách để “hóa giải” những trở ngại tại khu vực miền núi, rẻo cao còn lắm khó khăn này.

Diện mạo xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) khởi sắc nhờ xây dựng nông thôn mới. Ảnh: THÀNH CƯỜNG

Bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, vì vậy các địa phương ở khu vực miền núi, rẻo cao Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã thận trọng lựa chọn bước đi phù hợp với thực tiễn tình hình địa phương.

Sáng kiến xây dựng bản nông thôn mới (NTM) là cách làm hiệu quả, góp phần khơi dậy sức dân, chuyển tâm thế của bà con dân bản từ thụ động sang chủ động trong xây dựng NTM.  

Dễ làm trước, khó làm sau

Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Thanh Hóa, Bùi Công Anh cho biết, trong tổng số 573 xã xây dựng NTM tại tỉnh có 211 xã ở khu vực miền núi và 102 xã thuộc bảy huyện nghèo 30a. Các xã miền núi đều có địa bàn rộng, dân cư phân bố rải rác, tỷ lệ hộ nghèo cao, mặt bằng dân trí cũng như nhận thức của người dân về chương trình NTM còn hạn chế. Vì vậy, xây dựng xã đạt chuẩn NTM ở khu vực miền núi, rẻo cao cùng lúc rất khó khả thi. Qua nghiên cứu, khảo sát thực tiễn xây dựng NTM ở khu vực miền núi thấy rằng, 14 trong số 19 tiêu chí liên quan trực tiếp đến thôn, bản. Đặc biệt, các công trình hạ tầng đầu tư ở thôn, bản có kinh phí ít hơn cấp xã, phù hợp khả năng huy động sức dân và dễ bố trí nguồn lực. Do đó, Thanh Hóa lựa chọn cách thức xây dựng NTM theo phương châm “dễ làm trước, khó làm sau” hướng đến mục tiêu có nhiều thôn, bản đạt chuẩn NTM sẽ có xã đạt chuẩn NTM. 

Năm 2013, huyện Bá Thước lựa chọn thôn Tôm, xã Ban Công thí điểm, đột phá triển khai xây dựng bản NTM đầu tiên ở Thanh Hóa. “Vạn sự khởi đầu nan” nên việc lựa chọn cách thức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con làm NTM được cấp ủy, chính quyền chú trọng. Theo Bí thư Huyện ủy Bá Thước Bùi Văn Lưỡng, thực hành quy chế dân chủ, chi ủy, ban công tác mặt trận thôn Tôm đã bàn bạc, thống nhất lựa chọn những tiêu chí dễ, ít nguồn lực làm trước; phát huy trách nhiệm nêu gương của 28 đảng viên trong chi bộ thôn Tôm. Đảng viên phải là người đi đầu, bước trước trong việc thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng NTM; phải lấy sản phẩm, hiệu quả xây dựng nông thôn của nhà mình, của cộng đồng để tuyên truyền, hướng dẫn bà con thôn bản làm theo. Cùng với tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ Chương trình 135, 30a, chính sách kích cầu phát triển giao thông nông thôn của tỉnh, ban công tác mặt trận thôn Tôm động viên nhân dân hiến đất, mở đường, xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu. Sau một năm triển khai thực hiện, thôn Tôm đã tiệm cận 14 tiêu chí bản NTM. Thành công từ thôn Tôm-điểm khởi đầu xây dựng thôn, bản NTM, tỉnh Thanh Hóa đã nhân rộng, xây dựng thành công  577 thôn, bản và 49 xã ở khu vực miền núi đạt chuẩn NTM; huyện Như Xuân là một trong bảy huyện 30a ở Thanh Hóa đã thoát nghèo vào năm 2018.

Từ Thanh Hóa, phong trào xây dựng thôn, bản NTM lan sang Nghệ An và địa phương này đạt được kết quả đáng phấn khởi với 898 thôn bản, 49 xã thuộc huyện nghèo 30a, miền núi đạt chuẩn NTM. Chúng tôi đến bản Huồi Cọ, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương, một bản cheo leo ở vùng phên giậu với 100% đồng bào dân tộc H’Mông, đang chuẩn bị đón lưới điện quốc gia để hoàn thành xây dựng NTM. Trưởng bản Huồi Cọ Và Khủa Đớ khoe, nhờ phong trào xây dựng bản NTM mà Huồi Cọ đã trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế-xã hội ở vùng biên cương đầy gian khó này. Ngoài các mô hình chăn nuôi, trang trại, bản đã phát triển được hơn 50 ha gừng, bí, sắn, ngô, khoai sọ, dưa cho thu nhập 50 triệu đến 70 triệu đồng/ha. Đời sống của bà con trong bản ngày một được nâng cao; cả bản hầu như không còn hộ nghèo, cận nghèo. Huồi Cọ còn được biết đến là bản hiếu học, khi tất cả các cháu trong độ tuổi đi học đều được đến trường và nhiều cháu đậu các trường đại học, cao đẳng. Để có kết quả đáng mừng này, theo Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai, Lữ Ngọc Tinh, trong quá trình triển khai lập kế hoạch xây dựng bản NTM, địa phương đã xác định rõ những lợi thế, khó khăn, xây dựng mục tiêu, nội dung công việc cần thực hiện, nhu cầu kinh phí và thời gian thực hiện. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn bà con chú trọng, quan tâm việc phát triển sản xuất, đưa các giống cây trồng có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao vào sản xuất... “Tiếp theo Huồi Cọ, xã tiếp tục chỉ đạo hai bản Thẳm Thẩm và Nhôn Mai xây dựng NTM”, Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai cho biết thêm.

Vượt qua chính mình 

Phó Chủ tịch UBND huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An) Nguyễn Hữu Hiến cho biết, tháng 3/2016, tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định 1263/QÐ-UBND với 15 tiêu chí thôn, bản đạt chuẩn NTM và chọn bản Bãi Sở, xã Tam Quang làm điểm xây dựng thôn, bản NTM của tỉnh. Nhờ chú trọng phát huy vai trò chủ thể của người dân, nhất là để người dân tự bàn bạc, thống nhất và quyết định các nội dung công việc theo 15 tiêu chí và 39 chỉ tiêu của UBND tỉnh đã ban hành, bản Bãi Sở đã sớm về đích NTM. Sau đó, các bản: Tam Bông, Khe Bố, Bải Xa… lần lượt đạt bản NTM và Tam Quang là xã biên giới đầu tiên ở Nghệ An đạt chuẩn NTM vào năm 2017. Từ Tam Quang, phong trào xây dựng thôn, bản NTM lan ra mạnh mẽ trong huyện Tương Dương rồi đến các huyện miền núi khác như: Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông, Quỳ Hợp,... với nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp thực tiễn địa phương, nhất là trong phát triển sản xuất và xây dựng giao thông nông thôn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Hoàng Nghĩa Hiếu chia sẻ, bên cạnh những thuận lợi, nhiệm vụ xây dựng bản NTM gặp không ít khó khăn, nhất là việc thay đổi tư duy, nhận thức của cán bộ, nhân dân về cách làm NTM. Do những đặc thù về điều kiện địa lý và xuất phát điểm, từ trước đến nay, người dân được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước như: chính sách đối với huyện nghèo 30a, vùng đặc thù khó khăn 135... Trong khi đó, phương thức xây dựng bản NTM, Nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng, hỗ trợ mang tính kích cầu, thậm chí khi đạt bản, xã NTM, các địa phương, thôn bản sẽ không còn được thụ hưởng các “gói” ưu đãi đặc thù như trước.  Chủ tịch UBND xã Tam Quang (Tương Dương) Kha Thị Hiền cho biết, năm 2017 sau khi đã đạt chuẩn NTM, cán bộ, công chức và người dân xã Tam Quang không còn được thụ hưởng chế độ hỗ trợ đối với xã đặc biệt khó khăn như trước đây như: hỗ trợ tiền học phí, điện, bảo hiểm xã hội, phụ cấp thu hút, phụ cấp công tác... Sự thay đổi này tác động không nhỏ đến quá trình xây dựng xã NTM nâng cao. Tuy nhiên, khi đánh giá lại những giá trị mà NTM mang đến như: Hạ tầng khang trang, diện mạo nông thôn thay đổi, kinh tế phát triển, đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng tăng lên, đa phần cán bộ, nhân dân lại hứng khởi bắt tay vào xây dựng xã NTM nâng cao. Đồng quan điểm trên, ông Lương Văn Toàn ở bản Bủng, xã Yên Thắng (Tương Dương) cho rằng, nếu không làm NTM, không tiếp thu kỹ thuật sản xuất mới, nhất là không bỏ công sức, của cải để nuôi thêm gia súc, gia cầm, trồng thêm rừng thì cuộc sống của bà con dân bản sẽ không khấm khá như hôm nay. So cái lợi trước mắt và lâu dài, chúng tôi sẵn lòng từ bỏ những chính sách hỗ trợ đặc thù trước đây. 

Nhằm kịp thời động viên, hỗ trợ người dân vượt qua chính mình, các địa phương đã mở các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng làm NTM cho cán bộ từ huyện đến thôn, bản; ban hành chính sách khen thưởng, khơi dậy vai trò chủ thể trong nhân dân, đồng thời kêu gọi, vận động các sở, ngành, doanh nghiệp đỡ đầu, hỗ trợ bà con dân bản xây dựng NTM. Tại tỉnh Thanh Hóa, triển khai chương trình kết nghĩa, hợp tác của tỉnh, huyện Thọ Xuân trợ giúp các xã, thôn, bản ở Thường Xuân gần 1,9 tỷ đồng, chỉ đạo các tổ chức trong khối đoàn thể kết nghĩa, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, hợp tác, trợ giúp đoàn viên, hội viên, người nghèo ở địa phương bạn nỗ lực vượt khó, vươn lên. Tiếp đó Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Sở Y tế, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục được phân công giúp đỡ các xã ở huyện Thường Xuân có tỷ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên. Đồng hành thực hiện mục tiêu giảm nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau, các doanh nghiệp trợ giúp huyện Thường Xuân hơn 40 tỷ đồng xây dựng trường học, tặng 470 con bò sinh sản, 1.000 tấn xi-măng, hỗ trợ giúp hộ nghèo khắc phục hậu quả thiên tai, cải thiện cuộc sống. Điều ghi nhận người dân ở huyện Thường Xuân không chỉ luôn nỗ lực vượt khó, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, không trông chờ, ỷ lại mà còn khá năng động trong cơ chế thị trường, liên kết tổ chức sản xuất. Điển hình như việc người dân ở xã Lương Sơn (Thường Xuân) đã năng động nhân rộng diện tích trồng cây dược liệu cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha, cung ứng cho nhà máy chế biến tại địa bàn.

Theo nhandan.vn