Chủ nhật, 22/12/2024, 20:04[GMT+7]

Thanh Hóa: Chung tay đưa huyện Nông Cống về đích Nông thôn mới

Thứ 2, 20/12/2021 | 16:14:24
465 lượt xem
Là một trong những địa phương còn nhiều khó khăn nhưng huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa quyết tâm về đích Nông thôn mới.

Lãnh đạo tỉnh và huyện kiểm tra công tác về đích Nông thôn mới tại huyện Nông Cống.

Nông Cống là huyện đồng bằng, nằm ở phía Tây Nam tỉnh Thanh Hóa, cách thành phố Thanh Hóa 25km, phía Bắc giáp các huyện Đông Sơn và Triệu Sơn, phía Nam giáp huyện Như Thanh và Thị xã Nghi Sơn, phía Tây giáp huyện Như Thanh, phía Đông giáp huyện Quảng Xương và thị xã Nghi Sơn. Diện tích tự nhiên 28.511,46ha, trong đó: Đất nông nghiệp 18.352,90ha chiếm 63,95%, đất phi nông nghiệp là 8.837,77ha, chiếm 31,53%, còn lại 4,52% là đất khác;

Địa hình của huyện được bao bọc bởi hệ thống sông Yên, gồm 4 con sông: Sông Chuối, sông Hoàng, sông Nhơm và sông Thị Long; có tuyến đường sắt Bắc Nam, Quốc lộ 45, Quốc lộ 47C, đường cao tốc Bắc Nam, cùng với hệ thống đường Tỉnh lộ 525, 505, 517 và đường kết nối sân bay Sao Vàng Thọ Xuân đi khu kinh tế Nghi Sơn thuận lợi cho giao thương, buôn bán, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Sau 11 năm triển khai thực hiện, được sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các Sở, ban, ngành, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh, sự nỗ lực với quyết tâm phấn đấu cao của toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, huyện Nông Cống đã đạt được những kết quả quan trọng. Đến nay, huyện có 100% (28/28) xã đạt chuẩn Nông thôn mới, 03 xã đạt Nông thôn mới nâng cao và đạt 9/9 tiêu chí huyện Nông thôn mới; hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân.

Cơ cấu giá trị sản xuất các ngành kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng ngành Nông – Lâm - Thủy sản; tăng giá trị các ngành Công nghiệp, Xây dựng và dịch vụ, thương mại. Tính đến ngày 30/6/2021, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 46,5 triệu đồng (gấp 3,96 lần so với năm 2010), cao hơn bình quân chung toàn tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 1,28%, thấp hơn bình quân chung toàn tỉnh, giảm 20-10% so với khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình (trong đó tỷ lệ hộ nghèo đã trừ hộ bảo trợ xã hội 0,87%); số tiêu chí Nông thôn mới bình quân toàn huyện tăng 13,8 tiêu chí/xã so với khi triển khai thực hiện Chương trình.

Ông Lê Văn Tấn - xã Thăng Thọ vui mừng chia sẻ: “Nhân dân trong huyện đồng thuận, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tích cực hưởng ứng tham gia, do đó Chương trình mục tiêu quôc gia xây dựng Nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng trên địa bàn toàn huyện. Bên cạnh đó, có sự giúp đỡ của những người con xa quê, của các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp là những điều kiện thuận lợi cho huyện trong thực hiện chương trình”.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” giai đoạn 2010-2021 kết hợp nhiều nguồn vốn khác nhau (tỉnh hỗ trợ xi măng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án trên địa bàn; sự tham gia của các doanh nghiệp; ngân sách huyện, xã và đóng góp của người dân) hệ thống đường giao thông các xã trên địa bàn huyện đã được đầu tư làm mới, sửa chữa, nâng cấp với chiều dài 844,26km cấp kỹ thuật đường đạt chuẩn theo quy định và phù hợp với quy hoạch được duyệt. Đến nay, hệ thống giao thông trên địa bàn các xã cơ bản đã được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đảm bảo kết nối giữa các địa phương trong huyện phục vụ cho phát triển kinh tế.

Đường trục xã, liên xã: Tổng chiều dài 235,36/235,36km (đạt chuẩn 100%) được nhựa hóa, bê tông hóa. Tăng 56,15%, tương đương 132,16km so với năm 2010. Trong đó nhựa hóa 16,3km, chiếm tỷ lệ 6,93%; bê tông hóa đạt 219,06km, chiếm tỷ lệ 93,07%. Chiều rộng nền đường đạt 5,5m, chiều rộng mặt đường 3,5m trở lên.

Đường trục thôn, liên thôn: Tổng chiều dài 255,8km; đã được bê tông hóa, cứng hóa đạt chuẩn 214,6km chiếm tỷ lệ 83,89%, tăng 59,22%, tương đương 151,6km so với năm 2010. Trong đó: bê tông hóa 214,6km, chiếm tỷ lệ 100%. Các tuyến đường trục thôn liên thôn trong huyện cơ bản đạt quy mô chiều rộng nền đường tối thiểu 4,0m, chiều rộng mặt đường tối thiểu 3,0m, đảm bảo ôtô đi lại thuận tiện.

Đường ngõ xóm: Tổng chiều dài 379,2km; đã được bê tông hóa, cứng hóa đạt chuẩn 335,7km chiếm tỷ lệ 88,53%, tăng 71,34%, tương đương 270,5km so với năm 2010, đảm bảo sạch và không lầy lội vào mùa mưa. Các tuyến đường ngõ xóm trong huyện cơ bản đạt quy mô chiều rộng nền đường tối thiểu 4,0m, chiều rộng mặt đường tối thiểu 3,0m đảm bảo ôtô đi lại thuận tiện quanh năm, đảm bảo thoát nước tốt, không gây ô nhiễm môi trường, sạch sẽ không lầy lội vào mùa mưa.

Đường trục chính nội đồng: Tổng chiều dài 563,4km, đã cứng hóa 365,2 km chiếm tỷ lệ 64,82%, tăng 51,47%, tương đương 290km so với năm 2010. Các tuyến trục chính nội đồng trong huyện cơ bản đạt quy mô nền đường tối thiểu 4,0m, chiều rộng mặt đường tối thiểu 3,0m đảm bảo xe cơ giới vận chuyển hàng hóa thuận tiện…

Là một trong những địa phương còn nhiều khó khăn nhưng huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa quyết tâm về đích Nông thôn mới.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Chủ tịch, Chánh văn phòng điều phối Nông thôn mới huyện cho biết: “Khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, huyện có 32 xã, 01 thị trấn, từ tháng 5/2015 huyện còn 31 xã và 01 thị trấn (do xã Minh Thọ sáp nhập vào thị trấn). Thực hiện Nghị quyết 786/NQ-UBTVQH14 ngày 16/10/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Thanh Hóa, đến ngày 01/12/2019, huyện Nông Cống còn 28 xã và 01 thị trấn (xã Tế Nông, xã Tế Tân sáp nhập thành xã Tế Nông, xã Trung Chính, xã Trung Ý sáp nhập thành xã Trung Chính, xã Yên Mỹ, xã Công Bình sáp nhập thành xã Yên Mỹ) với dân số 49.438 hộ,185.543 người”.

“Từ năm 2010-2015, huyện đã thành lập Tổ giúp việc do Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm tổ trưởng để giúp việc cho ban chỉ đạo huyện. Đến ngày 21/9/2015, UBND huyện ban hành Quyết định số 1585/QĐ-UBND về việc thành lập Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới cấp huyện gồm 13 thành viên giúp Ban chỉ đạo huyện xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, theo dõi, tổng hợp, báo cáo tình hình về thực hiện chương trình trên địa bàn huyện.

Chuẩn bị nội dung, chương trình cho các cuộc họp, hội nghị, hội thảo của Ban chỉ đạo huyện và các báo cáo theo yêu cầu của Trưởng Ban chỉ đạo, thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về chương trình Nông thôn mới trên địa bàn huyện. Hàng năm, Văn phòng điều phối Nông thôn mới huyện được kiện toàn đảm bảo phù hợp với tình hình, đáp ứng yêu cầu công việc. Đối với cấp xã: bố trí từ 1-2 công chức phụ trách nông nghiệp và Nông thôn mới để giúp việc cho Ban chỉ đạo xã”, ông Tuấn cho biết thêm.

Theo baoxaydung.com.vn