Thứ 6, 22/11/2024, 22:08[GMT+7]

Thanh Hoá: Lấy sức dân để lo cho dân

Thứ 4, 13/04/2022 | 08:40:06
670 lượt xem
Sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, Đảng ủy xã Đông Quang, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa bắt tay ngay vào lập kế hoạch xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Các bài học tích lũy từ những năm trước, nhất là việc lấy sức dân để lo cho dân được phát huy hiệu quả, giúp ba thôn của xã hoàn thành mục tiêu này sớm hơn dự kiến.

Người dân thôn Văn Ba làm đường bê-tông, xây dựng nông thôn mới.

Vốn là xã thuần nông, nhưng giờ đây Đông Quang như khoác lên mình chiếc áo mới sáng, đẹp giữa vùng quê bình yên mà nhộn nhịp. Từ thôn Minh Thành đến các thôn Văn Ba, thôn 1 Đức Thắng..., đâu đâu đường làng, ngõ xóm, nhà cửa cũng khang trang. Hai bên trục đường chính vào các thôn đều có điện chiếu sáng, trồng hoa, cây cảnh,... Đây là những thôn mới được Ủy ban nhân dân huyện Đông Sơn công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu cuối năm 2021.

Lấy cơ chế hỗ trợ làm cú huých

Chia sẻ về bước đi, cách làm cho hành trình xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đông Quang Hồ Xuân Trường cho biết, năm 2018, sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, xã phát động phong trào thi đua tới tất cả các thôn, tập trung vào nâng cao chất lượng từng tiêu chí. Để tạo đà cho chương trình này, Ủy ban nhân dân xã họp bàn nhiều lần, tham khảo kinh nghiệm nhiều nơi và sau đó ban hành cơ chế hỗ trợ cụ thể cho từng loại công trình, công việc và tổ chức, giám sát thực hiện nghiêm minh, bảo đảm minh bạch, công bằng. Đó là cú huých để huy động sức dân.

Để hỗ trợ người dân, thôn, xóm nhanh chóng triển khai thực hiện kế hoạch, Ủy ban nhân dân xã đã ban hành mức hỗ trợ cho chín hạng mục công trình và những việc phải làm. Thí dụ, xây dựng mới nhà văn hóa thôn được hỗ trợ 200 triệu đồng; thôn hoàn thành chương trình nông thôn mới kiểu mẫu được hỗ trợ 100 triệu đồng. Nhiều mục được quy định rất chi tiết; đơn cử như việc hỗ trợ gia đình phá dỡ nhà ở, tường bao, hiến đất, mở rộng đường được cụ thể theo từng mức: Nhà ở cấp 4, hỗ trợ tám triệu đồng; nhà tắm, nhà vệ sinh tự hoại, hỗ trợ bốn triệu đồng; nhà bếp, nhà ăn đang sử dụng có diện tích 10 m2 trở lên, quán đang kinh doanh, hỗ trợ bốn triệu đồng; cổng kiên cố có mái che, hỗ trợ bốn triệu đồng; các loại cổng còn lại, hỗ trợ một triệu đồng,... Đối với gia đình xây dựng vườn mẫu, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi được hỗ trợ năm triệu đồng/vườn/hộ có diện tích từ 300 m2 đến dưới 500 m2.

Nguồn kinh phí đầu tư xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu được trích từ ngân sách của huyện và xã là gần 14,6 tỷ đồng và đóng góp của nhân dân các thôn: Minh Thành góp hơn 11,2 tỷ đồng; thôn Văn Ba hơn 24,2 tỷ đồng; thôn 1 Đức Thắng gần 10,8 tỷ đồng,...

Do tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình vườn mẫu, kinh tế các hộ gia đình trong xã trở nên khá giả, nhiều hộ làm giàu, số hộ nghèo còn không đáng kể; năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 50 triệu đồng.

Vướng đâu tập trung gỡ đó

Theo Bí thư Đảng ủy xã Đông Quang, Nguyễn Bá Long, trong xây dựng nông thôn mới, cái khó nhất là làm thế nào để huy động được sức dân. Phương châm của xã là phát huy vai trò của các đoàn thể, dựa vào dân, lấy sức dân lo cho dân là chính; đồng thời kết hợp huy động các nguồn lực trong xã hội, như con em xa quê làm ăn thành đạt. Khâu nào vướng, vướng ở đâu đều được đánh giá cụ thể trong các kỳ họp của Đảng ủy xã và các ban chi ủy chi bộ thôn. Từ đó tìm ra nguyên nhân và cách tháo gỡ. Vướng ở khâu nào tập trung vào khâu đó; dựa vào các nhân tố tích cực để tuyên truyền; lấy cán bộ, đảng viên làm nòng cốt cho phong trào.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù được tuyên truyền tích cực, nhưng một số người dân còn tư tưởng ỷ lại, có cán bộ vẫn còn tư duy và cách làm theo kiểu cũ cho nên một phần ba số hộ dân xóm Đạo, thôn Văn Ba mặc dù kinh tế khá giả, nhưng ban đầu không đóng tiền làm đường giao thông. Đảng ủy xã tổ chức họp với các dòng họ trong thôn, tìm hiểu kỹ lý do, đề nghị các trưởng họ tham gia tuyên truyền, vận động. Đồng thời tranh thủ một số cán bộ có uy tín như ông Lê Ngọc Viễn, 80 tuổi, Trung tá quân đội về hưu; ông Dương Văn Tuấn, 70 tuổi, nguyên cán bộ Huyện ủy; anh Lâm Bá Thành, người có tiếng nói trong dòng họ Lâm Bá đến từng gia đình giải thích để các hộ hiểu rõ ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới.

Đảng ủy xã cũng kêu gọi các doanh nghiệp địa phương, trong đó có doanh nghiệp của anh Nguyễn Hữu Dược, thôn Văn Ba ứng hơn 20 tỷ đồng không tính lãi, làm các trục đường giao thông chính. Nhờ đó, hầu hết các gia đình trong thôn đã tự giác đóng góp tiền xây dựng đường giao thông, các công trình văn hóa và là thôn có số tiền đóng góp cao nhất xã. Thôn đã mở rộng và nâng cấp 5 km đường trục thôn, ngõ xóm, có rãnh thoát nước, xây nhà văn hóa mới; các hộ hiến hơn 2.100 m2 đất để mở rộng đường,...

Cách làm của xã là việc dễ làm trước, việc khó làm sau; đồng thời tạo sức lan tỏa từ các nhân tố tích cực, như gia đình ông Lâm Bá Thuyền, ở xóm Đình, hiến 30 m2 đất ở để mở rộng đường lên tám mét; ông Lâm Bá Thấc, 83 tuổi tự dỡ một phần ngôi nhà đang ở, hiến 20 m2 để làm đường liên thôn; ông Dương Văn Phụng, 81 tuổi ở xóm Đức tự phá dỡ một phần ngôi nhà của mình, hiến hơn 20 m2 đất để mở rộng đường, nay thành con đường đẹp nhất xã.

Với suy nghĩ xây dựng nông thôn mới không có điểm kết thúc, mà là không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí và phấn đấu thêm ba thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong năm nay, Đảng ủy xã Đông Quang tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ để khuyến khích, có công trình kinh phí hỗ trợ tăng hai lần năm trước, như xây dựng mới nhà văn hóa thôn là 400 triệu đồng. Trong sản xuất, tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp; quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đẩy mạnh cải tạo vườn tạp; ứng dụng công nghệ tưới chủ động ở vùng sản xuất tập trung, nơi có điều kiện; phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, lấy xây dựng đời sống văn hóa tinh thần là nhiệm vụ cốt lõi, bảo đảm cho phát triển bền vững.

Theo nhandan.vn