Chuyện xây dựng nông thôn mới ở "xứ Quỳnh"
Đi sau về trước
Năm 2013, sau khi thành lập thị xã Hoàng Mai, tách ra từ huyện Quỳnh Lưu, xã Quỳnh Liên thuộc diện xã nghèo bãi ngang của thị xã Hoàng Mai. Nhận thấy xã có nhiều tiềm năng, lợi thế về xây dựng nông thôn mới, đó là đất rộng, nguồn nước ngọt dồi dào cùng khát vọng vươn lên của lãnh đạo và người dân nơi đây, thị xã Hoàng Mai đã tập trung dồn sức chỉ đạo điểm về xây dựng nông thôn mới tại Quỳnh Liên.
Chủ tịch UBND xã Quỳnh Liên Hồ Ngọc Tăng cho biết, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, xã đối mặt nhiều khó khăn. Vốn là xã nghèo, khi thành lập thị xã, tiêu chuẩn xã nghèo bị cắt, các chế độ ưu tiên không còn đã khiến nhiều cán bộ, nhân dân có tâm tư… Nhưng được sự hỗ trợ đặc biệt của lãnh đạo thị xã, địa phương đã tập trung vào làm tốt quy hoạch. Đặc biệt, quy hoạch hệ thống đường giao thông trong thôn xóm hình ô bàn cờ và mở rộng từ 5 đến 10m.
Xã đã tập trung cao độ công tác tuyên truyền để người dân hiểu, xây dựng nông thôn mới người dân là chủ thể, nên mọi khó khăn, người dân đều chung lưng gánh vác. Cùng công tác dân vận khéo, xã chọn nơi dễ làm trước, chọn điểm để làm mô hình sau đó mới tổ chức nhân rộng ra.\
Trong tổ chức làm đường giao thông, xã đã chọn làm điểm tại tuyến đường Đỗ Bá Công Đạo giao với đường Hoàng Tá Thôn ở thôn Quyết Tiến với tổng chiều dài gần 1km. Tại điểm giao này, xã đã vận động gia đình ông Vũ Xuân Tài (80 tuổi) tự nguyện hiến hơn 100m2 đất vườn để mở rộng tuyến đường từ 5 lên 7m.
Ngày sau khi tuyến đường bê-tông hoàn thành, đi vào sử dụng, tránh được cảnh mưa lầy, nắng bụi, nhiều cán bộ và các hộ dân ở các xóm quanh đến tham quan và về vận động, thôn Quyết Tiến làm được, mắc mớ chi mà ta không làm được? “Con gà tức nhau tiếng gáy”, lại được cấp trên hỗ trợ xi-măng và địa phương khéo vận động, “kích” tinh thần của người dân. Thế là, các xóm thi đua làm đường giao thông nông thôn.
Người dân tự nguyện hiến đất, công trình trên đất, cùng các khoản đóng góp để làm đường giao thông theo đúng quy hoạch… Đến nay, Quỳnh Liên đã làm được hơn 30km đường bê-tông, đường nhựa, rộng từ 5m trở lên, cơ bản phủ kín đường làng, ngõ xóm; đã có hàng chục gia đình hiến hàng nghìn m2 đất vườn cùng một số công trình trên đất để mở rộng đường theo đúng quy hoạch.
Không chỉ vận động làm đường, nhiều tuyến đường người dân còn tự nguyện làm hệ thống điện chiếu sáng… Đến nay, Quỳnh Liên đã xây dựng được gần 20km đường điện chiếu sáng với kinh phí gần 10 tỷ đồng, trong đó có gần 5km điện cao áp trên tuyến đường trung tâm xã Trần Hưng Đạo….
Đồng thời với xây dựng cơ sở hạ tầng, xã đã vận động nhân dân chuyển đổi đất trồng lúa, lạc bấp bênh sang trồng cây rau màu gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật để cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Vốn cần cù chịu khó nên người dân đã tìm tòi, trồng thử nghiệm và lựa chọn được su su làm một trong những cây trồng chủ lực.
Cây su su bén rễ ở đất Quỳnh Liên phát triển tốt nhờ có nguồn nước tưới thường xuyên. Người dân đã đầu tư hệ thống tưới tự động để cho su su luôn có đủ nước phát triển, cao điểm, toàn xã trồng khoảng 100ha su su. Cứ vào mùa thu hoạch từ tháng 11 đến tháng 3, các giàn su su đất bãi luôn lúc lỉu quả, cho doanh thu đạt 25-40 triệu đồng/sào, cao gấp nhiều lần so trồng lúa, lạc trước đây. Nhiều gia đình như hộ ông Hồ Văn Được, Trương văn Thức, Trần Cảnh… cho thu nhập 300-500 triệu đồng/năm.
Gần đây, xã lại vận động những gia đình làm ăn khá, chuyển đổi sang trồng cà rốt, cho thu nhập khá, ổn định từ 300-500 triệu đồng/ha. Hiện, Quỳnh Liên đã trồng được khoảng 80 ha cà rốt. Cùng sự cần cù của người dân, toàn xã còn trồng được hơn một trăm ha các loại rau xen canh, dưa, hành, mướp đắng…, mùa nào thức nấy cho thu nhập khá.
Để lo phần đầu ra cho người dân, xã đã tiến hành thành lập hai hợp tác xã chuyên tiêu thụ sản phẩm cho người dân và tổ chức trồng rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Người dân trong xã đã đầu tư 20 chiếc xe tải để hằng ngày chuyên chở các sản vật của bà con làm được đi tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, thậm chí có lúc đưa sang tận Trung Quốc để tiêu thụ.
Nhờ chuyển đổi sản xuất phù hợp cho hiệu quả kinh tế cao gắn với phát triển dịch vụ, thương mại và xuất khẩu lao động nên thu nhập của người dân tăng cao. Hiện, tổng giá trị sản xuất đạt hơn 407 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt xấp xỉ 53 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới còn 3,45%...
Chỉ trong vòng hai năm nỗ lực phấn đấu, đến năm 2015, Quỳnh Liên được tỉnh Nghệ An công nhận đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới và trở thành xã đầu tiên của thị xã Hoàng Mai về đích nông thôn mới. Đây là cơ sở để Hoàng Mai đúc rút kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới và đã giúp thị xã Hoàng Mai cùng 4 xã còn lại có thêm động lực để nỗ lực xây dựng nông thôn mới.
Qua hơn tám năm thực hiện, đến năm 2020, toàn thị xã có 5/5 xã (100%) được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Nông dân xã Quỳnh Liên, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho thu nhập cao.
Đột phá từ tiêu chí giao thông, trường học
Quỳnh Lâm là xã nằm về phía Tây Nam của huyện Quỳnh Lưu, cách trung tâm huyện 3km. Tổng diện tích đất tự nhiên là 1.634,24ha, với 3.359 hộ dân và 15.460 nhân khẩu phân bổ trên 16 xóm; trong đó có 5 xóm theo đạo Thiên chúa với 5.614 người (chiếm tỷ lệ 36%). Địa hình xã Quỳnh Lâm rộng, đồi núi nhiều, hệ thống đường giao thông lớn. Vì thế, khi xây dựng nông thôn mới, hai tiêu chí đột phá được địa phương này tập trung đột phá là đường giao thông và trường học
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xã đã tiến hành công bố quy hoạch, cắm mốc quy hoạch, tổ chức vận động nhân dân hiến đất và công trình tường bao giải phóng mặt bằng mở rộng đường giao thông bảo đảm theo quy hoạch. Trong 10 năm (2011-2021), UBND xã tổ chức lồng ghép các chương trình, dự án kết hợp nguồn lực huy động sức dân đã tổ chức nhựa hóa và bê-tông hóa các trục đường giao thông, đáp ứng cho việc đi lại của nhân dân, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.
Đường liên xã, trục xã được bê-tông hóa, bảo đảm ô-tô đi lại thuận tiện quanh năm là 16,11km/16,11km; đường liên thôn được nhựa hóa và bê-tông hóa, bảo đảm ô-tô đi lại thuận tiện quanh năm là 22,5km/30,2km đạt 75%; đường nội thôn đã được bê-tông hóa đạt 21,4km/32,8km đạt 65% và sạch sẽ, không lầy lội vào mùa mưa là 32,8km/32,8km đạt 100%. Theo chủ tịch UBND xã Quỳnh Lâm Nguyễn Đình Dung, giá trị nhân dân hiến đất, công trình, ngày công rất lớn, khoảng 20,28 tỷ đồng.
Tiêu chí trường học cũng là tiêu chí thể hiện nỗ lực vượt khó ngoạn mục của Quỳnh Lâm trong xây dựng nông thôn mới khi xã vốn là địa phương có số lượng học sinh đông, trên địa bàn có 4 trường mầm non và phổ thông (Mầm non Quỳnh Lâm, Tiểu học Quỳnh Lâm A, Tiểu học Quỳnh Lâm B, THCS Quỳnh Lâm).
Trong những năm qua, chính quyền địa phương và nhân dân xã quan tâm chăm lo cho công tác giáo dục, chuẩn bị các điều kiện cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Mặc dù điều kiện ngân sách còn hạn hẹp nhưng địa phương đã tập trung các nguồn lực để đầu tư xây dựng mới phòng học cơ sở vật chất, thiết bị trường học bảo đảm công tác dạy và học. Thí dụ, đối với trường mầm non, những năm trước đây, có 7 điểm trường rải rác tại các thôn xóm với quy mô nhỏ, hiện tại đã được quy hoạch thành 3 điểm trường phân bổ theo 3 cụm (cụm Sơn Lâm, cụm Thuận Nghĩa, cụm Trung tâm) bảo đảm thuận lợi cho việc tổ chức dạy học.
Bên cạnh việc quy hoạch lại điểm trường, cùng nguồn hỗ trợ cấp trên và của nhân dân đóng góp, đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học đáp ứng yêu cầu dạy và học với tổng kinh phí đã thực hiện là 86,1 tỷ đồng. Tính từ năm 2019 đến nay, địa phương đã tập trung đầu tư xây dựng: cụm Trung tâm, cụm Thuận Nghĩa, cụm Sơn Lâm với hàng chục phòng học được xây mới, nhà bảo vệ, nâng cấp khuôn viên, sân trường. Hiện đang tiếp tục thi công hoàn thiện công trình nhà tổ chức ăn, và kho bếp.
Chuyện của xã Quỳnh Lâm cũng là câu chuyện của cả huyện Quỳnh Lưu trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Huyện Quỳnh Lưu bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với điểm xuất phát thấp, địa bàn rộng, dân số đông, trình độ dân trí đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo lớn; thực trạng sản xuất nông nghiệp của huyện còn nhỏ lẻ, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh; giá trị thu được bình quân trên diện tích đất nông nghiệp thấp.
Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị huyện Quỳnh Lưu đã tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp. Phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã trở thành nội dung thi đua sâu rộng và nhận được sự tin tưởng, đồng thuận, tự nguyện, tích cực tham gia đóng góp công sức, tiền của, đất đai và ngày công lao động của nhân dân và nội dung trên địa bàn toàn huyện.
Đến nay, huyện Quỳnh Lưu có 32/32 xã (100%) đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó có 3 xã là Quỳnh Đôi, Quỳnh Lương, Quỳnh Hậu được UBND tỉnh Nghệ An công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và xã Quỳnh Đôi đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021.
Kết quả huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện: Tổng kinh phí đã thực hiện là 19.131,7 tỷ đồng; trong đó, ngân sách nhà nước là 5.665,769 tỷ đồng, chiếm 27,2 %; vốn vay tín dụng là 1.472 tỷ đồng, chiếm 7,9%; vốn doanh nghiệp là 1.393 tỷ đồng, chiếm 7,5%; vốn dân góp là 853,7 tỷ đồng, chiếm 4,6%; nhân dân, doanh nghiệp tự xây dựng, chỉnh trang nhà cửa, đầu tư sản xuất là 9.747.2 tỷ đồng, chiếm 52,7%.
Để tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới đã đạt được, Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện đã chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Phấn đấu đến năm 2025 có 15-18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2-3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu...
Cuối tháng 3/2022, Hội đồng thẩm định Trung ương đã tổ chức họp xét, bỏ phiếu công nhận huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021. Hội đồng đã nhất trí cao đề nghị Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận huyện Quỳnh Lưu đạt huyện nông thôn mới năm 2021.
Theo nhandan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Một số giải pháp thúc đẩy CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn ở huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội 28.10.2024 | 11:31 AM
- Mường Thàng trước cơ hội bứt phá: Bài 1 - Những điểm sáng thực hiện nghị quyết của Đảng 11.10.2023 | 16:52 PM
- Huyện Đan Phượng (Hà Nội): Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới 04.06.2022 | 23:54 PM
- Giải bài toán rác thải sinh hoạt nông thôn 22.12.2021 | 13:55 PM
- Hà Nội: Tích cực triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025 19.07.2021 | 09:47 AM
- Tuổi trẻ cả nước ra quân làm đường, xây cầu thắp sáng những miền quê 18.07.2021 | 20:55 PM
- Đồng lòng hiến đất để làm đường liên thôn, liên xã ở Đắk Nông 17.07.2021 | 15:47 PM
- Hà Nội sẽ ban hành bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao 17.07.2021 | 15:47 PM
- Huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An): Phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực phấn đấu về đích huyện nông thôn mới năm 2021 16.07.2021 | 15:00 PM
- Nam Định: Phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên ở xã vùng giáo 15.07.2021 | 14:49 PM
Xem tin theo ngày
- Triển khai công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp năm 2025
- Tăng cường kiểm tra, giám sát ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm, tiêu cực
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ thi công đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình
- Hội nghị kiểm điểm tập thể và cá nhân các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh
- Nhân lên sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
- Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế tạo đà bứt phá cho tăng trưởng năm 2025
- Xác định công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Đảng
- Các đồng chí lãnh đạo hai tỉnh Thái Bình, Hưng Yên: Thăm, chúc mừng Tòa Giám mục Giáo phận Thái Bình nhân dịp lễ Giáng sinh năm 2024
- Công tác dân vận góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội
- Đưa nội hàm “chống lãng phí” vào công tác kiểm tra, giám sát của Đảng