Thứ 3, 24/12/2024, 21:08[GMT+7]

Thành phố Hải Dương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

Thứ 4, 15/06/2022 | 16:12:37
723 lượt xem
Thành phố Hải Dương vừa được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020.

Lãnh đạo thành phố Hải Dương nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Nhiều kết quả nổi bật

Ông Trần Hồ Đăng - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hải Dương cho biết: Qua 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, bộ mặt nông thôn thành phố Hải Dương đã có nhiều thay đổi tích cực.

Chương trình đặt mục tiêu xây dựng nông thôn của thành phố Hải Dương phát triển theo quy hoạch, có hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; môi trường cảnh quan xanh - sạch - đẹp, an toàn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Với mục tiêu đó, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hải Dương đã tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp phù hợp, hiệu quả.

Các chủ trương, chính sách và cách thức tiến hành xây dựng nông thôn mới được Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể từ thành phố đến cơ sở quan tâm triển khai, phổ biến sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân với nhiều nội dung phong phú, sáng tạo.

Sau 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, thành phố Hải Dương đã huy động từ nhiều nguồn để đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hoàn thiện 19/19 tiêu chí ở các xã. Diện mạo các làng quê có sự đổi thay căn bản, rõ nét. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp giúp nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, hàng hóa. Đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.

Đến nay, 100% đường trục chính, đường liên thôn, đường nội đồng, hệ thống thủy lợi được cứng hoá; 100% các thôn, xóm có nhà văn hóa. Hàng năm, qua bình xét 91,6% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hoá. Gần 97% hộ dân có nhà ở đạt tiêu chuẩn theo quy định. Thu nhập bình quân đầu người tính đến năm 2020 đã đạt hơn 58 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ người có việc làm trong độ tuổi lao động đạt trên 96%. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thành phố tính đến cuối năm 2020 chỉ còn 0,79%. Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa được nâng cao, cảnh quan, môi trường nông thôn không ngừng được cải thiện, quốc phòng, an ninh được giữ vững...

Theo đánh giá của Chủ tịch UBND thành phố Hải Dương Trần Hồ Đăng, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi nhận thức của cán bộ và nhân dân, từ chỗ còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại phần nào vào đầu tư của Nhà nước đã chuyển sang chủ động, tích cực tham gia. Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp trên địa bàn các xã. Trong quá trình triển khai thực hiện, chương trình đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, trước hết là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp uỷ Đảng, sự điều hành có hiệu quả của các cấp chính quyền, sự tham gia tích cực của MTTQ, các đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và đặc biệt sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân.

Đặc biệt, phong trào xây dựng nông thôn mới đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước, yêu quê hương từ gia đình đến thôn, khu dân cư ở các phường, xã. Các thôn đã tích cực huy động nguồn vốn đóng góp tự nguyện của nhân dân kết hợp sự tham gia đóng góp, ủng hộ của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, doanh nhân và con em quê hương làm việc, công tác ở mọi miền đất nước.

Nhiều bài học kinh nghiệm quý báu

Để đạt được những kết quả này, theo ông Trần Hồ Đăng - Chủ tịch UBND thành phố Hải Dương, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương phải rất coi trọng công tác tuyên truyền, vận động nhằm làm chuyển biến nhận thức và hành động trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; phát huy, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện quyền làm chủ theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”. Đề cao vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu các ngành, các cấp. Công tác lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp phải chủ động, sáng tạo, quyết liệt; biết lựa chọn các phần việc mang tính đột phá. Khai thác, kết hợp lồng ghép nhiều nguồn vốn đầu tư, huy động các nguồn lực trong dân; việc huy động nguồn lực trong dân phải phù hợp sức dân.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần xác định những công trình, công việc thiết yếu của người dân và tập trung thực hiện tốt, từ đó tạo niềm tin và khí thế phấn khởi, khơi dậy và phát huy được vai trò chủ thể của dân trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, phải xác định xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, không được chủ quan, nóng vội, chạy theo thành tích, nhưng phải hết sức tích cực, quyết liệt, vừa làm vừa rút kinh nghiệm hoàn thiện. Đặc biệt, xây dựng nông thôn mới cần gắn với đặc thù phát triển của thành phố Hải Dương - đô thị loại I, gắn với quy hoạch đô thị, tạo các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao đi cùng với các dịch vụ giá trị gia tăng nhằm nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân.

Ông Trần Hồ Đăng - Chủ tịch UBND thành phố Hải Dương cho rằng xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc. Vì vậy, chương trình xây dựng nông thôn mới của thành phố Hải Dương sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt được. UBND thành phố Hải Dương đã chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo quy định của tỉnh và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến đến năm 2025 thành phố có thêm 2 xã lên phường, 4 xã còn lại phấn đấu xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, từng bước triển khai thực hiện các nội dung phấn đấu đăng ký xã đạt danh hiệu xã kiểu mẫu.

Để hoàn thành các mục tiêu đến năm 2025 và những năm tiếp theo, thành phố Hải Dương đưa ra một số nội dung, giải pháp cần triển khai thực hiện đó là: tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền từ thành phố đến cấp xã, thôn trên địa bàn; kiện toàn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho ban chỉ đạo các cấp; tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống vật chất của người dân; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa - xã hội; tăng cường đảm bảo an ninh trật tự, tiếp tục xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; xây dựng kế hoạch duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí sau khi hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong các lĩnh vực quy hoạch, phát triển đời sống văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường và tổ chức sản xuất.

Theo baoxaydung.com.vn