Thứ 3, 24/12/2024, 00:48[GMT+7]

An Giang: Xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới, đô thị văn minh

Thứ 4, 13/07/2022 | 13:12:37
1,195 lượt xem
Trong phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa', một trong những nhiệm vụ quan trọng là phấn đấu và giữ vững danh hiệu xã văn hóa nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh. Phong trào đã tác động tích cực, góp phần thay đổi diện mạo ở từng địa phương, thực hiện phương châm lấy nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân làm nội dung để thi đua và lan tỏa.

Diện mạo vùng nông thôn mới khởi sắc

Năm 2022, trên địa bàn huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) có 5 địa phương được công nhận các danh hiệu, gồm: Thị trấn Phú Mỹ giữ vững danh hiệu 5 năm “Đô thị văn minh”, xã Tân Hòa 5 năm liên tiếp đạt “Xã văn hóa NTM”. Các xã: Phú Xuân, Phú Long, Long Hòa đều đạt 2 năm liên tiếp danh hiệu “Xã văn hóa NTM”. Nội dung cụ thể trong xây dựng danh hiệu được mỗi địa phương triển khai theo tiêu chí, phù hợp với tình hình, điều kiện. Quá trình thực hiện đã xuất hiện nhiều mô hình, sáng kiến, cách làm hay, góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí.

Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện Phú Tân, thị trấn Phú Mỹ được công nhận đạt chuẩn “Đô thị loại IV” và “Văn minh đô thị” năm 2016. Sau 5 năm duy trì, nâng chất các tiêu chí, Đảng ủy, UBND thị trấn đã có nhiều giải pháp thiết thực, huy động cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân cùng vào cuộc. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Phú Mỹ Võ Minh Luân cho biết, trong những năm qua, thị trấn được tỉnh, huyện quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, đến nay cơ bản đồng bộ, khang trang, góp phần tạo vẽ mỹ quan chung.

Đến nay, diện mạo của thị trấn Phú Mỹ ngày càng khởi sắc, các công trình công cộng và hạ tầng cơ sở được quan tâm đầu tư nâng cấp, sửa chữa khang trang. Hoạt động kinh doanh, thương mại, dịch vụ tại trung tâm thị trấn sôi động, đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân. Hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế và các chính sách xã hội được quan tâm; an ninh trật tự đảm bảo. Hàng năm, thị trấn đều thực hiện duy trì và nâng chất các danh hiệu văn hóa, 100% ấp duy trì, giữ vững danh hiệu ấp văn hóa; trên 90% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa liên tục từ 5 năm trở lên.

Trong khi đó, tại xã Phú Xuân, một địa bàn thuộc vùng sâu cũng nỗ lực hết mình để đạt danh hiệu “Văn hóa NTM”. Theo Chủ tịch UBND xã Phú Xuân Hà Văn Bằng, 2 năm qua, nhân dân 4 ấp trên địa bàn xã đã đóng góp hơn 2,5 tỷ đồng tiền mặt và 560 ngày công lao động để nâng cấp các cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế, văn hóa - xã hội trên địa bàn. Chất lượng cuộc sống của nhân dân ngày một nâng lên, đặc biệt là việc đi lại và vận chuyển hàng hóa trên các tuyến đường giao thông xã thuận tiện hơn khi được nâng cấp lộ kênh Thần Nông sụt lún, cột cờ đồng loạt theo quy chuẩn, hoàn thiện các công trình dân sinh…

Tuy chỉ dựa vào thế mạnh nông nghiệp, nhưng nhân dân ở các xã, thị trấn luôn cần mẫn, học hỏi, nhanh nhẹn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất để thúc đẩy phát triển kinh tế. Điển hình tại xã Long Hòa, các hộ đồng tình chuyển dịch cơ cấu kinh tế cây trồng, vật nuôi, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng. Việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp chiếm 100% diện tích, trình độ sản xuất của nông dân ngày càng tiến bộ.

Năm 2019, xã Long Hòa thực hiện treo đèn đường thắp sáng với tổng chiều dài 5,2km, nâng cấp bê-tông đường Khu dân cư K8, kinh phí trên 354 triệu đồng. Không chỉ đồng tình ủng hộ, chi phí tiền điện hàng tháng, sửa chữa bóng đèn bị hư... cũng do người dân đóng góp. Chỉ 1 năm sau, mô hình được các ấp thực hiện đồng loạt: Đèn đường thắp sáng bằng năng lượng mặt trời, đèn hoa, trang bị xe chữa cháy, bê-tông hóa khu vực chợ Tân Hòa, làm cột cờ… Khi Đảng ủy xã triển khai mô hình lắp đặt camera an ninh, nhân dân tiếp tục đóng góp 237 triệu đồng để lắp đặt, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Ngô Thanh Trí nhấn mạnh, thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là một trong những nhiệm vụ quan trọng của hệ thống chính trị. Kết quả của phong trào được thể hiện qua việc phát huy mọi nguồn lực xã hội, sức mạnh đoàn kết của cộng đồng trong phát triển kinh tế. Kèm theo đó, đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng tiến bộ, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở được nhân rộng trên địa bàn, không chỉ ở các khu dân cư mà được phát triển đến tất cả các cơ quan, đơn vị, trường học. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc cũng nhờ đó được giữ gìn và phát huy. Mức hưởng thụ các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao của nhân dân ngày càng được nâng cao.

Để các địa phương tiếp tục phấn đấu giữ vững danh hiệu đạt được, UBND huyện Phú Tân đã chỉ đạo từng xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bổ sung các tiêu chí xây dựng NTM vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Hàng năm, duy trì và nâng chất việc bình xét các cá nhân, tập thể điển hình trong phong trào. Huyện còn chỉ đạo các địa phương quan tâm xây dựng các thiết chế văn hóa trên tinh thần xã hội hóa, nhất là các thiết chế mang tính cơ bản, như: Thư viện, các điểm đọc sách báo, điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao… Duy trì thường xuyên hoạt động các câu lạc bộ, tiếp tục vận động nhân dân đóng góp xây dựng thiết chế văn hóa của ấp để từng bước hoàn thiện bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, NTM nâng cao…

Theo baoangiang.com.vn