Thanh Hóa: Khó khăn về chỉ tiêu nước sạch theo tiêu chí nông thôn mới
Gần 4 tháng qua, việc thẩm định xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hầu như đình trệ. Điều này trái hẳn với thời gian trước đó, bởi trong nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân chính là chỉ tiêu nước sạch nông thôn trong Bộ tiêu chí NTM vừa được áp dụng đã trở thành thách thức không nhỏ trên hành trình về đích NTM, NTM nâng cao của cấp xã. Theo Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 8-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và NTM nâng cao, giai đoạn 2021-2025 (nhưng mới áp dụng từ tháng 3-2022), các xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) ở Bắc Trung bộ phải có từ 15% số hộ gia đình được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung mới đủ điều kiện đạt chuẩn NTM.
Tương tự, các xã không thuộc khu vực III phải có từ 20% số hộ trở lên được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung mới đủ điều kiện thẩm định đạt chuẩn NTM. Đây chính là chỉ tiêu 17.1 thuộc tiêu chí “Môi trường và an toàn thực phẩm” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã đạt chuẩn NTM. Với xã muốn về đích NTM nâng cao, yêu cầu chỉ tiêu này còn phải cao hơn với tỷ lệ từ 55% số hộ trở lên “được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung” (cho xã không thuộc khu vực III) và từ 40% số hộ trở lên cho xã thuộc khu vực III. Nội dung này được quy định tại chỉ tiêu 18.1 trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, giai đoạn 2021-2025 mới được ban hành và áp dụng vào tháng 3-2022.
Có thể hiểu theo ngôn ngữ đời sống, “hệ thống cấp nước tập trung” ở đây là “nước máy”. Nước sạch được các gia đình xử lý có nguồn gốc từ hệ thống khe suối, nước giếng khơi truyền thống ở nhiều vùng quê hoàn toàn không thuộc khái niệm “hệ thống cấp nước tập trung” hay “nước sạch tập trung”. Trước đây, xã đạt chuẩn NTM chỉ cần có đủ tỷ lệ số hộ được dùng “nước sạch” là được, nhưng nay tiêu chí này đã được điều chỉnh nâng cao. Vấn đề đặt ra là, không phải ở vùng nông thôn nào cũng có “hệ thống cấp nước tập trung”, chưa nói đến vùng núi cao hay khu vực biên giới. Trên thực tế, ở nông thôn, miền núi của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, từ nhiều đời nay, Nhân dân vẫn sử dụng nước giếng, nước khe suối qua lắng lọc hoặc dùng máy lọc nước RO quy mô hộ gia đình để phục vụ sinh hoạt bởi chưa có hệ thống cấp nước sạch tập trung.
Tìm hiểu tại huyện vùng biên Quan Sơn, đến thời điểm đầu tháng 7-2022, vẫn chưa có nhà máy nước sạch tập trung nào được xây dựng, mặc dù huyện đã có nỗ lực kêu gọi đầu tư từ nhiều năm nay. Ngay cả khu vực thị trấn Sơn Lư, nhu cầu nước sạch đang trở thành vấn đề bức thiết, chứ chưa nói đến các xã vùng xa. Trên địa bàn huyện, nhiều xã vùng biên cách thị trấn tới 60 km với địa hình rừng núi cách trở, dân cư lại phân bố thưa thớt nên vô cùng khó khăn nếu triển khai hệ thống nước sạch tập trung. Không chỉ riêng huyện Quan Sơn, đa phần các huyện miền núi của tỉnh đều chưa có hệ thống cấp nước tập trung (nước máy) theo quy chuẩn, việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư còn là câu chuyện dài, bởi các doanh nghiệp còn tính tới chuyện lợi nhuận nên chưa sẵn sàng đầu tư nhà máy xử lý nước sạch những ở vùng sâu, vùng xa.
Theo ông Dương Văn Giang, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa: “Không chỉ Thanh Hóa hay cả nước mà nước sạch đang là vấn đề toàn cầu quan tâm. Với chỉ tiêu nước sạch theo Bộ tiêu chí NTM mới được ban hành, sẽ rất nhiều xã khó về đích NTM, càng khó hơn với NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu. Để có hướng tháo gỡ, trước mắt, chúng tôi đã chia ra thành từng khu vực, gồm 7 huyện miền núi cao, 4 huyện miền núi thấp, khu vực đồng bằng và vùng ven biển. Mỗi vùng có mức độ khó khăn riêng, từ đó để đề ra những hướng tháo gỡ từng bước theo đặc thù riêng”.
Ngay tại các huyện đồng bằng hiện nay, chỉ những xã gần thị trấn, quanh các đô thị mới có hệ thống đường ống cấp nước sạch tập trung, còn rất nhiều xã hiện vẫn chưa thể kêu gọi đầu tư nhà máy. Trong khi rất nhiều xã trên địa bàn tỉnh đều kêu khó, thì tại huyện Quảng Xương, khi chính quyền đã kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhà máy nước sạch, nhiều hộ dân lại không sử dụng.
Sau nhiều nỗ lực kêu gọi của chính quyền huyện Quảng Xương, cuối năm 2017, Công ty CP Cấp nước Miền Trung đã đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch tập trung, công suất 11.000m3/ngày đêm tại cánh đồng thôn Hiền Tây, xã Quảng Lưu. Đến tháng 1-2020, nhà máy nước sạch tập trung có vốn đầu tư 63 tỷ đồng đã hoàn thành và đi vào sử dụng. Nhà máy được thiết kế cung cấp nước sạch cho 9 xã trong vùng, nhưng đến nay, tỷ lệ số hộ đấu nối nước sạch từ nhà máy quá thấp. Trong 14.000 hộ dân hiện tại, chỉ có hơn 2.000 hộ dân đồng ý đấu nối để sử dụng nước từ nhà máy. Quảng Nham là xã có số hộ sử dụng nước sạch nhiều nhất, nhưng cũng mới có khoảng 500 hộ, xã Quảng Thái chưa đầy 10 hộ, các xã còn lại chỉ khoảng từ hơn 100 đến 250 hộ đồng ý sử dụng. Nguyên nhân chính được đưa ra là, nhiều hộ lâu nay vẫn dùng nước giếng, ở vùng ven biển đất cát, nước ngầm vẫn trong nên bà con chưa dùng nước máy. Một nguyên nhân khác là nhiều hộ nói phí lắp đặt và đường ống đến tận đầu hộ 4,5 triệu đồng là quá cao. Thống kê từ phía Công ty CP Cấp nước Miền Trung cho thấy, trong hơn 2.000 hộ đang sử dụng nước sạch tập trung của nhà máy, nhiều gia đình chỉ dùng 1 đến 2m3 hằng tháng, đặc biệt có hơn 100 hộ thường có đồng hồ không hề phát sinh chỉ số. Điều này đã gây khó khăn lớn cho phía nhà đầu tư.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra nhiệm vụ xây dựng NTM với những chỉ tiêu cho từng vùng miền của tỉnh, với từng giai đoạn cụ thể. Kế hoạch xây dựng xã NTM ở miền núi, khu vực đặc biệt khó khăn, vùng biên cũng được tỉnh đề ra theo từng giai đoạn. Những chỉ tiêu về số xã đạt chuẩn ấy đang gặp thách thức bởi tiêu chí nước sạch mới được áp dụng. Việc có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích kêu gọi xây dựng các nhà máy nước sạch tập trung giai đoạn này được cho là giải pháp quan trọng nhất.
Theo baothanhhoa.vn
Tin cùng chuyên mục
- Một số giải pháp thúc đẩy CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn ở huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội 28.10.2024 | 11:31 AM
- Mường Thàng trước cơ hội bứt phá: Bài 1 - Những điểm sáng thực hiện nghị quyết của Đảng 11.10.2023 | 16:52 PM
- Huyện Đan Phượng (Hà Nội): Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới 04.06.2022 | 23:54 PM
- Giải bài toán rác thải sinh hoạt nông thôn 22.12.2021 | 13:55 PM
- Hà Nội: Tích cực triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025 19.07.2021 | 09:47 AM
- Tuổi trẻ cả nước ra quân làm đường, xây cầu thắp sáng những miền quê 18.07.2021 | 20:55 PM
- Đồng lòng hiến đất để làm đường liên thôn, liên xã ở Đắk Nông 17.07.2021 | 15:47 PM
- Hà Nội sẽ ban hành bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao 17.07.2021 | 15:47 PM
- Huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An): Phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực phấn đấu về đích huyện nông thôn mới năm 2021 16.07.2021 | 15:00 PM
- Nam Định: Phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên ở xã vùng giáo 15.07.2021 | 14:49 PM
Xem tin theo ngày
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ thi công đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình
- Hội nghị kiểm điểm tập thể và cá nhân các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh
- Nhân lên sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
- Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế tạo đà bứt phá cho tăng trưởng năm 2025
- Xác định công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Đảng
- Các đồng chí lãnh đạo hai tỉnh Thái Bình, Hưng Yên: Thăm, chúc mừng Tòa Giám mục Giáo phận Thái Bình nhân dịp lễ Giáng sinh năm 2024
- Công tác dân vận góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội
- Đưa nội hàm “chống lãng phí” vào công tác kiểm tra, giám sát của Đảng
- Bế giảng lớp bồi dưỡng đối với công chức ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương năm 2024
- Triển khai chương trình thống nhất hành động công tác mặt trận năm 2025