Thứ 2, 23/12/2024, 21:22[GMT+7]

Quảng Bình: Xây dựng nông thôn mới còn lắm gập ghềnh

Thứ 5, 18/08/2022 | 11:32:21
653 lượt xem
Thời gian qua, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 đã được các địa phương triển khai thực hiện quyết liệt. Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn không ít khó khăn, trở ngại ảnh hưởng đến quá trình cán đích NTM, cũng như NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu của các địa phương.

Cuối năm 2022, Quảng Bình phấn đấu có 19 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 3 xã đạt NTM kiểu mẫu.

Những kết quả tích cực

Ông Hoàng Tiến Cường, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: Thời gian qua, các huyện, thị xã, thành phố đã tập trung chỉ đạo các xã đăng ký đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu năm 2022; đồng thời, chỉ đạo các xã rà soát theo Bộ tiêu chí mới để xây dựng lộ trình hoàn thành xã NTM giai đoạn 2021-2025. Nhờ triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp, quá trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực.

Về hạ tầng kinh tế-xã hội, các địa phương đã xây dựng mới, nâng cấp gần 146,4km đường các loại; 30 công trình giao thông; 80 công trình trường học, khuôn viên trường học; kiên cố hóa hơn 57,7km kênh mương, công trình thủy lợi; xây dựng 1,26km đường kết hợp kè; nạo vét, khơi thông dòng chảy; 30 công trình cơ sở vật chất văn hóa. Các công trình khác, như: Nước sạch, chợ, trạm y tế... cũng đã được đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp. Đến nay, các tiêu chí thuộc nhóm hạ tầng kinh tế-xã hội đều có số xã đạt chuẩn tương đối cao.

Về nông nghiệp, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng tiếp tục được các địa phương đẩy mạnh. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả cao được triển khai, nhân rộng, như: Đậu xanh, vừng, sen, trồng rau, quả trong nhà màng; các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch, an toàn và bền vững, tạo ra sản phẩm có năng suất, sản lượng, chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh ATTP.  

Đáng chú ý, toàn tỉnh đã có 273 HTX nông nghiệp, trong đó có 17 HTX ứng dụng công nghệ cao, 70 HTX tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho các hộ thành viên với 30 doanh nghiệp. Chương trình OCOP tiếp tục được các địa phương quan tâm triển khai thực hiện. Các sản phẩm tham gia chương trình không ngừng được hoàn thiện nâng cấp và có nhiều chuyển biến rõ rệt về chất lượng cũng như mẫu mã, hệ thống nhận diện thương hiệu... Đặc biệt, toàn tỉnh có 94 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó, có 5 sản phẩm đạt 4 sao, 89 sản phẩm đạt 3 sao.

Những kết quả này cho thấy sự chủ động của các địa phương, sự vào cuộc của người dân và không còn tâm lý trông chờ vào nguồn vốn ngân sách nhà nước. Chương trình xây dựng NTM tiếp tục đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao thu nhập ở khu vực nông thôn, tạo động lực, điều kiện thúc đẩy thực hiện các tiêu chí khác. 

Vẫn còn nhiều thách thức

Hiện nay, cả nước có 764 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 83 xã đạt xã NTM kiểu mẫu. Tuy nhiên, Quảng Bình vẫn chưa có xã đạt NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu. Số xã đạt chuẩn NTM chỉ chiếm tỷ lệ 66,4% tổng số xã, thấp hơn toàn quốc 3,8%. 

TP. Đồng Hới là địa phương có nhiều xã phấn đấu đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và NTM nâng cao trong năm 2022. Riêng NTM nâng cao, thành phố phấn đấu có 5 xã, gồm: Quang Phú, Thuận Đức, Đức Ninh, Nghĩa Ninh, Lộc Ninh; NTM kiểu mẫu có 1 xã là Bảo Ninh.

Bà Bùi Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP. Đồng Hới cho biết: “Các xã đang trong quá trình thực hiện xây dựng xã đạt NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu. Dự kiến đến cuối năm 2022, xã Quang Phú sẽ đạt NTM nâng cao và xã Bảo Ninh sẽ đạt NTM kiểu mẫu. 4 xã còn lại, quá trình xây dựng xã NTM nâng cao vẫn đang tiếp tục thực hiện, tuy nhiên hiện đang gặp khó khăn hơn bởi các tiêu chí về xây dựng sản phẩm OCOP và giảm tỷ lệ hộ nghèo đang là trở ngại lớn”.

Ông Hoàng Tiến Cường, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: Công tác chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng NTM luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm. Các sở, ngành, địa phương và các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM đã chủ động rà soát, huy động nguồn lực để triển khai thực hiện. Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố đã kiện toàn bộ máy tham mưu giúp việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; đồng thời, quan tâm bố trí nguồn vốn ngân sách huyện cho các xã để thực hiện các tiêu chí NTM theo đúng tiến độ đề ra.

"Tuy nhiên, quá trình xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 vẫn còn gặp không ít khó khăn, trở ngại. Nguyên nhân là do hệ thống văn bản pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình chậm được ban hành đầy đủ nên các địa phương gặp nhiều khó khăn để cụ thể hóa và áp dụng thực hiện ở cơ sở, nhất là các văn bản hướng dẫn triển khai các nội dung thành phần của chương trình, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về NTM, quy định về quản lý sử dụng vốn sự nghiệp của chương trình. Bên cạnh đó, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thực hiện xây dựng NTM của các địa phương...", ông Hoàng Tiến Cường cho biết.

Đây là những trở ngại làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ xây dựng NTM, của các xã, đặc biệt là đối với các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2022.

Với những khó khăn, vướng mắc nói trên, trong thời gian tới rất cần sự nỗ lực, đồng sức, đồng lòng của chính quyền các cấp, các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân, qua đó giúp các địa phương sớm hoàn thành các tiêu chí để về đích NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu.

Theo baoquangbinh.vn