Thứ 2, 25/11/2024, 04:39[GMT+7]

Nam Định: Người dân là chủ thể, nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới

Thứ 2, 29/08/2022 | 09:32:31
797 lượt xem
Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, ngay sau khi trở thành tỉnh nông thôn mới đầu tiên của cả nước, Nam Định đã chuyển trọng tâm sang xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Bằng sự nỗ lực không ngừng, tỉnh Nam Định được Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia đánh giá là một trong những tỉnh thực hiện tốt Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao và Chương trình OCOP.

Nam Định là một trong những tỉnh thực hiện tốt Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao và Chương trình OCOP

Nhiều kết quả tích cực, toàn diện

Nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện của các cấp, các ngành, địa phương và sự vào cuộc của toàn xã hội nên Chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu ở Nam Định thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện.

Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 106 xã, thị trấn (chiếm 52% tổng số xã, thị trấn) đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; đến tháng 7.2022 có 65 xã, thị trấn đủ điều kiện để trình UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Một số huyện có kết quả nổi bật về số xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao như huyện Hải Hậu (100% số xã), huyện Nghĩa Hưng (71% số xã), huyện Vụ Bản (56% số xã), huyện Trực Ninh (48% số xã). Chương trình OCOP được sự tham gia tích cực của các sở, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn toàn tỉnh. 

Tỉnh Nam Định đặt mục tiêu đến hết năm 2023 có khoảng 184 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao; có khoảng 20 xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và có ít nhất 280 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 50% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao; 25% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 50% số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; huyện Hải Hậu được công nhận huyện NTM kiểu mẫu; 300 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.


Theo Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng, lợi thế lớn nhất của Nam Định là nguồn lực từ Nhân dân. Ngay từ những ngày đầu xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã bám sát quan điểm người dân làm trọng tâm, vừa là chủ thể, vừa là nguồn lực, cũng như là đối tượng được thụ hưởng.

Tuy nhiên, hiện nay phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu vẫn chưa đồng đều, tiến độ thực hiện ở một số xã còn chậm, huy động nguồn lực còn hạn chế.

“Trên địa bàn tỉnh chưa có xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Kết quả thực hiện một số tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu chưa thực sự bền vững, nhất là tiêu chí bảo vệ môi trường, tiêu chí sản xuất, thu nhập. Bên cạnh đó, công tác phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón ở một số địa phương còn hạn chế dẫn đến quá tải và không bảo đảm vệ sinh trong thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt. Kết quả huy động kinh phí xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu ở một số địa phương còn hạn chế” - ông Trần Anh Dũng chia sẻ.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đại diện tỉnh Nam Định cho biết, do dịch Covid-19 kéo dài tác động xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống Nhân dân, làm giảm kết quả huy động nguồn lực thực hiện và làm chậm tiến độ thực hiện Chương trình. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo, thực hiện, nhất là thực hiện tiêu chí về bảo vệ môi trường, công tác phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón. Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm có quy mô nhỏ và vừa nên năng lực đầu tư cải tiến công nghệ, sản phẩm còn hạn chế.

Tập trung đẩy mạnh nhóm giải pháp trọng tâm

Trên cơ sở đó, đại diện tỉnh Nam Định cho biết, để cụ thể hóa mục tiêu, nghị quyết, các cấp, các ngành trên địa bàn, tinh Nam Định cần tập trung triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2021 - 2025.

Cụ thể, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; tổ chức triển khai thực hiện tốt phong trào "Nam Định chung sức xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu" và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”.

Tập trung hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung, lập các quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa. Các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, điều chỉnh, lập quy hoạch chung xây dựng xã giai đoạn 2021 - 2030 theo quy định bảo đảm kết nối và phù hợp với Quy hoạch xây dựng vùng huyện, thành phố, Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cùng với đó, quan tâm, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại gắn với đô thị hóa, bảo đảm kết nối nông thôn - đô thị và kết nối liên vùng. Đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân theo hướng bền vững. Chú trọng thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển công nghiệp chế biến. Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP.

Bên cạnh đó, cần chú trọng bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan nông thôn; quản lý, môi trường và làm đẹp cảnh quan nông thôn ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, giảm nghèo và an sinh xã hội. Đặc biệt, thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số trong xây dựng NTM; củng cố, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ cơ sở; nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước, đổi mới phương thức quản lý, đẩy mạnh cải cách hành chính.

Đồng thời, phải tăng cường bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, xây dựng nông thôn bình yên, đoàn kết, đồng thuận, kỷ cương. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm thực thi pháp luật để người dân sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Theo daibieunhandan.vn