Thứ 2, 23/12/2024, 12:01[GMT+7]

Thanh Hoá: Xây dựng hạ tầng nông thôn mới hướng tới tiêu chuẩn đô thị

Chủ nhật, 02/10/2022 | 07:30:57
643 lượt xem
Sớm xác định lộ trình trở thành thị trấn hoặc các xã ven đô, nhiều xã trên địa bàn tỉnh khi xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đã phát triển vượt chuẩn các tiêu chí theo tiêu chuẩn đô thị. Những tuyến đường đôi khang trang, có vỉa hè, hệ thống cây xanh, đèn cao áp chiếu sáng ngay giữa các vùng quê, nhiều quy hoạch khu dân cư mới thoáng đãng với hệ thống hạ tầng đồng bộ, những công viên mi ni, xây dựng đời sống văn hóa mới… đang mang lại diện mạo và cuộc sống mới cho nhiều vùng quê.

Đường giao thông liên thôn ở xã Đông Minh (Đông Sơn) đạt chuẩn tiêu chí đô thị.

Việc đi trước một bước trong phát triển hạ tầng NTM cũng giúp các xã có tiền đề để đẩy nhanh quá trình đô thị hóa nông thôn.

Thuộc vùng IV của huyện Nông Cống, sự phát triển của xã Trường Sơn đã sớm tạo lập cho địa phương “vị thế” trung tâm của vùng. Thương mại - dịch vụ phát triển mạnh hơn hẳn những xã lân cận, thu hút được người dân trong vùng đến mua bán, trao đổi hàng hóa. Xã đã hoàn thành lập quy hoạch xã NTM từ năm 2012, đến năm 2013 đã được công nhận đạt chuẩn NTM - là một trong những xã đầu tiên của tỉnh đạt danh hiệu này. Trong quy hoạch chung của huyện Nông Cống, Trường Sơn sẽ trở thành thị trấn của huyện nên đến năm 2016, xã và huyện đã thuê đơn vị tư vấn lập Quy hoạch xây dựng đô thị Trường Sơn để trình các ngành, cấp có liên quan phê duyệt. Xã sớm xác định được đường hướng sẽ trở thành đô thị trong tương lai, nên trong quá trình XDNTM nâng cao và NTM kiểu mẫu, Trường Sơn đã nỗ lực huy động nguồn lực, xây dựng nhiều tiêu chí hạ tầng NTM vượt quy chuẩn, hướng tới chuẩn theo hạ tầng đô thị. Thành công trong cả hai mục tiêu XDNTM và hạ tầng theo quy chuẩn của một thị trấn trong tương lai, đến năm 2020 Trường Sơn đạt chuẩn NTM nâng cao và năm 2021 được công nhận xã NTM kiểu mẫu của tỉnh.

Đến nay, Trường Sơn đã có hệ thống hạ tầng với nhiều tiêu chí và chỉ tiêu vượt chuẩn so với các tiêu chí NTM chung được ban hành. Là xã thuộc vùng nông thôn, nhưng xã có 100% tuyến đường trục xã, trục thôn có hệ thống chiếu sáng công cộng bằng đèn cao áp hiện đại, phủ khắp các thôn làng như tại các đô thị. Trên địa bàn xã đồng bằng nhưng được đầu tư tới 8 trạm biến áp để bảo đảm nguồn điện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt, có phương án dự phòng cho nhu cầu sử dụng điện tiếp tục tăng lên trong những năm tới. Khác biệt lớn nhất so với các xã đạt chuẩn NTM là hạ tầng giao thông tại xã Trường Sơn được mở rộng nhờ phong trào hiến đất, nhiều tuyến có vỉa hè như đô thị. Các khu dân cư ở đây đều có hệ thống thu gom nước thải và thoát nước mưa. Trên các tuyến đường lớn ở các thôn và trục xã đều được trang trí bằng hệ thống hoa, cây bóng mát được cắt tỉa bảo đảm mỹ quan. Hiện nay, các phong trào được phát động tại xã như: “Nhà sạch - vườn đẹp - ngõ văn minh” đều gắn với việc thực hiện quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết 1/500 của đồ án quy hoạch xã Trường Sơn thành đô thị loại V. Địa phương đang từng bước chỉnh trang và bổ sung hạ tầng kỹ thuật 4 khu dân cư mới thuộc các thôn Kim Phú, Thọ Sơn, Bất Nộ, Trung Yên và Thành Liên với tổng diện tích 25 ha quanh khu trung tâm hành chính của thị trấn Trường Sơn sau này.

Theo lộ trình quy hoạch của huyện Hoằng Hóa, xã Hoằng Lộc sẽ sáp nhập cùng xã Hoằng Thịnh để hình thành đô thị Lộc Thịnh trước năm 2025. Tháng 7-2021 vừa qua, đảng bộ xã đã ban hành Nghị quyết 06 để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với XDNTM, đồng thời phát động phong trào thi đua “Chung sức XDNTM, đô thị văn minh” tới toàn thể cán bộ, đảng viên, các tổ chức và Nhân dân trong xã. Địa phương đã và đang cải tạo, nâng cấp một số tuyến đường giao thông và đầu tư các tuyến mới theo đồ án quy hoạch đô thị. Xã xác định xu hướng phát triển giao thông và hạ tầng có tính kết nối đồng bộ với các xã thuộc vùng Đông Nam của huyện Hoằng Hóa. Với các ao làng và khuôn viên trong xã, hiện đã được cải tạo thành các công viên mi ni, khu vui chơi giải trí, thể dục - thể thao cho cộng đồng gần giống như các đô thị.

Sớm cập nhật lộ trình của tỉnh về sáp nhập huyện Đông Sơn với TP Thanh Hóa, xã Đông Minh xác định trong tương lai gần sẽ là một đơn vị cấp xã/phường của đô thị lớn nhất tỉnh. Trong khoảng 3 năm qua, khi xây dựng hạ tầng cho xã NTM nâng cao và kiểu mẫu, Đông Minh đã đi trước một bước trong phát triển hệ thống hạ tầng theo tiêu chí đô thị. Đến Đông Minh hôm nay, nhiều người đều ấn tượng với hệ thống hạ tầng giao thông khang trang, rộng mở, các tuyến đường lớn có vỉa hè, cây xanh. Hơn 5km đường trục xã và đường từ trung tâm xã đến Quốc lộ 47 đã được nhựa hóa 100%, chiều rộng nền đường từ 6m trở lên. Gần 4km đường trục thôn và liên thôn, các tuyến ngõ xóm đều được nhựa hoặc bê tông hóa khang trang. Hệ thống nhà văn hóa các thôn đều xây mới khang trang, trở thành điển hình phát triển tiêu chí văn hóa trong các xã NTM kiểu mẫu. Theo lộ trình của tỉnh, trong năm 2023 tới đây, huyện Đông Sơn và TP Thanh Hóa sẽ sáp nhập, khi ấy, Đông Minh sẽ là một xã đô thị ven đô, nhiều hệ thống hạ tầng đã được chuẩn hóa theo hướng đô thị.

Còn không ít xã trên địa bàn tỉnh cũng sẽ trở thành đô thị theo các lộ trình khác nhau. Đa phần các xã cũng đã xác định được việc phát triển hạ tầng, các tiêu chí đi trước một bước cho phù hợp với phát triển đô thị sau này. Gần đây nhất, TP Sầm Sơn được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ XDNTM. Trong quá trình thực hiện hệ thống hạ tầng, thị xã cũng hướng cho các xã ven đô phát triển nhiều tiêu chí NTM vượt chuẩn theo hướng phát triển và mở rộng đô thị, đưa các địa phương từ xã lên phường trong tương lai.

Ông Dương Văn Giang, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM, cho biết: “Với nhiều xã được quy hoạch theo lộ trình sẽ lên đô thị trong tương lai, khi chúng tôi làm việc đều khuyến nghị xây dựng tiêu chí theo mức độ cao hơn chuẩn NTM. Nhất là với hệ thống giao thông phải đi trước một bước, kèm với đó phải có rãnh thoát nước, các công trình phụ trợ. Xây dựng hạ tầng nông thôn theo chuẩn đô thị tuy có đầu tư lớn hơn, nhưng chỉ đầu tư một lần nên sau này không bị lãng phí nguồn lực, không phải phá đi xây lại hay cải tạo nhiều. Khi đến thời điểm trở thành thị trấn hay các xã, phường của đô thị, địa phương cũng không vất vả nhiều bởi đã có tiền đề được xây dựng từ trước”.

Theo baothanhhoa.vn