Thứ 6, 19/04/2024, 23:01[GMT+7]

Quảng Ngãi: Tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Thứ 4, 05/10/2022 | 17:36:05
826 lượt xem
Từ nhiều nguồn lực đầu tư, huyện Sơn Hà đã xây dựng các công trình giao thông, trường học, nhà văn hóa, hỗ trợ sản xuất cho người dân... Qua đó góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.

Cầu Mô Níc, ở xã Sơn Kỳ (Sơn Hà) được đầu tư xây dựng đã mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.

Đầu tư cơ sở hạ tầng

Xác định hạ tầng nông thôn giữ vai trò quan trọng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Sơn Hà đã tranh thủ các nguồn lực để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Cùng với đó, nhiều hộ dân cũng tích cực đóng góp ngày công, hiến đất để xây dựng các công trình. Đến nay, huyện Sơn Hà có 2 xã đạt tiêu chí giao thông; 13/13 xã đạt tiêu chí về điện; 12/13 xã đạt tiêu chí về thủy lợi, tạo thuận lợi cho phát triển nông nghiệp; 2/13 xã đạt chuẩn tiêu chí trường học; 4/13 xã đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa; 13/13 xã đạt tiêu chí về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin truyền thông...

Năm 2022, niềm vui đã đến với gần 90 hộ dân ở thôn Mô Níc, xã Sơn Kỳ khi cây cầu Mô Níc được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng. Cầu Mô Níc dài 47m, với tổng kinh phí xây dựng 7 tỷ đồng từ nguồn ngân sách huyện. Mô Níc là thôn khó khăn nhất của huyện Sơn Hà. Cầu Mô Níc được đầu tư xây dựng đã giúp cho hàng chục hộ dân nơi đây đi lại thuận tiện, học sinh đến trường an toàn, không còn cảnh chia cắt giao thông vào mùa mưa lũ. Đường, cầu được đưa vào sử dụng, nhiều gia đình ở thôn Mô Níc có thêm động lực để tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế. 

Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Đinh Thị Trà cho biết, cầu Mô Níc là niềm mơ ước bao đời nay của người dân nơi đây, nhưng mãi đến năm nay mới thực hiện được. Đây là công trình có nhiều ý nghĩa, từ nay làng Mô Níc không còn bị cô lập trong mùa mưa lũ, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Cũng trong năm 2022, huyện Sơn Hà còn bố trí hơn chục tỷ đồng để đầu tư trường mầm non xã Sơn Linh và xã Sơn Kỳ, tạo điều kiện thuận lợi cho con em địa phương được học trong những ngôi trường khang trang, đạt chuẩn. Từ đó góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêu chí về trường học cho các địa phương.

Nâng cao thu nhập cho người dân


“Mặc dù có nhiều nỗ lực, nhưng do nguồn lực đầu tư của trung ương, tỉnh chưa tương xứng với điều kiện xuất phát điểm thấp của các xã miền núi, trong khi ngân sách huyện có hạn, các xã đăng ký về đích NTM, giai đoạn 2021 - 2025 là các xã khó khăn, cần nguồn vốn đầu tư lớn, dẫn đến tiến độ xây dựng NTM của huyện chậm so với kế hoạch đề ra. Mong rằng, thời gian tới, tỉnh quan tâm hỗ trợ thêm nguồn lực đầu tư để huyện sớm đạt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra”.

Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà
ĐINH THỊ TRÀ



Huyện Sơn Hà có xuất phát điểm thấp, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 87% dân số toàn huyện. Để nâng cao thu nhập cho người dân, bên cạnh các chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, huyện đã tiến hành quy hoạch phát triển ngành nông, lâm nghiệp và nông thôn phù hợp với từng vùng theo hướng tập trung, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững gắn với phát triển kinh tế rừng. Đây được coi là bước đột phá căn bản, mở hướng giảm nghèo cho người dân.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Trần Thanh Trung cho biết, huyện chọn cách phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gia tăng chuỗi giá trị, làm tiền đề xây dựng NTM. Nhiều loại cây trồng, vật nuôi mới được đưa vào sản xuất, chăn nuôi, góp phần tăng năng suất, trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị. Các tổ hợp tác, hợp tác xã được thành lập để hỗ trợ và kết nối hộ dân, cung cấp sản phẩm ra thị trường.

Năm 2021, khổ qua rừng sấy khô của huyện Sơn Hà được UBND tỉnh công nhận sản phẩm của Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đạt tiêu chuẩn 3 sao. Dự kiến đến cuối năm 2022, huyện sẽ có từ 4 - 6 sản phẩm để đề nghị tỉnh công nhận 3 sao trở lên.

Bên cạnh đó, dù nguồn lực ngân sách còn khó khăn nhưng hằng năm, huyện vẫn bố trí nguồn vốn ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung cho vay hộ nghèo, giúp nhiều hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Đơn cử như trường hợp của ông Đinh Văn Ni, thôn Gò Ra, xã Sơn Thành từng là hộ nghèo, đời sống kinh tế hết sức khó khăn. Thông qua các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, cùng với tiếp cận nguồn vốn vay từ nguồn ngân sách huyện qua Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình ông Ni đã có điều kiện mua keo giống về trồng, đầu tư nuôi bò và máy xay xát gạo phục vụ người dân trong làng. Gia đình ông Ni không chỉ thoát được nghèo, mà còn trở thành hộ khá trong thôn.

Nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và vốn vay ưu đãi, chị Đinh Thị Giấy, ở xã Sơn Trung, đã đầu tư nuôi gà. Được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, chị Giấy nắm vững kỹ thuật chăn nuôi nên đạt hiệu quả cao. Hiện chị Giấy đang tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi gà, nâng cao thu nhập.

Theo lãnh đạo huyện Sơn Hà, ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng, lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế theo phương pháp tiếp cận chuỗi giá trị, địa phương đứng ra làm khâu trung gian trong việc hỗ trợ người dân tạo thương hiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhờ trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, nên sau một thời gian, nhiều người dân đã thay đổi nhận thức, tư duy và tự vươn lên thoát nghèo.

Phấn đấu hoàn thành các tiêu chí

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2022, xã Sơn Linh sẽ về đích NTM. Đến thời điểm này, xã đã đạt 11/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí Quốc gia về xã NTM, giai đoạn 2021 - 2025. Các tiêu chí chưa đạt gồm giao thông, trường học, thu nhập, hộ nghèo đa chiều, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, môi trường và an toàn thực phẩm...

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, người dân huyện Sơn Hà đã có điều kiện phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập.

Chủ tịch UBND xã Sơn Linh Võ Xuân Thanh cho biết, hiện nay địa phương đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng do UBND xã làm chủ đầu tư trên địa bàn như: Tuyến đường bê tông xi măng Làng Ghè - Đập Prin (đường trục xã); tuyến đường ĐH72 - Gò Đùng (đường nội đồng). Đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân vận động xã Sơn Linh để đạt tiêu chí số 6 theo quy định...

Cùng với xã Sơn Linh, huyện Sơn Hà đang tập trung chỉ đạo, hỗ trợ các xã trên địa bàn triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM theo đúng mục tiêu, lộ trình đã đặt ra. Qua rà soát đánh giá, đến nay Sơn Hà đã có 2 xã là Sơn Thành và Sơn Hạ đã đạt chuẩn NTM. Bình quân toàn huyện đạt 11,8 tiêu chí/xã, đạt 80,1% kế hoạch; có 7/13 xã đạt 10 tiêu chí trở lên, 4 xã dưới 10 tiêu chí. Năm 2022, huyện Sơn Hà phấn đấu có thêm 1 xã về đích NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM trên địa bàn huyện là 3/13 xã (Sơn Thành, Sơn Hạ, Sơn Linh); bình quân mỗi xã đạt 14,5 tiêu chí; phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025, huyện Sơn Hà có 9 xã đạt chuẩn NTM. Dự kiến, tổng nguồn vốn thực hiện xây dựng NTM năm 2022 khoảng 427 tỷ đồng.

Theo baoquangngai.vn