Thứ 5, 25/04/2024, 16:22[GMT+7]

Quảng Ninh bước vào giai đoạn “nước rút” về đích NTM

Thứ 6, 21/10/2022 | 11:41:01
1,112 lượt xem
Tỉnh đang bước vào giai đoạn “nước rút” về đích NTM. Trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được, nhiều giải pháp quyết liệt đã được triển khai.

Người dân xã Quảng Long (huyện Hải Hà) thu hoạch chè.

Đề án - "Kim chỉ nam"

Ngày 6/10/2022, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đến năm 2025, gắn với thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh "Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030"...; đồng thời phù hợp với Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ở giai đoạn này, chương trình cũng được thực hiện trên quan điểm người dân nông thôn là chủ thể; phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị; xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc. Đề án không chỉ là “kim chỉ nam” cho giai đoạn tiếp theo, mà còn là một trong những tiêu chí để công nhận tỉnh hoàn thành xây dựng NTM.

Theo đề án, đến hết năm 2022, tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có thêm 4 địa phương cấp huyện (Hạ Long, Vân Đồn, Bình Liêu, Ba Chẽ) đạt chuẩn NTM, nâng tỷ lệ 100% đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng NTM; 2 địa phương (Đầm Hà, Tiên Yên) đạt chuẩn NTM nâng cao; 54/98 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 26 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 280/458 thôn thuộc các xã khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang đạt chuẩn NTM. 

Công nhân Công ty CP Thiên Thuận Tường (TP Cẩm Phả) thu hoạch sản phẩm trứng gà Ai Cập - một trong các sản phẩm OCOP của tỉnh. 

Từ năm 2023-2025, toàn tỉnh có 5/7 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao (tăng 3 huyện); 58/98 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (tăng 4 xã), 32 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (tăng 6 xã); 367/458 thôn đạt chuẩn NTM (tăng 87 thôn); thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 2 lần so với năm 2020; phát triển thêm 10 sản phẩm OCOP tiềm năng đạt 5 sao cấp quốc gia; phát triển ít nhất 10 tổ chức kinh tế/năm; 100% sản phẩm OCOP được dán tem điện tử hoặc có mã vạch truy xuất nguồn gốc.

Để hoàn thành mục tiêu, Đề án đã đưa ra các giải pháp cụ thể. Trong đó, tỉnh tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của chính quyền, hệ thống chính trị, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong xây dựng NTM; phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thương mại hiện đại làm nền tảng thu hút đầu tư; phát triển cơ giới hóa nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistics. Đồng thời, nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững, phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM, nâng cấp cơ sở vật chất ngành giáo dục gắn với nâng cao chất lượng nhân lực ở nông thôn...

Đặc biệt, đề án đề ra giải pháp thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Trong đó, tập trung chuyển đổi trong nông nghiệp, y tế, giáo dục, chính quyền điện tử và một cửa liên thông.

Thực hiện quyết liệt các giải pháp

Diện mạo nông thôn mới xã Đại Dực (huyện Tiên Yên).

Bằng các giải pháp đồng bộ, 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao là Quảng Nghĩa (TP Móng Cái), Cái Chiên (huyện Hải Hà), Húc Động (huyện Bình Liêu), Hoàng Tân (TX Quảng Yên) đạt 13,6/19 tiêu chí, 64/75 chỉ tiêu; 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu là Quảng Long (huyện Hải Hà), Hồng Thái Đông, Nguyễn Huệ (TX Đông Triều) đạt 17,3/19 tiêu chí, 72,7/75 chỉ tiêu.

Để hoàn thành tỉnh NTM trong năm nay, Quảng Ninh phải có thêm 4 địa phương đạt chuẩn NTM là Hạ Long, Vân Đồn, Ba Chẽ, Bình Liêu. Đến nay, TP Hạ Long đã có 12 xã đạt chuẩn NTM; 21/21 phường được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh; tỷ lệ hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng NTM đạt trên 99%. Huyện Vân Đồn có 11/11 xã đạt chuẩn NTM; thị trấn Cái Rồng được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh; tỷ lệ hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng NTM đạt trên 99%. Huyện Bình Liêu có 6/6 xã đạt chuẩn NTM; thị trấn Bình Liêu đạt 5/9 nhóm tiêu chí và 46/52 tiêu chí về đô thị văn minh; huyện 5/9 tiêu chí và 24/36 chỉ tiêu xây dựng NTM. Huyện Ba Chẽ có 7/7 xã đạt chuẩn NTM; thị trấn Ba Chẽ được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh; huyện đạt 7/9 tiêu chí và 34/36 chỉ tiêu xây dựng NTM.

Mô hình trồng lan trong nhà kính của HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Khê (TX Đông Triều) cho hiệu quả kinh tế cao.

Đối với các địa phương phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm nay, huyện Tiên Yên đạt 5/9 tiêu chí, 30/38 chỉ tiêu; huyện Đầm Hà đạt 7/9 tiêu chí, 34/38 chỉ tiêu.

Trên cơ sơ phát huy những kết quả đạt được, thẳng thắn nhìn nhận hạn chế, để về đích NTM trong năm nay, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành tập trung hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra giải quyết các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thiện tiêu chí, chỉ tiêu, hồ sơ công nhận theo đúng lộ trình đã xác định. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây nhà ở, nhà tiêu hợp vệ sinh, hệ thống xử lý nước sinh hoạt, môi trường sinh thái...; chủ động đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc cho địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả, tiến độ thực hiện.

Các địa phương tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành lập hồ sơ đề nghị xét công nhận đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, song song với thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu nhằm đảm bảo tiến độ; đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình đã được phân bổ vốn trong kế hoạch năm 2022; xóa toàn bộ 100% nhà tạm tại các thôn, bản; tăng cường xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân. Đồng thời, phối hợp với MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội vận động nhân dân thực hiện phân loại rác tại nguồn, vệ sinh môi trường từ nhà ra vườn, ra ngõ, đến thôn, bản, khu phố, đến xã, đến huyện, đảm bảo sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn.

Với sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả, tích cực của hệ thống chính trị, Quảng Ninh tin tưởng về đích NTM năm 2022, tạo ra một vùng nông thôn văn minh, nông nghiệp hiện đại và nông dân giàu có.

Theo baoquangninh.com.vn