Thứ 6, 22/11/2024, 18:15[GMT+7]

Bình Phước: Thôn, xã phát triển nhờ xây dựng nông thôn mới

Chủ nhật, 23/10/2022 | 21:55:48
862 lượt xem
Xã Long Bình, huyện Phú Riềng vừa tổ chức công bố quyết định của UBND tỉnh Bình Phước công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2021.

Bê tông hóa đường giao thông nông thôn tại tỉnh Bình Phước.

Cuối năm 2020, xã mới đạt 16/19 tiêu chí; có những tiêu chí chưa hoàn thành, gồm: Giao thông, nhà ở dân cư, giáo dục. Để đạt các tiêu chí, các cấp trong tỉnh đã có nhiều mô hình, biện pháp tuyên truyền, vận động nhân dân và triển khai tốt các chính sách đặc thù, huy động được hơn 56 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp đường giao thông, trường học... Trong hai năm 2020 và 2021, địa phương đã xây dựng được 60km đường giao thông nông thôn, 14 phòng học và nhiều công trình phúc lợi xã hội khác. Việc đột phá xây dựng cơ sở hạ tầng đã thúc đẩy nhiều mô hình sản xuất phát triển, 91% lao động của các xã có việc làm, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 64 triệu đồng/năm. 

Trước đó, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú cũng vừa được UBND tỉnh Bình Phước công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2021. Biện pháp hiệu quả mà địa phương thực hiện là tiếp tục huy động nhiều nguồn lực để xây dựng, nâng cấp các tuyến giao thông, cơ sở hạ tầng. Từ năm 2018 đến 2021, xã đã huy động được 45 tỷ đồng đổ bê tông và nhựa hóa gần 28km đường giao thông nông thôn, xây mới 64 phòng học và một số công trình phục vụ sản xuất. Nhờ vậy năng suất lao động tăng cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt hơn 70 triệu đồng (tăng gấp 2,4 lần so với năm 2018).

Bình Phước là tỉnh biên giới có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, nên việc xây dựng NTM tại nhiều xã còn gặp không ít khó khăn, đặc biệt về hệ thống giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa vì phải đầu tư lớn về nguồn vốn, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, hình thức sản xuất tại nhiều nơi còn nhỏ lẻ, tự phát, liên kết chưa bền vững, tiềm ẩn những rủi ro... Khắc phục những hạn chế, khó khăn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong hai năm qua.

Theo đồng chí Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương ưu tiên lồng ghép thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trong quá trình triển khai các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực ngành, đơn vị phụ trách, quản lý. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, cùng các đơn vị, địa phương liên quan rà soát, đánh giá đúng nhu cầu về nguồn vốn để cân đối, phân bổ, bố trí cho các xã triển khai đạt hiệu quả cao.

Tỉnh Bình Phước cũng triển khai nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút nguồn lực đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tại các xã đặc biệt khó khăn, tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí làm đường giao thông và huy động nhiều nguồn lực, phương tiện để xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở dân cư... Địa phương quan tâm phát huy vai trò của người đứng đầu, đồng thời phân công, phân cấp trách nhiệm cụ thể đối với từng cấp, từng ngành, cán bộ, đảng viên. Lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành cũng chủ động tăng cường kiểm tra, bám nắm cơ sở để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo khí thế thi đua xây dựng NTM. Với tinh thần “Mỗi người dân góp một ý tưởng”, tại các địa phương đã xuất hiện nhiều phong trào, mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả, như: “Mỗi chi bộ, đoàn thể đăng ký một chỉ tiêu”, “Hiến đất mở đường giao thông”...

Tính đến nay, tỉnh Bình Phước đã có 73 xã đạt chuẩn NTM, 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Các xã đạt chuẩn NTM đều hoàn thành tốt các tiêu chí: 100% tuyến đường được bê tông hóa, nhựa hóa; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1,8%...

Theo qdnd.vn