Hội nông dân thành phố Hà Nội tạo sức lan tỏa từ các mô hình bảo vệ môi trường xây dựng nông thôn mới
Từ việc đưa phong trào bảo vệ môi trường đến từng hội viên
Để tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, Ban Thường vụ Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Hội Nông dân các quận, huyện triển khai tới 100% cơ sở Hội tham gia ký kết các quy ước, hương ước về bảo vệ môi trường. Từ đó, đẩy mạnh việc vận động cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn môi trường xanh- sạch- đẹp ở các khu dân cư.
Lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và thành phố Hà Nội gắn biển công trình Vườn hoa nông dân tại xã Yên Viên, huyện Gia Lâm
Cũng từ cơ sở vận động hội viên, nông dân trên, Hội Nông dân thành phố đã lựa chọn tiêu chí môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới, đưa vào nhiệm vụ hàng năm và giao chỉ tiêu để các cấp Hội tích cực chỉ đạo thực hiện. Bên cạnh mục tiêu phát triển kinh tế, các cấp Hội còn quan tâm việc giúp nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để vừa gia tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, vừa gắn với công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Công tác tuyên truyền, vận động luôn được các cấp Hội xác định có vai trò hết sức quan trọng. Hàng năm, Hội Nông dân thành phố phối hợp với ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn về Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường; chính sách pháp luật, công tác quản lý của Nhà nước về bảo vệ môi trường; kỹ năng và phương pháp truyền thông vận động hội viên, nông dân nói riêng và nhân dân nói chung tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước sạch nhằm thay đổi hành vi về vệ sinh môi trường… cho đội ngũ cán bộ Hội Nông dân cấp huyện và cơ sở.
Trong quá trình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, các địa phương đã có nhiều giải pháp thiết thực, vận động hội viên, nông dân thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức. Nhờ đó, dần hình thành trách nhiệm với công tác bảo vệ môi trường; chủ động chung sức cùng cộng đồng trong việc góp phần cải tạo cảnh quan, nâng cao chất lượng môi trường sống.
Cùng với đó, đối với những địa bàn có làng nghề hoặc các khu đô thị, hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục còn được các cấp Hội tổ chức lồng ghép thông qua các buổi sinh hoạt chi Hội, Câu lạc bộ, các hội nghị… nhằm gia tăng tính hiệu quả. Trước tình hình đại dịch Covid-19 với những diễn biến khó lường, gây tác động mạnh mẽ đến đời sống hội viên, nông dân trong hơn hai năm qua, song các cấp Hội Nông dân thành phố đã luôn chủ động, sáng tạo, duy trì tốt các mô hình bảo vệ môi trường
Đến nay, toàn thành phố đã tổ chức trồng mới và gắn biển 75 hàng cây nông dân với tổng số 12.535 cây xanh; gắn biển 191 đoạn đường nở hoa, đường nông dân kiểu mẫu, con đường bích họa với tổng chiều dài 162,3 km2; xây dựng được 45 mô hình cánh đồng sạch; 38 mô hình hàng cây kiểu mẫu… Từ sức lan tỏa của các mô hình này đã góp phần tích cực vào công cuộc gìn giữ, bảo vệ môi trường thủ đô ngày càng sáng- xanh- sạch- đẹp. |
Không chỉ tích cực xây dựng những "mô hình xanh", các cấp Hội Nông dân thành phố còn vận động hội viên, nông dân tham gia làm vệ sinh môi trường hàng tuần trên các tuyến đường làng, ngõ xóm và những địa điểm công cộng ở địa bàn các thôn, xã. Từ đó, đã lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư nói chung.
Từ các biện pháp trên, Hội Nông dân thành phố đã chỉ đạo các cấp Hội tổ chức, hướng dẫn đăng ký xây dựng được 534 mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường. Tiêu biểu như Mô hình thu gom, phân loại rác thải tại nguồn; mô hình xử lý chất thải trong chăn nuôi bằng công nghệ sinh học, ủ phân vi sinh từ phế thải nông nghiệp ở các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Mỹ Đức; mô hình thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật ở các huyện Đan Phượng, Quốc Oai; mô hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch ở các huyện Đông Anh, Đan Phượng, Phú Xuyên…
Các cấp Hội cũng đang đảm nhận hơn 4.000 đoạn đường tự quản. Trong đó, mỗi cơ sở Hội đều có một mô hình tiêu biểu như: “Hàng cây nông dân”, “Đoạn đường nông dân kiểu mẫu”...
Đến duy trì sức lan tỏa trong các cấp Hội
Để tiếp tục duy trì công tác bảo vệ môi trường, Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã tăng cường chỉ đạo việc triển khai cuộc vận động "Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến, tiêu dùng và bán ra thị trường các sản phẩm nông nghiệp an toàn cao". Đồng thời, các cấp Hội trên địa bàn thành phố đã vận động hội viên, nông dân hăng hái tham gia xây dựng mô hình "cánh đồng sạch", tổ chức các buổi ra quân thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, "Hàng cây nông dân", "Đoạn đường nông dân kiểu mẫu"... Nhờ đó, nhiều đơn vị Hội trên địa bàn thành phố đã chỉ đạo triển khai tốt hoạt động này. Cụ thể, tiêu biểu như Hội Nông dân huyện Thường Tín với những cách làm hay, sáng tạo đã đạt được nhiều kết quả rõ nét: từ những hoạt động thiết thực, cụ thể của người dân đã làm cho xã Hồng Vân ngày càng đổi mới về cảnh quan, trở thành một vùng quê đẹp và đáng sống. Có thể thấy, hiện nay, cả xã đã giống như một công viên thu nhỏ, mọi người dân đều tự ý thức được rằng bảo vệ môi trường là trách nhiệm của chính mình.
Người dân xã Hồng Vân, huyện Thường Tín cắt tỉa cây xanh, vệ sinh môi trường tại một tuyến đường trên địa bàn
Không chỉ cuốn hút bởi những con đường khang trang, có hoa nở bốn mùa mà tại mỗi tuyến đường trên địa bàn xã, bà con lại trồng một loại cây đặc trưng để tô điểm thêm vẻ đẹp cho một vùng quê. Điển hình như các loại hoa: Cau vua, hoàng yến, bằng lăng, phượng, điệp vàng... Nhiều hộ gia đình còn tự đầu tư xây dựng những vườn hoa, cây cảnh vừa giúp tạo cảnh quan làm đẹp cho ngõ xóm, vừa để bảo vệ môi trường. Đáng chú ý, mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường làng nghề xã Hồng Vân được thành lập từ năm 2012, với thành viên tham gia đều là những người có uy tín, tự nguyện, tích cực. Tổ tự quản có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức tự giác; tiến hành kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường làng nghề. Kinh phí hoạt động chủ yếu được hỗ trợ từ nguồn xã hội hóa.
Thông qua việc giúp người dân nhận thức rõ họ vừa là chủ thể, vừa có trách nhiệm thực hiện và thụ hưởng kết quả, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn xã đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo định kỳ, các thành viên trong Tổ tự quản bảo vệ môi trường làng nghề của xã sẽ “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, nhắc nhở, động viên người dân tích cực xây dựng quê hương xanh, sạch, đẹp thông qua việc trồng cây xanh, vệ sinh đường làng, ngõ xóm...
Còn với Hội Nông dân xã Lê Lợi những năm qua đã chủ động triển khai nhiều hoạt động bảo vệ môi trường như thành lập tổ thu gom rác; tổ chức các phong trào làm vệ sinh môi trường; trồng và chăm sóc cây xanh; phát động người dân sử dụng thùng rác có nắp đậy… Đến nay, mỗi hội viên, nông dân đều đã trở thành những tuyên truyền viên tích cực, trực tiếp tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng xóm, làng khang trang, sạch sẽ.
Bên cạnh đó, xác định mục tiêu phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, Hội Nông dân xã cũng đã tiến hành lắp đặt các thùng chứa để đựng vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn cánh đồng thôn An Cảnh. Việc làm này vừa góp phần làm đẹp cảnh quan lại vừa hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm an toàn cho người dân khi sản xuất. Đây cũng là hoạt động thiết thực góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Tại địa bàn huyện Chương Mỹ, các cấp Hội trong huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân liên kết nhau lại và thành lập các Câu lạc bộ bảo vệ môi trường. Mặt khác, Hội Nông dân huyện đẩy mạnh việc hướng dẫn hội viên, nông dân phát triển các mô hình thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng, tạo dựng những tuyến đường hoa, trồng mới những hàng cây xanh...
Năm 2021, hội viên, nông dân trong huyện Chương Mỹ đã xây dựng được 40 mô hình bảo vệ môi trường. Trong đó có 3 mô hình hàng cây nông dân với 195 cây xanh các loại. Cùng với đó, Hội Nông dân phối hợp với phòng Tài nguyên và Môi trường huyện tiến hành việc khảo sát, thí điểm và triển khai mô hình "Cánh đồng không khói" trên địa bàn các xã gồm: Đồng Phú, Hòa Chính, Văn Võ, Thượng Vực…
Từ những kết quả thiết thực đạt được ban đầu cho thấy, thông qua việc vận động hội viên, nông dân nói không với thuốc bảo vệ thực vật, nhiều hộ nông dân trong huyện đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng rau an toàn, lúa hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học… Qua đó, vừa tạo ra những sản phẩm an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng, vừa mang lại hiệu quả kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường nông thôn.
Diện mạo nông thôn mới khang trang tại xã Liên Hà, huyện Đan Phượng
Những năm gần đây, tại huyện Đan Phượng, vấn đề môi trường nông thôn cũng đã có nhiều khởi sắc. Hiện, trên khắp các cánh đồng trải dài của huyện đã không còn xuất hiện tình trạng vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật bị vứt bỏ bừa bãi như trước. Theo đó, các cấp Hội trong huyện đã triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để giúp hội viên, nông dân hiểu được những lợi ích thiết thực của việc sử dụng phân bón vi sinh, phân bón hữu cơ trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Mặt khác, Hội Nông dân huyện Đan Phượng đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền để hội viên, nông dân hiểu được lợi ích của việc sử dụng phân vi sinh, phân hữu cơ trong sản xuất. Đến nay, hầu hết Hội Nông dân các xã trên địa bàn huyện Đan Phượng đều đã và đang hưởng ứng việc nhân rộng mô hình xử lý phế thải nông nghiệp sau khi thu hoạch để ủ làm phân hữu cơ. Nhất là mô hình xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ ngay trên đồng ruộng đang được đông đảo hội viên, nông dân trong huyện tích cực thực hiện.
Không chỉ xây dựng những "mô hình xanh", các cấp Hội trên địa bàn thành phố còn vận động hội viên, nông dân tự giác tham gia làm vệ sinh môi trường hàng tuần trên khắp các tuyến đường làng, ngõ xóm và những địa điểm công cộng ở địa bàn các thôn, xã. Từ đó, đã góp phần xây dựng và lan tỏa được ý thức của mỗi người dân thủ đô đối với việc bảo vệ môi trường sống trong cộng đồng.
Thời gian tới, các cấp Hội trên toàn thành phố tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể như: Đến năm 2025, có hơn 80% cán bộ Hội các cấp và hơn 60% hội viên, nông dân được tập huấn nâng cao năng lực tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; thành lập các chi Hội Nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu; tập trung vận động, hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân xây dựng các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi bảo đảm an toàn thực phẩm; hỗ trợ hội viên, nông dân kết nối các cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, xây dựng thương hiệu sản phẩm, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, quảng bá sản phẩm...
Theo daibieunhandan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Một số giải pháp thúc đẩy CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn ở huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội 28.10.2024 | 11:31 AM
- Mường Thàng trước cơ hội bứt phá: Bài 1 - Những điểm sáng thực hiện nghị quyết của Đảng 11.10.2023 | 16:52 PM
- Huyện Đan Phượng (Hà Nội): Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới 04.06.2022 | 23:54 PM
- Giải bài toán rác thải sinh hoạt nông thôn 22.12.2021 | 13:55 PM
- Hà Nội: Tích cực triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025 19.07.2021 | 09:47 AM
- Tuổi trẻ cả nước ra quân làm đường, xây cầu thắp sáng những miền quê 18.07.2021 | 20:55 PM
- Đồng lòng hiến đất để làm đường liên thôn, liên xã ở Đắk Nông 17.07.2021 | 15:47 PM
- Hà Nội sẽ ban hành bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao 17.07.2021 | 15:47 PM
- Huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An): Phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực phấn đấu về đích huyện nông thôn mới năm 2021 16.07.2021 | 15:00 PM
- Nam Định: Phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên ở xã vùng giáo 15.07.2021 | 14:49 PM
Xem tin theo ngày
- Công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng công nhận thị trấn Tiền Hải mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Gặp mặt cán bộ, hội viên Câu lạc bộ Lê Quý Đôn
- Khen thưởng 12 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác văn phòng cấp ủy
- Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ
- Hội nghị Chính phủ với chính quyền địa phương
- Không ngừng nghỉ trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
- Họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI
- Chính thức khởi động cuộc thi trắc nghiệm trên internet tìm hiểu “Lịch sử Đảng bộ, lịch sử tỉnh Thái Bình”
- An Ninh: Khánh thành Trung tâm giáo dục cộng đồng