Thứ 2, 23/12/2024, 02:01[GMT+7]

Thừa Thiên - Huế: Phấn đấu đến 2025 có ít nhất 82 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Thứ 2, 31/10/2022 | 16:29:41
2,706 lượt xem
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thừa Thiên – Huế sẽ phấn đấu có ít nhất 82 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 87,2%, với tổng vốn thực hiện trên 6.676 tỷ đồng.

Lập quy hoạch chi tiết xây dựng nhằm quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan ở khu vực nông thôn.

Duy trì, nâng cao xã đạt chuẩn nông thôn mới

Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Thừa Thiên – Huế đưa ra trong giai đoạn này sẽ có ít nhất 82 xã, đạt tỷ lệ 87,2%. Trong đó, sẽ có 34 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt tỷ lệ 40,2% và 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt tỷ lệ 11%.

Toàn tỉnh có thêm ít nhất 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong số 5 đơn vị phấn đấu, đưa tổng số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn của tỉnh thành 5 đơn vị, đạt tỷ lệ 55%. Xây dựng huyện Quảng Điền đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Phấn đấu toàn tỉnh không còn xã dưới 15 tiêu chí đến cuối năm 2025. Cấp thôn, bản, phấn đấu có 60% số thôn, bản ở vùng đặc biệt khó khăn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới…

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có thêm ít nhất 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong số 25 xã. Trong số 41 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có thêm ít nhất 34 xã đạt chuẩn. Có ít nhất 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, trong số 15 xã.

Phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 3 đơn vị, trong số 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tập trung xây dựng huyện Quảng Điền đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.

Xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản và không còn xã dưới 15 tiêu chí, với 2 chỉ tiêu này xây dựng trên địa bàn huyện A Lưới. Đối với xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản có 60% số thôn, bản ở vùng đặc biệt khó khăn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đối với 10 xã đặc biệt khó khăn biên giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện A Lưới cần tập trung lồng ghép nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu không còn xã dưới 15 tiêu chí và có 35/57 thôn đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỉ lệ 61,4% vào năm 2025...

Theo đó, Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ cụ thể đối với cấp huyện xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao... duy trì, nâng cao các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tập trung xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu... Thực hiện “Thôn kiểu mẫu”, “Thôn nông thôn mới”, nhiệm vụ thực hiện 11 nội dung thành phần của chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện.

Xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch

Theo Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tỉnh Thừa Thiên - Huế, cần rà soát, điều chỉnh, lập mới và triển khai quy hoạch chung xây dựng xã gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa theo quy định pháp luật về quy hoạch, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó có quy hoạch khu vực hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn. Từng bước lập quy hoạch chi tiết xây dựng nhằm quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan ở khu vực nông thôn. Tập trung quy hoạch lại các cụm dân cư, thôn, bản tại 12 xã biên giới của huyện A Lưới.

Tập trung lập quy hoạch xây dựng vùng huyện gắn với quy hoạch ngành, quy hoạch đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, theo hướng hiện đại góp phần trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và A Lưới nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới. Trong đó, có quy hoạch khu vực hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn. Xây dựng, rà soát, điều chỉnh quy hoạch tỉnh, tạo điều kiện thực hiện chương trình gắn với phát triển kinh tế, xã hội và môi trường.

Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn xã, hạ tầng giao thông kết nối liên xã, liên huyện. Hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống thủy lợi và phòng chống thiên tai cấp xã, huyện, đảm bảo bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cải tạo và nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn theo hướng an toàn, tin cậy, ổn định và đảm bảo mỹ quan. Tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh các công trình cấp xã, cấp huyện đảm bảo đạt chuẩn cơ sở vật chất cho các trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường phổ thông trung học có nhiều cấp học, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đảm bảo đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất văn hóa thể thao cấp xã, thôn, các trung tâm văn hóa thể thao huyện; tu bổ tôn tạo các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch nông thôn.

Thừa Thiên – Huế phấn đấu đến năm 2025 có thêm ít nhất 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong số 25 xã.

Đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, chợ an toàn thực phẩm cấp xã; các chợ trung tâm, chợ đầu mối, trung tâm thu mua - cung ứng nông sản an toàn cấp huyện; trung tâm kỹ thuật nông nghiệp; hệ thống trung tâm cung ứng nông sản hiện đại. Tiếp tục xây dựng, cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện. Xây dựng, hoàn thiện các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, đảm bảo chất lượng đạt chuẩn theo quy định.

Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường nông thôn; thu hút các doanh nghiệp đầu tư các khu xử lý chất thải tập trung quy mô liên huyện, liên tỉnh; đầu tư hạ tầng các điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt phù hợp quy hoạch xử lý chất thải rắn của tỉnh; xây dựng các mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô tập trung, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường. Đầu tư, cải tạo, nâng cấp đồng bộ hệ thống thu gom, thoát nước thải và các công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung và tại chỗ phù hợp. Trong đó, có phát triển các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình, cấp thôn. Tăng cường công tác tuyên truyền và thực hiện việc thu gom xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng theo quy định.

Theo baoxaydung.com.vn