Thứ 2, 25/11/2024, 04:51[GMT+7]

Huy động nhiều nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Thứ 7, 19/11/2022 | 15:08:48
1,479 lượt xem
Đến tháng 11/2022, các bộ, ngành trung ương và các địa phương đã cơ bản hoàn thành trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định, văn bản hướng dẫn và cụ thể hóa công tác phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Nguồn: Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương

Bố trí 39.632 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025

Sáng 17/11, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới (NTM) Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) tổ chức “Hội nghị quán triệt một số nội dung trọng tâm và các chương trình chuyên đề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 (chương trình)”. Tại hội nghị, ông Vi Việt Hoàng – Trưởng phòng Kế hoạch, Tài chính và Giám sát (Văn phòng Điều phối NTM Trung ương) cho biết, tổng vốn ngân sách trung ương bố trí thực hiện chương trình đã được Quốc hội phê duyệt là 39.632 tỷ đồng, gồm 30.000 tỷ đồng vốn đầu tư và 9.632 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp.

“Thực hiện Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2022 của Quốc hội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình và nhiệm vụ được giao, đến tháng 11/2022, các bộ ngành trung ương và các địa phương đã cơ bản hoàn thành trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định, văn bản hướng dẫn và cụ thể hóa công tác phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực thực hiện chương trình giai đoạn 2021 - 2025” - ông Vi Việt Hoàng nhấn mạnh.

Ngoài ra, hiện nay Chính phủ đã có báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV xem xét quyết định về phương án phân bổ nốt 9.632 tỷ đồng, gồm 3.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 6.632 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp còn lại của chương trình. Đồng thời, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung thêm 88,6 triệu USD (tương đương khoảng 2.050 tỷ đồng vốn vay ADB thực hiện Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn). Như vậy, trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua phương án bổ sung 88,6 triệu USD vốn vay ADB, thì tổng vốn ngân sách trung ương của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 tăng thêm 2.050 tỷ đồng vốn nước ngoài so với tổng vốn ngân sách trung ương đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 25/2021/QH15. Nguồn vốn này sẽ được phân bổ cho 16 tỉnh tham gia thực hiện Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn theo quy định tại Khoản 5 Điều 5 Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg ngày 25/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 và các quy định khác có liên quan.

Đối với kế hoạch vốn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình nông thôn mới năm 2023, ông Vi Việt Hoàng cho hay, theo phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 của Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 4, tổng vốn ngân sách trung ương giao thực hiện chương trình này dự kiến là 10.235 tỷ đồng. Ngay sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, Bộ NN&PTNT sẽ có văn bản hướng dẫn các bộ, ngành trung ương và các địa phương triển khai, thực hiện kế hoạch vốn được giao theo đúng quy định.

Lồng ghép nguồn vốn thực hiện chương trình

Theo Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, hiện đã có các quy định về quản lý và sử dụng vốn ngân sách thực hiện chương trình theo Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ Quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công; Thông tư số 53/2022/TT-BTC ngày 12/8/2022 của Bộ Tài chính Quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 và các quy định khác có liên quan. Theo đó, cần lồng ghép và huy động nguồn lực thực hiện chương trình. Cụ thể, lồng ghép nguồn vốn của 2 chương trình mục tiêu quốc gia còn lại để tập trung hỗ trợ các địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2023 - 2025. Các bộ, ngành, địa phương cũng phải căn cứ các quy định tại Nghị quyết số 25/2021/QH15 của Quốc hội; Nghị định số 27/2022/NĐ-CP của Chính phủ... để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu xây dựng NTM đã được phê duyệt, đảm bảo không chồng chéo, trùng lặp nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương của các chương trình mục tiêu quốc gia, đối với các xã thuộc địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các huyện nghèo…

Thực hiện đồng bộ các giải pháp về huy động vốn

Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 263/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025. Quyết định số 263 nêu rõ, thực hiện đồng bộ các giải pháp về huy động vốn, bảo đảm huy động đầy đủ, kịp thời theo quy định; căn cứ vào tình hình thực tế, Chính phủ tiếp tục cân đối ngân sách trung ương để ưu tiên bổ sung cho chương trình. Các địa phương phải có trách nhiệm bố trí đủ vốn ngân sách địa phương để thực hiện chương trình.Quyết định Thủ tướng cũng lưu ý huy động tối đa nguồn lực của địa phương (tỉnh, huyện, xã) để tổ chức triển khai chương trình. Các tỉnh, thành phố ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước được phân bổ đầu tư cho các địa bàn khó khăn để góp phần thu hẹp khoảng cách xây dựng NTM giữa các vùng, miền.

Nhận định về nguồn vốn hỗ trợ chương trình, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan từng nhấn mạnh, chắc chắn rằng nguồn vốn, bao gồm vốn đầu tư và cả vốn sự nghiệp sẽ không đủ để đạt được mục tiêu một chương trình vừa có chiều rộng vừa có chiều sâu, vừa xây dựng kết cấu hạ tầng, vừa phát triển kinh tế kết hợp văn hóa, xã hội nông thôn. Đặc biệt, chương trình chú trọng hình thành các không gian, thiết chế cộng đồng dân cư nông thôn, gắn với không gian sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, trong đó nâng cao năng lực và chất lượng sống cư dân nông thôn là đặc biệt quan trọng.

Vì vậy, ngoài nguồn vốn trung ương, các địa phương cần lồng ghép với nguồn vốn địa phương và kêu gọi vốn xã hội hóa, vừa thu hút doanh nghiệp về nông thôn, vừa tạo không gian cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ngay tại mỗi địa phương. Trong giai đoạn vừa qua, rất nhiều địa phương đã về đích trước thời hạn nhờ huy động được các nguồn lực ngoài ngân sách từ doanh nghiệp và sự tham gia của người dân. “Theo tôi, mỗi địa phương cần xây dựng kế hoạch để thu hút các nguồn lực, đồng hành, hỗ trợ sát sao với cấp cơ sở" – ông Lê Minh Hoan gợi ý.

Phấn đấu năm 2025, cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới

Xây dựng NTM là một trong ba chương trình mục tiêu quốc gia được kỳ vọng góp phần chuyển đổi nền nông nghiệp, nâng cao chất lượng sống cho nông dân và người dân nông thôn, mang lại những giá trị bền vững cho nông thôn trong giai đoạn mới, tiếp cận mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Ông Ngô Trường Sơn - Chánh văn phòng Điều phối NTM Trung ương cho biết, mục tiêu xây dựng NTM đến năm 2025 phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, không còn xã dưới 15 tiêu chí; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. Phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó, ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện NTM nâng cao, huyện NTM kiểu mẫu. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM. Phấn đấu cả nước có khoảng 17-19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. 60% số thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc (sau đây gọi là thôn) thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn NTM theo các tiêu chí NTM do UBND cấp tỉnh quy định.

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn